Nhắc đến Hà Giang, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cùng nét hoang sơ hùng vĩ của núi rừng phía Bắc làm say đắm biết bao du khách. Hơn nữa, khi đến đây chẳng ai có thể bỏ lỡ  dịp khám phá và thưởng thức những món ăn ngon do chính tay người dân địa phương nơi đây làm nên, trong đó phải kể đến món xôi ngũ sắc thơm ngon, độc đáo khiến ai đã thưởng thức một lần sẽ chẳng thể nào quên.

Món xôi ngũ sắc đặc trưng của dân tộc Tày (ảnh minh họa: Danviet.vn).

Xôi ngũ sắc là món ăn nổi tiếng của người Tày dùng trong những dịp lễ hội truyền thống. Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo. Xôi thường có 5 màu tượng trưng cho ngũ hành: trắng là kim, xanh là mộc, tím là thuỷ, đỏ là hỏa, vàng là thổ. Người Tày quan niệm rằng, sự tồn tại của ngũ hành làm nên sự tươi tốt của Thiên – Địa – Nhân.

Không chỉ có tính thẩm mỹ, màu sắc đa dạng của món xôi cũng là ẩn ý cầu sự thịnh vượng, làm ăn thuận lợi của người Tày. Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm đủ đầy, xôi màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, xôi màu xanh tượng trưng cho núi rừng và xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung. Hình thức bắt mắt, độ dẻo thơm khó lẫn khiến xôi ngũ sắc trở thành món ăn làm nên bản sắc cho người Tày ở Hà Giang.

Để có được món xôi ngũ sắc ngon, người phụ nữ Tày dùng gạo nếp cái hoa vàng để nấu. Thường phải là nếp mới, hạt đều và được sàng sẩy kỹ để tránh bị nát hoặc nở quá trong quá trình chế biến. Hơn thế nữa, các nguyên liệu đều do bà con tự trồng cấy ra.

Món xôi biểu trưng cho sự thịnh vượng và thuận lợi (ảnh minh họa: rui365.blogspot.com).

Muốn xôi có được 5 màu đẹp bắt mắt thì việc nhuộm màu cho gạo khá là quan trọng. Để có được 5 màu khác nhau, người ta chia gạo thành 5 phần bằng nhau để nhuộm màu. Màu trắng là màu nguyên của gạo. Để xôi có màu đỏ, bà con lấy lá cây “bẩu khẩu đăm đeng” (lá cây đỏ đen) giã nhỏ, hoà với nước đun sôi rồi lấy nước để ngâm gạo. Tiếp đến, xôi có màu vàng chính là nhờ nghệ. Người Tày lấy 2-3 củ nghệ tươi nếp giã cho nhỏ mịn, đem hòa nước để ngâm gạo rồi đồ chín. Cuối cùng là xôi màu xanh.

Màu xanh là màu khó ra nhất, nhưng người Tày có bí quyết riêng. Để làm được xôi màu xanh đòi hỏi rất nhiều công đoạn, người Tày không dùng lá gừng hay lá cơm để làm xôi xanh, mà dùng tro của rơm nếp trộn lẫn với lá cơm đen giã nhỏ. Khi xôi chín sẽ có màu xanh đậm trông rất lạ mắt.

Công đoạn nhuộm màu gạo bằng các nguyên liệu tự nhiên (ảnh minh họa: baophutho.vn).

Để cho hạt xôi mềm dẻo, hạt gạo nở vừa đủ thì đem gạo ngâm trong nước từ 6-8 tiếng. Sau khi nhuộm màu, mỗi màu đổ một chõ riêng, gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được đưa vào chõ trước tiên, tiếp theo là những màu còn lại và đặt màu trắng trên cùng. Để xôi ngon phải đồ bằng bếp củi chứ không phải bằng bếp ga. Giữ lửa cho thật đều, nồi đồ xôi phải kín. Đồ xôi vừa chín tới, hạt gạo nở căng, tròn, bóng đẹp.

Sau khi xôi chín có mùi vị thơm nồng của nếp cái hoa vàng hòa quyện với hương thoang thoảng của lá rừng. Ăn xong nhưng dư âm của thứ ẩm thực mang hương rừng sắc núi ấy sẽ khiến thực khách cảm giác như vẫn lưu mãi nơi đầu lưỡi.

Món xôi ngũ sắc vốn chỉ là món ăn truyền thống của người Tày chỉ làm vào các dịp lễ, Tết, nay đã trở thành sản phẩm du lịch thường xuyên phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách gần xa. Xôi ngũ sắc cũng chính là niềm tự hào của chị em phụ nữ dân tộc Tày, bởi nó thể hiện sự khéo léo, đảm đang của họ. Sự tinh tế, tỉ mỉ trong cách nấu đã tạo nên món xôi ngũ sắc độc đáo làm nên bản sắc riêng của đồng bào vùng cao. Nếu có cơ hội đến với Hà Giang, bạn đừng quên thưởng thức và cảm nhận hương vị thơm ngon tinh tế của món ăn đầy sắc màu này nhé.

Tâm Liên

Video xem thêm: Những thực phẩm mang hình dạng giống bộ phận cơ thể người

videoinfo__video3.dkn.tv||57e8e580b__