Cách đây mấy hôm, tôi có đọc được một bài báo của một phụ huynh học sinh nói về quan điểm giáo dục bằng cách im lặng. Sau khi xem xong tôi như bừng tỉnh, mặc dù không nói một lời nhưng cách dạy này lại có hiệu quả bất ngờ. 

Im lặng đúng lúc chính là đang bảo vệ lòng tự trọng của học sinh

Bài báo của phụ huynh học sinh khiến tôi không thể không suy nghĩ đến một vài sự việc xảy ra gần đây. Hôm đó, tôi đi kiểm tra tình hình học tập ở các lớp cấp 2 và phát hiện thấy có một nữ học sinh đang ngủ trong giờ học. Tôi không nói gì mà nhẹ nhàng đến bên vỗ vào vai của em học sinh đó. Sau khi cô học trò mở mắt, nhìn thấy tôi thì vô cùng kinh ngạc. Tôi nhìn em im lặng không nói gì và tiếp tục đến lớp học kế bên. Trong giờ nghỉ giải lao, tôi đã đến gặp em học sinh kia và hỏi thăm tình hình có phải là đang bị ốm hay không. Em đó trả lời rằng em đã ngủ thiếp đi sau khi uống mấy viên thuốc cảm. Tôi nhìn em học sinh rồi mỉm cười không nói gì, con em học sinh nhìn tôi với vẻ ái ngại. 

Tôi không ngờ được rằng, im lặng đúng lúc lại chính là đang bảo vệ lòng tự trọng của học sinh. Loại hình giáo dục này vừa thể hiện được sự cảm thông thấu hiểu vừa không khiến các em phải vô cớ bị mắng oan.

Sau chuyện này, tôi chợt nhớ đến một tình huống phát sinh với học sinh nam trong trường thời gian trước đó. Lúc đó, khi đi qua hành lang tôi bất ngờ phát hiện thấy một cậu học trò đang uống nước trong giờ học. Bình thường thì việc này cũng không có gì to tát, nhưng khi giáo viên đang đứng lớp thì hành động đó cho thấy sự thiếu tôn trọng thầy cô. Thấy vậy tôi đã quát lớn. Tất cả học sinh trong lớp đã bị tiếng quát tháo của tôi mà giật mình ngoái lại nhìn giống như tôi là một giáo viên thứ 2. Cuối cùng, cô giáo đang đứng giảng bài vội vàng chạy tới nói nhỏ với tôi rằng em học sinh này vừa đến giờ uống thuốc. Nghe xong, tôi cảm thấy vô cùng ái ngại không thốt nên lời. Nếu lúc đó tôi bình tĩnh hơn và nghĩ rằng em học sinh này có thể đang rất khát nước hoặc mắc phải bệnh gì đó cần bổ sung nước thì sao… Nếu làm được thế, tôi đã không vội vàng quát lớn như vậy. Sau sự việc đó, tôi cứ cảm thấy hối hận mãi và phải xin lỗi em học sinh vì sự thiếu cảm thông và tôn trọng. 

Câu chuyện xảy ra khá lâu nhưng mỗi lần nghĩ đến là tôi lại tự trách bản thân. Kỳ thực, sự việc vốn dĩ không có gì to tát nhưng tôi lại hành xử giống như em học sinh đã phạm phải một tội lớn tày trời. Giá như ngày đó, tôi biết được cách giáo dục bằng im lặng thì đã có một cuộc nói chuyện thầy trò ấm áp sau buổi học. 

Giáo dục lớn tiếng là một loại hình thức dạy bảo thô bạo cần thay đổi

Có lẽ bởi vì âm thanh giọng nói của tôi quá lớn, hơn nữa lại làm công tác giáo dục đạo đức nhiều năm nên tôi thường phải lớn tiếng, khiến bản thân rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Đây cũng là tật xấu cần phải bỏ của tôi, nhiều lúc vừa mở lời thì âm thanh thốt ra đã như muốn quát nạt người khác. Đáng sợ hơn là, tôi càng nói thì âm lượng càng mạnh và càng nhanh. Tật xấu này cũng đã khiến cha mẹ tôi phải nhắc nhở thường xuyên. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân khi tham gia công tác đào tạo mà còn khiến các giáo viên khác cảm thấy khó chịu vì giọng nói lớn tiếng như đang lên lớp người khác. 

Thật kỳ lạ là kiểu nói lớn tiếng của tôi cũng ảnh hưởng đến các giáo viên khác. Một thầy giáo cùng trường cũng thường quát to. Mỗi khi họ nói thì toàn bộ hành lang, tầng trên tầng dưới đều có thể nghe thấy. Có nhiều lúc tôi hỏi nhỏ những giáo viên này rằng liệu họ có thể nói nhỏ hơn một chút không. Họ miễn cưỡng trả lời là khi vào tiết học thì không thể nói nhẹ nhàng, như thế học sinh sẽ không nghe. Thấy vậy, tôi đã khuyên họ một cách nghiêm túc, chúng ta cần phải thay đổi cách giáo dục xấu xí này để thoát khỏi những rắc rối không cần thiết. 

Im lặng là một cảnh giới cao của giáo dục

Giáo dục im lặng cũng cho thấy giáo viên là một người có tu dưỡng, nội tâm khoáng đạt và nhẹ nhàng. Cách dạy bảo này càng khiến học sinh thêm phần kính trọng. Ngược lại, nếu dùng những lời lẽ thô bạo, chưa hỏi đầu đuôi ngọn ngành sự việc đã vội quát nạt, nó không chỉ khiến giáo viên và học sinh tăng thêm mâu thuẫn mà còn khiến mối quan hệ thầy trò chuyển biến thành xấu tệ. 

Quá trình giáo dục im lặng chính là một kiểu chờ đợi, đợi những bông hoa nở rộ để tận hưởng cái đẹp của nó. Một số học sinh không cần phải dùng những lời lẽ đao to búa lớn để giáo dục, mà nên để các em từ từ cảm thụ cách giáo dục im lặng và trưởng thành. Trong quá trình này, các em sẽ tự học và điều chỉnh bản thân, khi đến lúc thì thành quả thu được lại vô cùng tốt đẹp. 

Chúng ta thử liên tưởng đến người nông dân trồng ngô, nếu mỗi ngày họ cứ quát to rằng tại sao cây ngô không lớn nhanh? Cũng giống như vậy, giáo viên không thể quát học sinh mỗi ngày bảo họ sao không hoàn thành bài tập về nhà? Tại sao mắc lỗi 3 lần, 5 lần? Do vậy, đừng nói lớn tiếng mà hãy ngồi xuống nói chuyện nhẹ nhàng, nó sẽ tốt hơn nhiều so với việc quát mắng. Nếu có thể nắm lấy bàn tay nhỏ bé của học sinh, dẫn dắt và chỉ ra những thiếu sót, điều đó sẽ khiến các em bừng tỉnh và mang lại hiệu quả thiết thực. 

Đối với học sinh mà nói, một nụ cười, một ánh mắt thân thiện của giáo viên sẽ khiến học sinh nhớ mãi. Và tất nhiên là những thay đổi tích cực của học sinh cũng sẽ được người thầy nhìn thấy rất rõ. Khi giáo viên và học sinh có thể thấu hiểu nhau thì việc giáo dục không còn sự ngăn trở. Từ nay, chúng ta nên thực hành giáo dục thầm lặng đi để mang lại sự ấm áp và hạnh phúc cho mọi người. 

Theo Cocomy
San San biên dịch

Video xem thêm: Mục đích cao nhất của giáo dục là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||1d82f5b69__