Có một ngày, con gái đang là học sinh trung học hỏi tôi: “Ba mẹ mong muốn con thi vào trường có tiếng tăm, các bạn học của con cũng cho rằng cần phải có kỹ năng tốt để sau này ra trường xin vào các công ty lớn làm việc, như vậy mới có thu nhập cao. Ai ai cũng cố sức để đạt được những điều đó, nếu cả đời đều như vậy, thì có đáng giá không?”.

Rồi cô bé bắt đầu tự hỏi chính mình: Có kỹ năng tốt sẽ được vào làm việc ở công ty lớn, có chức vị lớn, hưởng lương cao, như vậy cuộc sống có thực sự sung sướng, hạnh phúc? Con gái cảm thấy cuộc sống như thế không hề có ý nghĩa. Con người ta sống chỉ vì danh tiếng địa vị, hưởng thụ vật chất, tranh giành cao thấp, thật là nhàm chán!

Tuy nhiên, con bé cũng không biết suy nghĩ của mình liệu có đúng hay không, cảm thấy hoang mang, bối rối. Rốt cuộc là suy nghĩ của đa số mọi người là đúng hay cảm nhận của cháu là chính xác?

Tôi hiểu được băn khoăn trong lòng con gái nên cũng muốn giúp cháu “gỡ rối” một chút. Tôi không bắt buộc con phải lựa chọn thi vào các trường đại học danh giá, nhưng cũng không phủ định ưu thế của những trường này. Vấn đề là, cần nhìn nhận việc này như thế nào cho phù hợp với bản thân mình, chứ không phải mù quáng chạy theo thị hiếu xã hội.

Con gái tôi tâm sự: Con người ta sống chỉ tranh nhau danh vị, cố sức mà tranh cao thấp, chỉ vì hưởng thụ vật chất đủ đầy, thật là nhàm chán. (Ảnh: noithatplaza.com)

Tôi nói với con: “Trong tương lai, bất kể con lựa chọn làm nghề gì, có bao nhiêu tiền, chức vị cao thấp ra sao, đều là làm một người trong xã hội này: bên ngoài thì lo giao tiếp với người khác, về nhà lại đối mặt với các sự việc trong gia đình. Nhìn thì thấy thật phức tạp, vất vả… Nhưng kỳ thực nó cũng không có gì là phức tạp, chỉ cần con thực hiện điều này: lấy chân thành đối với mọi người, dùng sự nhiệt tình, trân trọng và tôn trọng người khác mà đối đãi với nhau. Không cần tìm đâu xa, mà chỉ cần con xem bản thân con muốn điều gì thì sẽ hiểu người khác mong muốn cái gì”.

“Con có thể nghĩ lại xem, tiền bạc và vật chất có đem đến hạnh phúc, vui sướng cho con không? Ví như lúc ba con không ở nhà, con cảm thấy lẻ loi; những lúc con cần có ba mẹ bên cạnh để nói chuyện, tâm sự, vui đùa… nhưng ba con lại luôn không ở nhà mà ngày đêm bận lo kiếm tiền để lo cho con những thứ tốt nhất, mua cho con những thứ con yêu thích. Tuy rằng những thứ đó cũng quan trọng, trong lòng con lúc đó cũng rất vui vẻ, nhưng có thể từ trong sâu thẳm nội tâm của con lại cảm thấy một sự vắng vẻ, mất mát, bất an, thậm chí có thể còn có một chút oán hận. Cho nên, theo con thì con người sống là cần cái gì? Chính là cần sự quan tâm, tình cảm, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Đó là theo đuổi hướng về tinh thần, là tình thương yêu của con người”.

Việc đầu tiên tôi cần làm lúc này, đó là dẫn dắt con gái, để cho con hiểu được mong muốn chân chính của bản thân là gì và làm thế nào để theo đuổi nó. (Ảnh: pixabay.com)

“Lại nói đến vấn đề kỹ năng kỹ thuật, thế hệ trẻ bây giờ quả là nhìn nhận lệch lạc về nó. Những suy nghĩ, băn khoăn của con là đúng. Mỗi người không nên cứ chạy theo dòng chảy trào lưu xã hội nhất thời, mà cần phải theo đuổi những khát khao mơ ước đích thực của bản thân. Nếu không sẽ gặp phải những khổ đau và hối hận”.

“Ví như con có nắm giữ được trình độ kỹ thuật cao cấp, nhưng nếu ông chủ của công ty đó chỉ quan tâm đến năng lực; đó chẳng phải là chỉ có được ngọn mà không có được gốc sao. Vì sao lại nói như vậy? Con thử nghĩ xem, nếu một công ty có thể dùng tiền để mua được nhân tài nhưng lại không thực tâm trân trọng họ, thì thứ sở hữu được cũng chỉ là tay nghề kỹ thuật chứ không phải con người đó. Như vậy nếu người khác trả giá cao hơn, nhân tài có thể đi bất cứ lúc nào. Lòng người mới là thứ không tiền nào mua được.”

Con gái nghe đến đây dường như hiểu chuyện: “Đúng vậy mẹ ạ, chính là cái vấn đề này. Nếu thật sự làm việc trong một công ty hoạt động như vậy, một chút tình người cũng không có. Hữu dụng thì thu mua, không được liền sa thải, khiến lòng người lúc nào cũng âm thầm tính toán, vậy làm gì có người còn lưu luyến với công ty? Sống như vậy còn có ý nghĩa gì chứ?”.

Học tập “công ty trăm năm” của Nhật Bản

Tôi lại nói tiếp với con: “Nhiều người hiện nay không hiểu nổi các công ty Nhật Bản, nhất là những giá trị đạo đức của các công ty đã tồn tại cả trăm năm nay, thậm chí còn cho rằng những người Nhật không thông minh bằng người nước khác. Nhưng vì sao những công ty đó tồn tại và phát triển tốt như vậy. Kỳ thực, họ tồn tại và phát triển qua cả trăm năm là do họ biết cách xử sự, tôn trọng giá trị con người, đối ngoại thì hết lòng tuân thủ chữ Tín, đối nội thì thật tâm đối đãi với nhân viên, xem nhân viên như người thân vậy.

Những công ty của Nhật Bản tồn tại và phát triển qua cả trăm năm là do họ biết cách xử sự, tôn trọng giá trị con người, đối ngoại thì hết lòng tuân thủ chữ Tín. (Ảnh: youtube.com)

Người xưa luôn răn dạy con người tôn trọng đạo nghĩa, tình nghĩa, lòng trung thành, và hết sức coi trọng chữ tín. Truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” cũng rất được phổ biến đối với người Nhật, cũng là cuốn sách được nhiều ông chủ thích xem nhất.

Mọi người đều biết, Quan Vũ vì không chấp nhận sự hậu đãi của Tào Tháo nên đem toàn bộ lễ vật được ban trả lại cho Tào Tháo để tìm đường trở về bên cạnh Lưu Bị, cũng bởi vì Lưu Bị luôn lấy phúc hậu đối đãi với người, lại yêu thương, quan tâm Quan Vũ và Trương Phi như anh em ruột thịt. Càng quan trọng hơn là Lưu Bị mưu cầu nghiệp lớn chỉ vì ông muốn sớm chấm dứt chiến tranh loạn lạc, dân tình lầm than; Lưu Bị là vì nghĩa, không phải vì vinh quang của cá nhân, cho nên ông mới có được lòng trung thành tự nguyện của mọi người. Ở thời cổ đại, người ta xem phản bội là một sự hổ thẹn vô cùng.

Ở xã hội hiện đại cũng vậy, cho dù có nhiều tiền tài đi nữa, nhưng giá trị đích thực được đánh giá cao và coi trọng vẫn là sự thành tín. Đây mới là một xã hội tốt đẹp, giúp con người sống hạnh phúc và thoải mái, chứ không phải vì có bao nhiêu tiền và trình độ kỹ thuật cao ra sao.

Người sáng lập ra công ty Matsushita là ông Matsushita Konosuke, ông ấy chỉ học đến lớp 4 tiểu học, nhưng ông học được đạo lý đối đãi mọi người và sống trách nhiệm. Thời kỳ thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế, rất nhiều công ty vội vàng giảm biên chế, nhưng công ty của ông một người cũng không bị sa thải. Điều này khiến cho mọi người cảm động không thôi, bèn cùng nhau hợp lực, cuối cùng đã giải quyết được vấn đề khó khăn ngoài dự đoán. Ở trong tình trạng nguy khốn, ông xem mọi người trong công ty như người nhà mà đối đãi, có phúc cùng hưởng có họa cùng nhau gánh vác, biết trân trọng công nhân của mình. Ông cũng là một người kinh doanh biết đóng góp cho xã hội, cho nên vừa có được sự tôn quý lại càng giàu có”.

Con gái nghe xong mỉm cười và gật gật đầu đồng ý.

Con gái à, bản thân mình có trình độ kỹ thuật cao cũng tốt, điều quan trọng là biết giữ bổn phận và đạo nghĩa làm người… (Ảnh: pixabay.com)

“Cho nên, bản thân mình có trình độ kỹ thuật cao cũng tốt, nhưng điều quan trọng hơn cả là biết giữ bổn đạo nghĩa làm người, nếu không cũng sẽ cảm thấy bất an, mà đã bất an thì làm sao có thể có được hạnh phúc và thoải mái. Con phải nhớ kỹ rằng, tiền là không mua được lòng trung thành, nhiều tiền cũng không mua được hạnh phúc êm ấm của gia đình. Có bao nhiêu tiền tài và vật chất, cuối cùng đều hư không.

Cho dù con lựa chọn học nghề gì, lựa chọn trường nào, chỉ cần có ích cho xã hội thì mẹ đều ủng hộ con, quan trọng là dù ở đâu, làm gì con không được đánh mất bản thân mình, không được đánh mất niềm vui đích thực sự trong tâm”.

Sau cuộc nói chuyện này, những bất an, bối rối trong lòng con gái tôi đã được giải khai. Cô bé cũng đã hiểu bản thân mình nên có lựa chọn như thế nào về nghề nghiệp và trường học phù hợp cho mình.

Theo ntdtv.com
Minh Phúc biên dịch

Video xem thêm: 3 loại người nên tránh, 3 kiểu bạn nhất định phải kết giao

videoinfo__video3.dkn.tv||d572a4f07__