Cơn mưa phùn lâm thâm của người khác thì đối với cô mà nói, đó là trận mưa bão cuồng phong. Con sóng nhỏ của người khác thì đối với cô mà nói, đó là những con sóng dữ thét gào.

Câu chuyện của một học sinh giỏi xuất sắc

Con gái một người bạn tốt nghiệp một năm rồi, nhưng gần đây lại thất nghiệp ở nhà, chẳng làm gì cả. Đây là lần thứ 3 cô thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Người bạn tâm sự, trước kia cháu đâu có như thế này. Khi còn đi học, thành tích học tập của cháu luôn xuất sắc. Từ nhỏ, chúng tôi đã cho cháu học ở trường mẫu giáo tốt nhất, trường tiểu học tốt nhất, đến cấp 2, cấp 3 cũng đều học ở lớp chọn.

Do cháu có thành tích đặc biệt xuất sắc nên được tuyển thẳng vào một trường đại học nổi tiếng. Trong thời gian học đại học cháu cũng đã đạt được rất nhiều học bổng, và thường xuyên phát biểu, diễn thuyết trong lớp. Nhưng không biết tại sao đến khi đi làm thì lại thay đổi hoàn toàn rồi.

Người bạn không nén nổi đã gọi điện cho sếp cũ của con gái để hỏi nguyên nhân. Những lời nói của sếp khiến cô lo lắng khôn nguôi.

“Con gái chị thái độ công tác rất lười biếng, làm việc không chủ động nói. Những công việc theo chức phận thì luôn luôn lề mề chậm chạp. Hơn nữa, cháu lại không tiếp thu phê bình, hễ nhắc nhở liền tức giận bỏ đi”.

Nghe những lời này, người bạn rất kinh ngạc: “Đứa con gái của tôi xuất sắc như thế, trước kia luôn luôn là niềm tự hào của tôi, tôi cũng cảm thấy mình là người mẹ rất thành công. Nhưng tại sao bỗng chốc lại thành ra như thế này?”.

Theo lý thường tình phán đoán thì sự tình nhất định không thể “bỗng chốc” trở nên tồi tệ như thế được.

Cô bé này nhất định trên người có những phẩm chất ‘tồi tệ’, ví dụ như không biết giao tiếp với người khác, không biết tôn trọng người khác, tâm lý yếu đuối, tinh thần trách nhiệm kém… Chỉ là trước khi tốt nghiệp thì những đặc điểm xấu này đã bị thành tích học tập che lấp hết.

Rất nhiều bậc cha mẹ có tư duy sai lầm rằng: “Trẻ con à, khỏe mạnh, vui vẻ, thành tích học tập tốt thì tất cả đều tốt”. Người bạn này cũng vậy, khi bé 2 tuổi thì bạn cho bé ăn bữa sáng đủ màu sắc (giàu dinh dưỡng), dạy bé những từ tiếng Anh, nhận biết đồ vật qua hình ảnh… Nhưng bạn lại không dạy bé hiểu phép tắc, lễ phép. Bé tùy tiện lấy đồ của người khác, nhìn thấy người lớn không chào hỏi… nhưng bạn vẫn không coi đó là vấn đề gì.

Thế là khi cô con gái đi làm, ở văn phòng yên tĩnh thì cô ăn đồ ăn vặt nhồm nhoàm, nói chuyện oang oang. Khi gặp sếp thì cứ giương mắt lên như không thấy, và đều coi đó là những việc bình thường, là lẽ tự nhiên.

(Ảnh minh họa: chinatimes.com)

Khi bé 5 tuổi, bạn cho bé học viết chữ đẹp, học piano, học Taekwondo, nhưng lại không dạy bé cùng vui chơi với các bạn khác như thế nào. Bé độc chiếm đồ chơi chung thì bạn để cô bé chiếm. Khi bé bị bắt nạt thì bạn giúp bé đánh lại.

Thế là khi cô con gái đi làm, tranh giành máy tính, thành tích với đồng nghiệp, luôn xâm phạm người khác một cách vô ý thức, liên tiếp xảy ra xung đột với người khác mà vẫn không biết giải quyết như thế nào.

Khi bé 10 tuổi, bạn chỉ quan tâm đến bé có thành tích xuất sắc không, có được tuyên dương không, mà không dạy bảo cháu phải tôn trọng thầy cô giáo, cảm ân cha mẹ. Bé nói to hét lớn với người lớn, bạn cảm thấy như vậy là mạnh bạo đáng khen. Khi ăn cơm, người khác chưa ngồi thì bé đã ăn uống nhồm nhoàm. Bạn cho rằng bé ăn no là tốt rồi.

Thế là khi đi làm, sếp đang gắp thức ăn thì cô quay bàn, sếp mở cửa xe là cô liền bước lên, sếp chủ trì cuộc họp ở trên thì ở dưới cô túm tụm tán gẫu. Những việc như thế nhưng cô lại không hề ý thức được có gì không thỏa đáng.

Khi bé 15 tuổi, bạn dốc tâm sức để bé làm sao vào được trường đại học tốt mà không dạy bé rèn luyện nội tâm mạnh mẽ như thế nào. Một ánh mắt thầy giáo chê trách khi bé thành tích đi xuống, hay một câu nói đùa của họ hàng cũng khiến bé xấu hổ giận dữ. Bạn lại đồng tình với bé, cho rằng thầy giáo và họ hàng đã sai.

Thế là khi đi làm, sếp phê bình mấy câu thì cô muốn từ chức. Công việc nảy sinh một chút vấn đề thì cô hoảng sợ, khó mà chịu nổi.

Khi bé 20 tuổi, bạn luôn luôn nghĩ không biết bé có thể kiếm được công việc tốt không, nhưng lại không dạy bảo bé biết xã hội con người phức tạp, thế sự gian nan, không nỡ để bé chịu khổ.

Thế là đến khi đi làm, đi công tác, làm thêm giờ là cô kêu khổ. Đối diện với sự bài xích, cô lập của đồng nghiệp, tranh giành đấu đá nhau, cô hoàn toàn không có năng lực ứng đối.

Cô con gái của bạn đã như bạn mong muốn, đã thi đỗ trường đại học danh tiếng, đã có học vị cao, thậm chí còn là người đa tài đa nghệ. Nhưng cô tự tư, thờ ơ, mềm yếu, vô trách nhiệm, không hiểu sự đời… Cô hoàn toàn không thích ứng với xã hội.

(Ảnh minh họa: flickr.com)

Trong biển cuộc sống này, cô vừa xuống nước liền xuất hiện phản ứng dị ứng lớn. Cơn mưa phùn lâm thâm của người khác thì đối với cô mà nói, đó là trận mưa bão cuồng phong. Con sóng nhỏ của người khác thì đối với cô mà nói, đó là những con sóng dữ thét gào.

Con thuyền nhỏ của tình bạn học đã lật nhào, con thuyền lớn của công việc cũng đã chìm rồi, bánh xe lớn cuộc đời cũng đã bị xì hơi rồi.

Cô bé của bạn đã vỡ đầu chảy máu nhưng bạn cũng bất lực không biết xoay xở ra sao.

Xã hội mới là trường thi tối hậu kiểm nghiệm một cá nhân và kiểm nghiệm cha mẹ, mà trường thi này lại có tính tổng hợp.

Câu chuyện về một cô sinh viên thực tập

Cô là sinh viên năm thứ 3 được sắp xếp đến công ty thực tập. Ngày đầu tiên đến công ty, cô rất chủ động giúp nhân viên tiếp tân, nhân viên hành chính cùng quét dọn vệ sinh văn phòng. Cô còn vừa làm vừa trò chuyện, nói cười tự nhiên vui vẻ khiến các đồng nghiệp rất vui thích.

Công việc của cô là cuối tuần lên lớp cho các bé tiểu học học thêm. Thường trước buổi lên lớp mấy ngày, cô đã chuẩn bị xong giáo án rồi. Cô còn tìm các thầy cô có kinh nghiệm xin tư liệu và giao lưu phương pháp giảng dạy. Có lúc cô còn chủ động đến văn phòng thảo luận phương pháp và suy nghĩ của cô.

Có lần xảy ra một chuyện rất vui. Cô nói chuyện nửa chừng thì bỗng nhiên dừng lại. Sếp hỏi cô tại sao, cô cười nói, vì trông thấy sếp đang hắt hơi liền nghĩ đến cha cô dạy, không được làm phiền người đang hắt hơi.

Chỉ 2 tháng thực tập ngắn ngủi, cô đã rất độc lập dẫn dắt dạy các bé học.

Sếp cũng lặng lẽ quan sát dáng vẻ cô lúc lên lớp, thấy cô nhiệt tình hăng say, trong những người mới thì rất hiếm thấy.

Vị sếp này đến nay vẫn cho rằng, cô gái này bất kể ở đơn vị nào thì nhất định cũng làm rất tốt, đều được mọi người yêu thích.

Sự tu dưỡng, thân thiện, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và năng lực vượt khó của cô nhất định đều có công lao của cha mẹ cô.

(Ảnh: rustur.ru)

Có lần cô nói với sếp rằng, mỗi lần mẹ cô gọi điện cho cô đều hỏi mấy câu là:

  • Hôm nay có giúp đỡ được thầy cô không?
  • Có quen với bạn mới không?
  • Bản thân có thu hoạch gì không?

Xem ra những cha mẹ có thể hỏi những câu hỏi như thế này, so với những cha mẹ chỉ biết hỏi con “có ăn đủ no không, có mặc đủ ấm không”, thì nhất định hoàn toàn khác biệt.

Sứ mệnh tối hậu của cha mẹ

Thực ra, mỗi bậc cha mẹ đều biết rằng, con cái sẽ có một ngày rời xa cha mẹ bước chân vào xã hội. Chúng sẽ dùng hai bàn tay và khối óc của mình để sáng tạo ra cuộc đời của riêng chúng.

Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ có thể cung cấp cho chúng cuộc sống thoải mái dễ chịu, trông nom chăm sóc từng li từng tí, nhưng không thể ở bên chúng cả cuộc đời được.

Rồi sẽ có một ngày, con cái chúng ta độc lập đối diện với thế giới, tự giải quyết vấn đề khó khăn của chúng, tự chịu đựng mưa gió cuộc đời, tự tìm cho mình con đường đi.

Do đó, nếu thực sự yêu thương con thì trước khi con rời xa bạn, bạn hãy dạy con năng lực chung sống với thế giới, đó là sự giúp đỡ và bảo vệ lớn nhất của bạn đối với con.

Sứ mệnh tối hậu của bậc làm cha mẹ thực tế là đào tạo ra những người con thích ứng với xã hội. ‘Thích ứng’ ở đây không có nghĩa là thuận theo trào lưu bất phân tốt xấu, mà là biết dùng tâm thiện lương của mình sống hài hoà với những người xung quanh.

Hơn nữa, từ khi con còn rất nhỏ đã phải bắt đầu bồi dưỡng rồi, phải cung cấp cho con cơ hội tiếp xúc với thế giới, khích lệ con tham gia các hoạt động xã hội, khích lệ con giao tiếp hợp tác với những người ở các ngành nghề khác nhau.

Trong các hoạt động hợp tác, trẻ sẽ tự bồi dưỡng cho mình tình yêu thương lẫn nhau. Trong các hoạt động xã hội, trẻ sẽ tự bồi dưỡng cho mình năng lực kiềm chế, kiểm soát bản thân và tôn trọng giúp đỡ bạn bè, kính trọng người lớn.

Cần ghi nhớ rằng, con cái sống vui vẻ, hòa thuận, ung dung thanh thản trong xã hội mới là vinh quang cao nhất, mới là thành công lớn nhất của cha mẹ.

Theo Apollo
Nam Phương biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__