Chúng ta thông thường đã dạy con trẻ ngay từ khi còn nhỏ: “Đừng làm phiền người khác”, và cho rằng đây là chuẩn mực nghi thức cơ bản nhất trong văn hóa châu Á. Nhưng điều này có thực là cách giáo dục đúng?

Một nhóm học sinh trung học gốc Á tại một lớp hóa học ở Australia đã dùng 20 đô la làm vốn, điều chế được loại Thần dược cứu mạng với giá bán 13 đô la Úc (1 vỉ 50 viên). Đây chính là thuốc Daraprim, loại thuốc được dùng cho người nhiễm HIV và sốt rét.

Trước đó, loại thuốc này đã bị gian thương Mỹ kiểm soát công thức bào chế, nhằm bán giá cao kỷ lục, giá bán gấp 55 lần giá thành sản phẩm khiến nhiều bệnh nhân không mua nổi. 

Nhóm thiếu niên 17 tuổi kia sau khi biết chuyện, các em muốn tự mình phân phối loại thuốc này để giúp đỡ các bệnh nhân. Nhưng làm sao để đạt được mục tiêu đó?

Thế là các em nghĩ, bọn mình sẽ bào chế ra công thức. Để thực hiện mục tiêu này, các em liên hệ với thầy giáo dạy hóa học của mình, chuyên gia đại học Sydney, thậm chí liên hệ với cả Bill Gates để xin sử dụng kho dữ liệu mà họ tài trợ.

Các em là nhóm học sinh phổ thông trung học bình thường, không có bối cảnh hơn người, thậm chí là chỉ số IQ cao ngất nào, trước khi làm việc này các em cũng không nhớ được đầy đủ bảng chu kỳ nguyên tố.

Cuối cùng các em có thể thành công không?

Và các em đã thành công.

Nhóm nghiên cứu chế tạo Daraprim tại trường trung học chuyên Sydney. (Ảnh: Guardian)

Các em đã đi tìm những người thích hợp nhất để giúp đỡ mình. Và những người được yêu cầu giúp đỡ đã sẵn sàng giúp đỡ một nhóm học sinh trung học không biết gì. Theo cách này, một thứ có vẻ như một vở kịch đã trở thành sự thật.

Có lẽ cha mẹ của những học sinh trung học này chưa từng nói với họ rằng: “Để có một tâm hồn cao thượng, chỉ cần cố gắng đừng làm phiền người khác”.

Người phương Tây sẽ giáo dục trẻ em: Đối với những việc mà bạn không thể làm được, hãy lịch sự yêu cầu giúp đỡ. Người ta chấp nhận hay không, cũng không hề ngại, vẫn cần phải vui vẻ nói nhiều hơn nữa.

Lần nọ, trường của con trai tôi tổ chức một hoạt động cộng đồng có chủ đề ‘khủng long’, chủ yếu dành cho trẻ lớn từ 3-5 tuổi. Nếu trẻ dưới 3 tuổi và muốn tham gia thì khuyến khích cha mẹ đi cùng, vì vậy tôi đã đi cùng con trai.

Vào ngày diễn ra hoạt động, thằng bé nhà tôi được dẫn dắt bởi hai giáo viên.

Những đứa trẻ lớn hơn ngồi trên sàn nhà, lắng nghe cô giáo giảng giải kiến ​​thức về khủng long. Còn những đứa bé hơn ở xung quanh tôi đều đang ngồi trên đầu gối của cha hoặc mẹ.

Tôi vừa ngồi xuống, một cô giáo của lớp lớn đã dắt tay thằng bé con trai tôi và cho cháu ngồi trên chân của cô ấy (cô giáo này đặc biệt tâm huyết với lớp). Vì vậy chân của tôi trở nên trống rỗng một cách vô duyên.

Bỗng có một cô bé da trắng xinh xắn đứng ở đằng xa, quay người lại và hỏi tôi: “Con có thể ngồi trên chân của cô không?”.

Tôi hơi ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên tôi gặp đứa trẻ này. Nhưng tôi gật đầu, để cô bé ngồi trên chân của mình trong 20 phút. Khi cô bé rời đi, cô bé không quên nói “cảm ơn” với tôi.

Đây thực sự là một sự xung đột về văn hóa. Và trong những năm tôi sống ở Úc, tôi đã trải nghiệm điều đó nhiều lần.

Khi tôi mới đến Úc, có một người bạn mà tôi mới chỉ gặp hai lần… (hai lần ở đây thực sự chỉ có hai lần). “Bạn hãy đến nhà tôi để giúp tôi chăm sóc lũ mèo trong thời gian tôi đi du lịch nước ngoài nhé! Mỗi ngày một lần”. Thời gian kéo dài trong hai tuần, và vấn đề là nhà cô ấy không ở gần nhà tôi.

Tôi đã không thể tin vào mắt mình khi nhận được tin nhắn như vậy của cô ấy.

Bởi vì tôi còn không nhớ người này trông như thế nào, vì vậy tôi đã từ chối, nhưng cô ấy cũng chẳng để tâm gì cả, còn nhắn lại: “Tôi sẽ rất vui khi gặp bạn lần sau”.

Quan niệm sống của người phương Tây hoàn toàn khác biệt với người Á đông chúng ta. (Ảnh: hausplanen.club)

Chúng ta thông thường đã dạy con trẻ ngay từ khi còn nhỏ: “Đừng làm phiền người khác”, và cho rằng đây là chuẩn mực nghi thức cơ bản nhất trong văn hóa châu Á.

Thi thoảng chúng ta vẫn nghe thông tin về người Nhật tự sát sau một năm làm việc vất vả. Và có một câu nói gần như rất nổi tiếng rằng: “Tôi xin lỗi vì đã được sinh ra”; “Tôi đã không làm đủ tốt, tôi đã thêm rắc rối cho nhóm”.

Đối với người hiện đại thì “Đừng làm phiền người khác” đã gần như một câu nói bắt buộc phải ghi nhớ. Người hiện đại sống nhanh, thời gian ngang bằng mạng sống, lãng phí thời gian của người khác là tương đương với giết người. Vì vậy, đừng nhờ tôi giúp đỡ, bạn có biết rằng bạn đang mưu tài hại mệnh hay không?

Tuy nhiên người phương Tây có một cái nhìn hoàn toàn khác về điều này. Tôi gặp rắc rối và cần giúp đỡ, vì vậy tôi lịch sự yêu cầu giúp đỡ, đó là biểu hiện sự mạnh mẽ của nội tâm.

Những người được yêu cầu giúp đỡ, hầu hết trong số họ sẽ giúp đỡ. Nếu bạn không thể giúp đỡ, hoặc cảm thấy rằng người khác sẽ làm tốt hơn, thì có thể từ chối một cách lịch sự. Như vậy, cả hai bên sẽ không xấu hổ hoặc để lại thành kiến gì.

Yêu cầu giúp đỡ không phải là một điều đáng xấu hổ. Nhưng cũng cần lưu ý là cần làm cho mọi thứ rõ ràng bằng ngôn ngữ ngắn gọn nhất. Tránh hàn huyên quá mức và lãng phí thêm thời gian của đối phương, hoặc coi sự giúp đỡ của người khác là chuyện đương nhiên. Thay vào đó, cần phải biết ơn và chân thành cảm ơn họ từ đáy lòng.

***

Khổng Tử nói, “khắc kỷ phục lễ vi nhân”, ý tứ là không để cái tôi chi phối, hành xử theo Lễ vì lòng nhân ái. Hay nói theo cách khác là bước ra ngoài cái tôi nhỏ hẹp, quan tâm tới con người và thế giới, liên tục khám phá và cầu tiến để tìm hành xử hài hòa.

Vì vậy, các bậc cha mẹ thân mến! Hãy nên nói với con bạn làm thế nào để yêu cầu giúp đỡ khi gặp khó khăn, thay vì cấm đoán con nhất định “đừng làm phiền người khác”. Bởi thế giới này rộng lớn, con đường của mình phải tự mình bước đi bằng chính đôi nhân của mình, nhưng yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau cũng là điều vô cùng cần thiết và ý nghĩa trên thế gian này.

Theo cmoney.tw
Vân Hà biên dịch