Theo thời gian, con trẻ dần dần lớn lên, lúc này có nhiều cha mẹ phát hiện rằng, em bé “tiểu Thiên sứ” trước đây đã biến mất, thay vào đó là một đứa trẻ có tính tình cáu kỉnh, hay ném đồ vật, cố ý làm trái với mong muốn của cha mẹ. Đối mặt với tình huống này, nhiều bậc cha mẹ không thể nào kìm nén được cơn giận dữ, nhưng sau đó thì lại là hối hận…

Trên thực tế, cha mẹ càng giận dữ quát tháo, con trẻ càng cứng đầu, lì lợm.

Đối với nhiều bậc cha mẹ, nuôi dưỡng con nhỏ chính như một quá trình không ngừng thất vọng. Con trẻ khi đang còn rất nhỏ, nhìn trắng trẻo mập mạp, luôn quấn quýt, đáng yêu. Cha mẹ cũng tràn đầy kỳ vọng, luôn tưởng tượng ra cảnh tượng khi con trưởng thành, có tương lai rộng mở… Cho đến khi con đượ 4-5 tuổi, thì bức tranh đó đột nhiên thay đổi hoàn toàn, không giống với hình ảnh ban đầu mà cha mẹ tưởng tượng: buổi sáng mới mặc cho bộ áo quần sạch sẽ, thì tuyệt đối sẽ không giữ được cho tới giữa trưa; học cách cãi lại lời cha mẹ, cái miệng nhỏ cứ liến thoắng nhem nhẻm, lý sự; tính tình thì cứ như “con lừa nhỏ ương ngạnh”, việc người lớn không cho làm thì càng muốn thực hiện…

Tính khí nghịch ngợm ương bướng chưa tính là gì, điều khiến cha mẹ khó hiểu và bực mình nhất chính là: càng quản con thì con lại càng không nghe lời. Khi đứa trẻ làm sai một việc nào đó, bị cha mẹ nghiêm khắc nhắc nhở, đứa trẻ ngoài miệng có thể sẽ nhận lỗi, nhưng qua vài ngày thì vẫn đâu vào đấy chẳng có gì thay đổi…

Vì sao lại như vậy?

Bởi vì, từ “cấm” rất có tác động mạnh mẽ, nó thường mang theo nghĩa ám chỉ ngầm, sẽ kích thích rất lớn đến lòng hiếu kỳ của mọi người. Trong khi con trẻ đang còn non nớt, trí óc chưa phát triển thành thục, thêm vào đó sự hiếu kỳ của trẻ càng nhiều, cho nên chúng dễ dàng bị từ “cấm” kia ám chỉ, làm cho càng thêm hưng chí tò mò. Một khi nghe người lớn nói “không được làm cái này, không được làm cái kia”, thì tính hiếu kỳ của trẻ đã được khơi dậy, càng là những việc không cho làm thì chúng lại càng muốn đi làm.

Kỳ thực, không phải lúc nào cũng do trẻ nhỏ ương bướng, cố chấp đến không thể chịu được, mà là do cha mẹ đôi khi không biết sử dụng những phương thức để diễn đạt cho đúng. Từ đây về sau, muốn con trẻ ngoan ngoãn nghe lời, các bậc cha mẹ đơn giản chỉ cần thay đổi  phương thức nói chuyện.

Vậy nên thay đổi như thế nào?

‘Bé không vin, cả gãy cành’: Khi giáo dục con cái không hiệu quả, bạn hãy thử 4 chiêu này xem sao…
Cha mẹ càng cấm thì tính hiếu kỳ của trẻ càng được khơi dậy. (Ảnh: photogrist.com)

1. Mệnh lệnh của cha mẹ, không nên nói lại lần thứ 2

Khi con trẻ cứ mê ôm ipad chơi mà không chịu làm bài tập, hoặc khi chúng mải xem tivi mà không chịu ăn cơm, có nhiều cha mẹ cứ lải nhải mắng con không ngừng “Con mà còn ôm cái máy đó không rời thì sẽ ném nó đi đó”, hoặc “Còn không ra ăn cơm, phải gọi con cho đến lúc nào?”. Ngày này qua ngày khác cứ trách mắng trẻ nhỏ như thế, nhưng chẳng có tác dụng gì, đứa trẻ vẫn cứ như cũ chẳng có gì thay đổi cả.

Đối với con cái, mệnh lệnh yêu cầu của cha mẹ đưa ra càng ngắn gọn càng có uy lực, càng nói dông dài lải nhải càng không có uy lực. Chúng ta thấy, những người làm huấn luyện hay chỉ huy khi hạ khẩu lệnh thường nói “nghiêm”, “nghỉ”, không có một vị huấn luyện viên hay chỉ huy nào mà lại nói “Tôi nói hai câu, mọi người bên dưới phải đứng thẳng người, ưỡn ngực, ngẩng đầu. Hôm nay tôi đã nói nhiều lần rồi, mà mọi người vẫn không nghe…”.

Cho nên, lần sau cha mẹ lại muốn yêu cầu con trẻ tắt tivi ra ăn cơm, thì có thể nên làm theo các bước sau:

– Bước thứ nhất: Đi đến trước mặt con, nhìn chăm chú vào đứa trẻ.

– Bước thứ 2: Chờ khi con trẻ cảm giác được có điều gì đó không đúng, ngước mắt nhìn cha mẹ, lúc này cha mẹ hãy nói thật rõ ràng và ngắn gọn yêu cầu của mình, và chỉ nói một lần: “Con tắt tivi, ra ăn cơm”.

– Bước thứ 3: Yêu cầu con lặp lại chính xác lời yêu cầu mà cha mẹ vừa đưa ra.

– Bước thứ 4: Nếu con vẫn không nhúc nhích, cha mẹ tiếp tục đứng bên cạnh nhìn chằm chặp vào chúng.

– Bước thứ 5: Thông thường khi làm đến bước này, thì con trẻ sẽ ít nhiều cảm thấy ngượng ngùng hoặc sẽ thỏa hiệp. Cho nên, lúc này khi con tắt tivi và đứng dậy đi ăn cơm, cha mẹ cần chớp thời cơ nhân lúc tâm lý của trẻ đang dễ tác động mà tiến hành khen ngợi động viên mấy câu như: “Mẹ biết con là đứa trẻ ngoan biết ăn cơm đúng giờ, chúng ta cùng đi ăn cơm thôi”.

 Mệnh lệnh của cha mẹ, không nên nói lại lần thứ 2
Tùy theo tâm lý của trẻ mà đưa ra cách tác động… (Ảnh: primecare.com)

2. Thừa nhận cảm xúc thực tế của con trẻ

Khi cha mẹ thấy con ương ngạnh không nghe lời, thì hãy thử nói với con như thế này: “Hiện tại có phải con đang tức giận phải không?”, “Có phải con đang cảm thấy khó chịu phải không?”. Những câu hỏi này giống như là thay con trẻ nói lên cảm xúc hiện tại trong lòng. Trẻ nhỏ do tuổi còn nhỏ, nhiều khi không biết bày tỏ cảm xúc của mình như thế nào, cũng không biểu đạt được chính xác, cho nên khi chúng cảm thấy tâm trạng không vui thì chúng chỉ biết gây sự hoặc lì lợm. Nếu cha mẹ có thể nói ra cảm xúc của con trẻ theo cách như vậy, thứ nhất sẽ làm cho con trẻ cảm thấy bản thân mình được hiểu, được quan tâm; thứ hai là có thể dạy cho con biết cách biểu đạt cảm xúc của mình, chứ không phải che giấu cảm xúc bằng các thái độ và hành vi không ngoan.

3. Trước khi trách mắng con trẻ, phải có lời cảnh cáo

Bình thường cha mẹ cũng nên nói cho con biết cảm xúc của mình như “Hiện tại mẹ cảm thấy không vui, bởi vì con ngoan của mẹ trước đây ăn cơm đúng giờ, nay lại chỉ lo xem tivi”. Nếu nói như vậy, trẻ sẽ ít nhiều bị tác động tâm lý, biết rằng mình đã làm cho mẹ giận rồi, nếu tiếp tục thì sẽ làm cho mẹ thực sự tức giận, sẽ có hậu quả nghiêm trọng.

4. Cho con trẻ một lựa chọn

Cha mẹ sau khi trách mắng con trẻ xong, thường hỏi chúng: “Con có biết mình làm sai cái gì không?”, “Lần sau không được làm vậy nữa nhé”.

Cho con trẻ một lựa chọn
Lần sau con không được như thế nữa nhé! (Ảnh: pinterest.com)

Nhưng kỳ thực, sau khi bị cha mẹ la mắng, con trẻ thật không biết mình đã làm gì sai, lại càng không cần nói đến nên biết làm thế nào để sửa sai. Trong tình huống như thế, mà cha mẹ cho dù có trách mắng nhiều hơn nữa, ép buộc nhiều hơn nữa cũng vô ích. Lúc này, điều cha mẹ nên làm là cho con một sự lựa chọn: “Con có hai sự lựa chọn, một là cứ tiếp tục xem tivi, nhưng về sau sẽ không được xem tivi nữa; hai là, bây giờ con tắt tivi đi ra ăn cơm, thì sau này mỗi ngày con vẫn có thể xem tivi trong nửa giờ, như vậy con chọn đi”.

Giáo dục con trẻ là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh tế, càng gấp càng không đạt hiệu quả. Cha mẹ nên dùng tâm thái bình tĩnh, cần nhiều nhẫn nại, thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng.

Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch