Không ồn ào vội vã như người ta vẫn nhìn thấy ở các quán ăn của Sài Gòn, trong một con hẻm ở đường Lê Văn Sỹ, Trần Quang Diệu, quận 3, có một tiệm bánh mì của bà Tư Trầu, yên ả, tĩnh tại, hiền hòa, đã làm nao lòng biết bao nhiêu thực khách sành ăn.

Hoa khôi xứ dừa về làm dâu đất Sài Gòn

Bà Tư Trầu sinh năm 1935, tên thật là Phạm Kim Mai, quê gốc ở Bến Tre. Năm xưa bà là một người con gái xứ dừa xinh đẹp, dịu dàng. Bà quen biết ông trong một lần gặp định mệnh khi ông về quê bốc mộ tổ tiên đưa lên thành phố, hai người đã phải lòng nhau và có một chuyện tình đẹp như mơ, hai bên gia đình cũng đều môn đăng hộ đối, ai cũng mừng cho mối nhân duyên trai tài gái sắc ấy.

Kết quả của mối tình đẹp đẽ là một đám cưới hạnh phúc, bà Mai về Sài Gòn bắt đầu với cuộc sống làm vợ, làm dâu. Mọi sự yên ả trôi đi cho đến khi đứa con thứ hai của ông bà mới được 3 tuổi thì tai họa ập đến, ông nhiễm bệnh sốt rét rồi qua đời, để lại bà cùng hai đứa con thơ dại chưa hiểu được sự mất mát ấy mà chỉ nghĩ rằng bố đi đâu sao mãi chưa về.

Tự lập nghề bán bánh mì để lùi xa một quá khứ buồn

Từ ngày đó bà lao vào bán bánh mì, dù gia đình nhà chồng khá giả nhưng bà Mai không muốn mình bị phụ thuộc, bà nghĩ rằng làm việc cũng là cách tốt nhất để không bị ám ảnh bởi nỗi nhớ chồng .

Bà Tư thư giãn trong con hẻm của Sài Gòn

Giờ người ta quen gọi bà chủ tiệm bánh mì là bà Tư Trầu, năm nay bà đã hơn 80 tuổi rồi. Với hơn 60 năm làm nghề bán bánh mì, bà ngồi khuất mình trong con hẻm quen thuộc, nắng chẳng bao giờ ngó tới cái xe bánh mì của bà. Dù bên ngoài có vội vã náo nhiệt đến đâu thì bà vẫn ở đó bình yên đón thực khách như xưa và chẳng điều gì có thể thay đổi được.

Tiệm bánh mì và bà chủ bình yên dù tuổi đã già

Năm nay bà Tư già đi nhiều, dáng người trở nên nhỏ bé hơn bởi cái lưng bị còng xuống. Bà không đứng bán nổi vì mỗi lần với tay lên lấy ổ bánh mì cũng khó, nên đành thôi, bà giao lại cho con cháu bán.

Nhưng bà Tư vẫn nhớ cái nghề ấy lắm, mỗi chiều  bà  bắc cái ghế ra ngồi ngó người này người kia, “quản lý” việc bán bánh mì của con cháu cho đỡ buồn, vẫn thấy yêu cái nghề mà mấy chục năm trước, nhờ nó mà bà một thân nuôi đủ hai con nên người.

Vẫn muốn quản lý bán hàng vì quá yêu nghề

Năm xưa lúc mới bắt đầu bán, bà Tư Trầu phải gánh bánh mì đi từng con hẻm phố ở khu vực Lê Văn Sỹ, nhưng sau này vì mệt mỏi quá, bà chọn dừng chân cố định ở một chỗ để bán từ chập khuya cho tới sáng. Từ đó đến nay, Sài Gòn trải qua biết bao nhiêu biến cố nhưng xe bánh mì vẫn êm đềm phục vụ thực khách không ngừng nghỉ.

Điều gì đã tạo lên một tiệm bánh mì đặc biệt không nhạt phai theo năm tháng?

Tất cả những nguyên liệu đều do một tay bà đi chợ và chế biến, từ việc nêm nếm các thành phần của nhân bánh mì, hay chuyện tự tay lựa chọn kích cỡ bánh, cho đến làm các phụ gia… đều do bà đảm nhiệm, rất riêng để tạo nên một quán ăn ngon mãi từ năm này qua năm khác.

Tất cả nguyên liệu và phụ gia đều do một tay bà Tư chuẩn bị

Đặc biệt, thứ mà bà cho là điểm khác biệt để làm nên hương vị của một ổ bánh mì nóng giòn tuyệt hảo Tư Trầu, ai ăn một lần cũng nhất định quay lại lần hai đó chính là nước mắm và xíu mại. Bà làm chúng theo một công thực bí truyền của riêng mình, suốt bao tháng ngày tự tìm tòi thử đi thử lại chẳng biết bao nhiêu lần.

Nhìn chiếc bánh mì nóng hổi ở tiệm của bà Tư mà ai cũng một lần muốn đến đây thưởng thức. Cắn lớp vỏ bánh mì giòn rụm rồi đến lớp bánh mềm phía trong ngập nước xíu mại đậm đà cộng hương vị nồng nàn của loại nước mắm ngòn ngọt, mằn mặn lại the thé cay được rưới đều sẽ loang vào khoang miệng. Từ đó câu chuyện của sắc, hương, vị sẽ bắt đầu kéo dài  mê mải, đưa thực khách tới cung bậc khác mang tên “mỹ vị” trong từng ổ bánh mì.

Vị nước mắm ngon ngọt, the thé cay làm mê hoặc thị khách

Chưa dừng lại ở đó, còn một chút bùi bùi béo béo của thịt nạc, xíu mại được chính đôi bàn tay kinh nghiệm 60 năm của bà Tư Trầu làm sẽ đảm đương nhiệm vụ đánh bại bất kỳ vị giác của những vị thực khách khó tính nào. Sau cùng, để dung hòa cho hương vị quá sức đậm đà trên, thì một chút chua chua của cà rốt và củ cải trắng ngâm, tí thơm tho thỏ thẻ của vài cọng ngò, vài lá rau răm sẽ làm dịu những chiếc lưỡi háu ăn sành sỏi.

Chia sẻ về bí quyết làm nên thương hiệu bà Tư Trầu nói:

– Làm đừng có hà tiện là ngon thôi con ơi! Có gì đâu mà bí mật với chẳng bí truyền?

– Ủa mà nếu vậy, bán ổ bánh mì có 15.000 ngàn sao mà có lời hả ngoại?

– Thì lấy công làm lời, cái gì tự làm được thì tự làm hết đi con. Giờ tới tuổi này mà sáng ngoại vẫn tự đi chợ, ra đó trả giá mua hàng này kia, xong đem về cho mấy đứa cháu xóm nhau lại làm phụ. Còn chuyện nêm nếm ngoại lo.

Tất cả những điều nhỏ nhặt ấy đã tạo lên một thương hiệu bánh mì nổi tiếng của bà Tư. Bà đã kịp truyền lại cho con cháu cách làm, mặc dù vậy bà vẫn không yên tâm nên chiều nào cũng vẫn ra ngồi phụ giúp. Không phải bà không tin tưởng con cháu, bà nói: “Tụi nó biết làm hết rồi đó chứ“, nhưng giờ mấy đứa cháu đứng bán chính thay bà, đứa thì đại học hết rồi, đứa thì cũng có gia đình, có công việc riêng nên bà sợ sau này tụi nó không chọn việc chôn chân bán bánh mì nữa, rồi tiếc cái xe di sản này cũng tàn lụi sau khi bà đi về trời.

Bà Tư truyền lại nghề bánh mì cho con cháu

Bà trải lòng mình: “Trách sao được tuổi trẻ, tụi nó phải đi con đường riêng của tụi nó chứ, ngoại hiểu mà. Nhưng chỉ là ngoại tiếc vậy thôi, biết đâu được nên ngoại còn sức, còn sống thì ngoại sẽ làm cho thỏa thuê cái nghề bán bánh mì này cho đến khi xuống dưới gặp lại ông ngoại tụi nó. Dù gì thì gì, cái xe này cũng từng là cần câu cơm của ngoại, là tiền cho mấy đứa con, đứa cháu ăn học, nên ngoại thương lắm, không bỏ được”.

Còn một điều khiến bà Tư không khi nào muốn rời xa quán bánh mì của mình, đó chính là tình yêu và lòng thương người. Có dịp tạt ngang ngồi ăn bánh mì của bà vào tận giữa khuya, tôi thấy bà sai mấy đứa cháu làm một vài ổ bánh mì, mang ra phân phát cho cô lao công, ông chú xe ôm về khuya hay bà già bán vé số cũng trạc tuổi ngoại, gương mặt khắc khổ, ai cũng đang chật vật cuộc sống mưu sinh… Những lúc như thế nhìn gương mặt bà cảm nhận được một sự bình yên đến lạ, rồi bà thở dài nói một câu: “Trời đất, tội nghiệp dữ. Biết đâu mấy người này cũng có hoàn cảnh như mình hồi xưa thì sao”.

Nhiều khi nhớ nghề bà ra phụ giúp con cháu bán hàng

Vậy cũng đủ hiểu thêm ngoài việc đồ ăn được chế biến ngon thì điều gì đã làm nên thành công của tiệm bánh mì của bà Tư? Chính là một mảnh ghép đẹp đẽ mang tên sự hào phóng, một hành động rất riêng của người Sài Gòn. Dù hơn 60 năm hành nghề và đến nay trong tay chẳng có gì, nhưng bà Tư Trầm vẫn có thể dùng những ổ bánh mì của mình để tặng cho những thực khách khó khăn hơn.

Bà Tư Trầm vẫn ở trong căn nhà đi thuê cùng với con cháu, cũng chẳng có vấn đề gì. Hơn 60 năm bán bánh mì, lúc nào khách cũng rất đông nhưng chẳng bao giờ tăng giá cao hơn các quán khác, bởi bà bán hàng không phải vì để làm giàu, mà một phần bà muốn tặng người khác những gì mình có, giúp mọi người có được một bữa ăn ngon miệng, đôi khi miếng ăn ngon vì ở đó còn có cả sự gửi gắm chân thành của tấm lòng bà chủ.

Biết bao người đã thầm cảm ơn bà Tư Trầu cùng với quán bánh mì, bà đã góp phần giữ lại những nét độc đáo riêng của Sài Gòn. Dù ở ngoài kia cuộc sống hiện đại khiến mọi thứ đều đang trượt dốc kéo nhau đi, nhưng bà vẫn ngồi đó, giữ lại những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Nguồn ảnh : Afamily

Gia Viên