Khi con gặp khó khăn, trắc trở, thậm chí thất bại, điều đầu tiên bạn sẽ nói với con là gì?

1. “Là tại mẹ. Không phải lỗi của con”

Khi trẻ vấp ngã, cũng có người mẹ dỗ dành con: “Xin lỗi con. Tại mẹ không trông con cẩn thận”. Trong trường hợp này, đứa trẻ sẽ nghĩ rằng nó ngã là lỗi tại người khác. Gánh trách nhiệm cho con kiểu như vậy, liệu có nên chăng?

Cha mẹ nên bảo vệ con trước những nguy hiểm liên quan đến an toàn tính mạng như trông nom cẩn thận để trẻ không bị xe va phải, tránh để trẻ bị ngã khi leo trèo ở khu vực nguy hiểm… Còn lại, cha mẹ hãy thử cho con cái trải nghiệm một chút những ‘mối nguy hiểm nho nhỏ’. Có thể, nó sẽ khiến trẻ hình thành ý thức bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm lớn hơn.

Khi con thi trượt trong kỳ thi nào đó, có người mẹ cảm thấy khổ tâm nên đã an ủi con bằng cách đổ lỗi cho những yếu tố ngoại cảnh như: “Cũng tại đề thi lần này khó quá”. Tất nhiên, cũng có trường hợp nguyên nhân nằm ở hoàn cảnh bên ngoài nhưng nếu cha mẹ phủ nhận trách nhiệm của các con thì trẻ không thể nhìn thẳng vào thất bại của bản thân và cũng không thể học được gì từ thất bại. Sau cùng là chúng không thể trưởng thành hơn chút nào.

Con cái không phải là sản phẩm hay phương tiện để thực hiện ý muốn cá nhân của cha mẹ. Những khi con cái thất bại trong thi cử hay một việc nào đó, đừng nhận trách nhiệm về mình mà hãy để trẻ nhận thức đó là việc của chúng và tự con phải đối diện với thất bại này. Cha mẹ chỉ có thể ở bên con để an ủi và chia sẻ mà thôi.

2. “Chỗ này con làm chưa tốt!”, “Lần sau con sửa chỗ này nhé!”

Khi con bạn thực hiện một việc gì đó hoặc thi cử mà kết quả không như ý nên cả ngày ngồi trầm ngâm trong phòng, khi đó có thể con bạn đang tự kiểm điểm lại bản thân. Con có thể đang nghĩ rằng: “Giá mà lúc đó mình học nhiều hơn và bớt chơi điện tử thì có lẽ kết quả đã tốt hơn rồi”.

Đôi khi, vì sự sốt sắng của cha mẹ: “Mẹ đã nói rồi mà. Tại con suốt ngày chơi điện tử đấy”. Lời nhắc nhở ấy đã khiến con từ bỏ việc tự mình suy nghĩ, dần dần con bỏ quên thói quen tự đánh giá lại bản thân mình, sai lầm mình mắc phải để rút kinh nghiệm cho lần sau. Như vậy, trẻ nhỏ có trải qua thất bại nhưng không học hỏi được là bao.

Để không lãng phí cơ hội trẻ trưởng thành từ trải nghiệm thất bại, cha mẹ không nên tìm kiếm nguyên nhân hay chỉ ra cách giải quyết cho trẻ ngay lập tức mà hãy trân trọng việc con tự mình suy nghĩ về nguyên nhân thất bại của bản thân.

Nếu trẻ quá sốc trước thất bại, muốn trốn tránh hiện thực thì cha mẹ cần kéo các em ra khỏi tình trạng đó và đối mặt với hiện thực bằng cách khéo léo hỏi han: “Con làm tốt phần nào? Phần nào con chưa làm được tốt? Từ nay về sau con phải làm sao để kết quả tốt hơn?” để trẻ suy nghĩ đến phương pháp cải thiện tình hình.

Để giúp trẻ trưởng thành từ trải nghiệm thất bại, cha mẹ không nên tìm kiếm nguyên nhân hay chỉ ra cách giải quyết cho trẻ ngay lập tức. (Ảnh: wallpaper.istriku.site)

3. “Cố lên con!”, “Cùng cố gắng nào!”

Khi các con chuẩn bị bước vào kì thi ở trường hay bất cứ đâu, chúng ta vẫn có thói quen động viên khích lệ con rằng: “Cố lên con!”, “Cùng cố gắng nào!”.

Nếu những lời nói này chỉ đơn giản với hàm ý rằng “Cha mẹ luôn ủng  hộ và ở bên con” thì động viên như vậy là tốt. Nhưng đối với các em đã rất nỗ lực chuẩn bị cho kì thi, đôi khi những lời đó lại trở thành áp lực cho các em nhất là đối với các bé mắc chứng trầm cảm. Bởi vì trong câu nói đó có hàm chứa sắc thái: “Tạo ra kết quả từ phấn đấu gian khổ và nỗ lực hết mình”. Nếu nói câu này với những người đang cảm thấy kiệt sức vì đã cố gắng hết mình thì nó giống như chất thêm lên lưng họ một gánh nặng nữa vậy!

Vì vậy, thay vì nói: “Cố lên!”, hãy nói “Hãy thoải mái đi”, tất cả đều đến đích.

4. “Tự làm tự chịu”, “Con xem lại mình đi”

Một đứa trẻ đang thất vọng và buồn đau không hề thích thái độ lạnh lùng, xa cách như vậy của cha mẹ. Khi nói ra những lời này, chắc hẳn cha mẹ mong muốn con cái tự kiểm điểm bản thân và đứng lên sau thất bại. Thế nhưng, có thể con bạn đã tự nhìn lại bản thân vào lúc bạn không biết. Bản thân đứa trẻ cũng thấy được rằng, sự nỗ lực của bản thân không đủ nên chưa đạt kết quả như mong muốn. Chúng đang cảm thấy rất hối tiếc về điều đó. Nếu đứa trẻ nghe thêm những lời này thì nó giống như đứa bé ấy phải chịu thêm một đòn nặng nữa vậy.

Những lúc như vậy, cha mẹ đừng tỏ ra lạnh lùng, vô tình mà hãy đến bên con, cùng con chia sẻ cảm xúc hối tiếc đó.

5. “Yếu đuối quá!”, “Không được khóc!”

Khi con chúng ta thấy tiếc nuối, hối hận và khóc vì thất bại trong thi đấu hay không thể hiện tốt việc gì đó, có bao giờ các bạn đòi hỏi trẻ phải chịu đựng, không được khóc hay không? Chúng ta không được triệt tiêu những cảm xúc như: hối tiếc, buồn bã, mệt mỏi… Hãy để trẻ thể hiện ra những cảm xúc trong lòng và nếm trải những cảm xúc đó. Nếu không trẻ sẽ hình thành thói quen trốn tránh, không dám nhìn thẳng vào sự thật và có khả năng nói dối.

Khóc là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Nó không thể hiện đứa trẻ đó yếu đuối hay cứng rắn, nó cũng không thuộc thái cực tốt hay xấu. Có thể vì trẻ xấu hổ mà khóc trước mặt người khác nhưng sẽ không như vậy trước người thân trong gia đình. Vì vậy, hãy yên lặng ở bên bảo vệ và để trẻ trải qua những cảm xúc tủi thân hay buồn bã đó.

Nếu con yêu cầu cha mẹ tạm thời tránh đi, hãy để con một mình một lúc. Nếu con muốn bạn ở bên, hãy yên lặng vỗ về an ủi.

Hãy để trẻ thể hiện ra những cảm xúc trong lòng và nếm trải những cảm xúc đó. (Ảnh: topsimages.com)

6. “Con xem anh/chị con còn cố gắng hơn con kìa!”

Kể cả khi con làm được tốt hay chưa tốt cũng nên tránh không so sánh con với người khác. Người lớn chúng ta cũng vậy thôi, hãy tưởng tượng chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi chồng bảo: “Vợ của anh A nấu ngon hơn mình nhiều”. Chắc chắn là chúng ta cũng cảm thấy không vui vẻ gì.

Cũng giống như việc chỉ quan tâm đến điểm số hay thắng thua, nếu bạn so sánh con mình với người khác cũng khiến con nảy sinh cảm xúc tiêu cực nên bạn sẽ không đạt hiệu quả trong nuôi dạy con. Cho nên, bạn hãy ngừng so sánh và hãy quan tâm đến chính bản thân đứa trẻ là đủ.

7. “Thôi bỏ đi. Con thử cái khác xem sao”

Con trai bạn tham gia luyện tập với đội bóng 3 năm mà chưa thành cầu thủ chính thức. Con gái bạn học múa ba lê đã nhiều năm mà không tiến bộ, ngay cả thi tốt nghiệp cũng không đạt. Bạn có đau khổ khi chứng kiến con mình gặp trắc trở như vậy không? Và bạn đã từng mở lời khuyên con: “Thôi bỏ đi. Con thử cái khác xem sao?”

Dù kết quả có không tốt nhưng trẻ chưa tự nói ra “Con muốn từ bỏ”, có thể đó là ước mơ là mục tiêu sống của chúng. Nếu ước mơ ấy, mục tiêu ấy bị bố mẹ phủ định thì cũng giống như chính bố mẹ làm mất đi niềm đam mê và khả năng phục hồi sau thất bại của đứa trẻ vậy. Bởi vậy, nếu đây là sở thích và mục tiêu chính của con thì hãy cho con theo đuổi nó.

Nhìn thấy con cái nếm trải đau khổ vì thất bại cũng khiến cha mẹ dằn vặt. Những lúc thế này, lời nào nên nói lời nào không, có lẽ nó cũng không quan trọng bằng việc cha mẹ ở bên con lắng nghe và chia sẻ. Đứa trẻ cảm nhận được sự ấm áp từ tình yêu vô bờ bến của cha mẹ, chúng sẽ biết cách tự đứng lên sau vấp ngã. Mạnh mẽ và kiên cường. Đó chẳng phải là điều mà những người làm cha mẹ như chúng ta mong mỏi hay sao?

Hồng Ân