Tại Thái Lan, xứ sở của những ngôi chùa nguy nga, việc cởi bỏ giày dép trước khi bước vào một nơi linh thiêng là điều bắt buộc. Đó là hành động để tỏ lòng tôn kính đối với Thần Phật. Sự việc mới diễn ra gần đây liên quan đến thói quen cởi giày dép trước khi bước vào không phải xảy ra ở đền chùa, nhưng cũng khiến rất nhiều người mỉm cười và cảm thấy muốn bày tỏ sự khen ngợi của mình.

Các học sinh đều tháo giày và xếp gọn phía trước cửa hàng (Ảnh: dẫn qua Soha)

Câu chuyện diễn ra trước một cửa hàng tiện lợi tại quận Sai Yok, thuộc tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan. Một nhóm học sinh trước khi bước vào cửa hàng đã cởi bỏ những đôi giày của mình, xếp gọn gàng phía dưới bậc tam cấp dẫn vào cửa hàng. Mặc dù không hề có một yêu cầu đặc biệt nào ở đây. Như trong những tấm hình được ghi lại, các khách hàng khác đều đi giày khi bước vào trong.

Cảnh tượng đặc biệt được một người dân quay lại (Ảnh: pptvhd36.com)

Anh Rungsak – người đã chia sẻ hình ảnh “những đôi giày được để ngoài siêu thị” cũng đã tìm hiểu nguyên nhân của hành động có phần khác lạ này. Hóa ra, đây là nhóm 29 học sinh trung học trường Chulalongkorn vừa trở về từ một hoạt động trồng cây tập thể tại vườn quốc gia Erawan. Hoạt động tình nguyện đã khiến giày dép các bạn trẻ dính đầy bùn đất. Không muốn chủ cửa hàng sẽ phải lau chùi những vết bẩn do giày dép của mình để lại trên sàn, cũng không muốn làm phiền những khách hàng khác, nên các em đã để giày dép bên ngoài, đi chân trần vào cửa tiệm để tìm các sản phẩm mà mình cần.

Hìn ảnh đẹp nhanh chóng được truyền trên mạng xã hội (Ảnh: pptvhd36.com)

Sau khi những thông tin này được đăng tải trên mạng xã hội, nhóm các em học sinh trung học đã nhận được rất nhiều lời khen từ cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội. Sự nhã nhặn và ý thức chính là những yếu tố được đánh giá cao và nhận được nhiều sự khen ngợi nhất. Tuy còn rất trẻ, nhưng cách cư xử của các em khiến rất nhiều người lớn phải suy ngẫm và học theo.

Mặc dù đại diện của trường Trung học Chulalongkorn cho biết họ chưa bao giờ dạy các em học sinh cư xử như vậy một cách cụ thể, rất nhiều người vẫn cho rằng đây là sự thành công của nhà trường khi đã có những học sinh biết nghĩ về người khác như vậy.

Những đôi giày đầy bùn đất nhưng vẫn thật “đáng yêu” (Ảnh: pptvhd36.com)

Trên thực tế, quang cảnh những đôi giày được xếp ngay ngắn như thế này ở Thái Lan cũng không phải là phổ biến. Mặc dù, những người đến chùa lễ Phật thường để giày dép của mình ở ngoài trước khi vào bên trong hành lễ. Nhưng giày dép được để lại khá lộn xộn và không thành hàng lối. Sự việc tưởng như rất nhỏ này lại phản ánh được rõ nét cách sống và cách nghĩ của con người.

Một em bé tham gia xếp lại giày dép cũng người lớn trước của một ngôi đền, cũng tại Thái Lan (Ảnh: gotoknow.org)

Việc đặt đôi giày của chính mình một cách ngay ngắn khi được yêu cầu cởi giày trước khi bước vào, tưởng chừng là một hành động rất đơn giản và dễ dàng. Nhưng trên thực tế, không nhiều người thực sự chú ý đến ý nghĩa của nó. Đa số mọi người sẽ cho rằng, đó là việc không quá quan trọng. Tuy nhiên nếu mỗi người chỉ dành ra một phút để đặt lại ngay ngắn đôi giày của mình, rất nhiều sự việc sẽ được giải quyết.

Những hàng giày được xếp cẩn thận sẽ mang đến vẻ đẹp của trật tự và gọn gàng cho cảnh quan chung. Những đôi giày được xếp gọn một bên sẽ không bao giờ có thể khiến người khác trượt ngã và cũng không bao giờ bị ai đó vô ý dẫm lên. Hơn thế nữa, người ta sẽ không phải mất cả tiếng đồng hồ để xác định được đôi giày của mình đang ở đâu, hay thậm chí phải mất nhiều phút đồng hồ để tìm kiếm chiếc giày hoặc dép còn lại.

Cùng nhau xếp dép (Ảnh dẫn qua: gotoknow.org)

Những điểm tốt này đồng nghĩa với việc: Khi bạn sẵn sàng bỏ ra một phút để xếp đôi giày của mình ngay ngắn, với ý thức rõ ràng rằng mình đang làm một việc có thể mang lại lợi ích cho người khác, mình sẽ làm nó một cách vui vẻ, bạn sẽ thấy điều mà mình nhận được chắc chắn không chỉ có niềm vui. Lúc ấy bạn còn có thể ồ lên ngạc nhiên, đầy thích thú: Hóa ra việc quan tâm và biết nghĩ cho người khác lại đơn giản đến vậy.

Niềm vui khi công việc hoàn thành (Ảnh: gotoknow.org)

Một hành động tốt nhỏ bé cũng có giá trị của riêng nó. Ông bà ta luôn dạy “tích tiểu thành đại, việc thiện nhỏ chớ bỏ qua” cũng chính là gửi gắm cho chúng ta thông điệp: Hãy làm những việc tốt dù là nhỏ bé nhất mỗi ngày. Việc bạn lặp đi lặp lại những điều nhỏ bé tốt lành sẽ tặng lại cho bạn một món quà kì diệu của cuộc sống, đó chính là những thói quen và thái độ sống đẹp.

Có lẽ bạn đã không còn lạ lẫm với câu danh ngôn “Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”. Hành động của những bạn trẻ Thái Lan trong câu chuyện có lẽ chính là một lời gợi ý hết sức hay dành cho mỗi chúng ta: Ai cũng có thể bắt đầu “vì người khác” từ những điều nhỏ bé nhất.

Hải Lam tổng hợp

Xem thêm: