Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Từ bao đời nay, những khúc hát ru của bà, của mẹ đã trở nên gần gũi, thân thương như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Qua những lời ru, hình ảnh vầng trăng, cánh cò, dòng sông, cánh đồng, lũy tre làng,… không biết tự khi nào đã trở thành ký ức sâu đậm của tuổi thơ, trở thành ấn tượng bền chặt không thể phai mờ trong suốt cuộc đời.

“Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru”

Từ đời này qua đời khác, từ miền ngược đến miền xuôi, không nơi nào không có tiếng mẹ ru con. Tiếng hát ru không thể thiếu được trên cánh võng, bên vành nôi đong đưa, trên đôi tay trìu mến của mẹ. Mỗi dân tộc có một làn điệu hát ru của riêng mình. Nhưng dù thuộc dân tộc nào, mỗi chúng ta đều lớn lên trong tiếng hát ầu ơ dịu ngọt của mẹ.

(Ảnh: dochoitreem.com)

Dù chưa xác định rõ thời gian nhưng ai cũng cảm nhận được rằng hát ru ra đời từ rất sớm, ngay từ khi vốn ngôn ngữ nói phát triển tương đối hoàn chỉnh và kho tàng ca dao được hình thành. Với mỗi con người, kí ức sâu đậm về thời thơ ấu chính là lời ru của bà, của mẹ, gắn với những hình ảnh gần gũi và quen thuộc như cái nôi, cái võng, chiếc địu êm trên lưng mẹ. Lời ru ấy như đưa tâm hồn ta đến một chân trời mới, vừa xa lại vừa gần, vừa nhẹ nhàng mà lại đằm thắm thiết tha ấm áp tình người.

Ảnh: nhinguyenhue.com

Những lời ru êm ả tha thiết của bà, của mẹ đã gieo vào tâm thức tuổi thơ những ký ức và hình ảnh tốt lành về lòng nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước. Nghệ thuật hát ru và những bài hát ru không chỉ là văn hóa truyền thống mà còn là mạch nguồn quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với các gia đình Việt Nam, là mạch nguồn của sự sống nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giáo dưỡng nhân cách hồn nhiên, trong sáng, trọng đạo hiếu nghĩa cho trẻ từ khi lọt lòng.

(Ảnh: tinmoi24.vn)

(Ầu ơ…) Ví dầu, ví dẫu, ví dâu
Ví qua ví lại (ờ…) ví trâu vô chuồng.

Âm hưởng vang lên trong những khúc hát ru thường nhẹ nhàng, ngọt ngào, mà sâu nặng tình cảm, gửi gắm trong đó nhiều ý tứ. Nội dung các bài hát ru chủ yếu được lấy từ ca dao, dân ca, hò, vè dân gian, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi vùng, miền lại có một lối hát ru riêng, nhưng có một nét chung là dễ thấm, dễ lọt vào lòng người. Do vậy, những bài hát ru thường rất đa dạng và mang đậm bản sắc của từng địa phương. Khi nghe hát ru, trẻ cảm nhận được tình cảm thương yêu, trìu mến, nâng niu của bà, của mẹ.

(Ảnh: Phunugiadinh.vn)

Câu hát ru là tình cảm anh em gắn bó:

(Ầu ơ…) Anh em như thể tay chân
Yêu thương hoà thuận (ờ…) song thân vui vầy.
Là thân phận long đong cực khổ trong cuộc mưu sinh:
(À ơi…) Trắng da vì bởi phấn dồi
Đen da vì bởi (ờ…) em ngồi (ờ…) chợ trưa (ơ…)
Là niềm tin vào lòng chung thuỷ của mình, của người:
(Ầu ơ…) Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ (ờ…) ngàn năm (em) cũng chờ.
Là một chút bóng dáng quê hương thấp thoáng:
(À ơi…) Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng (ờ…) có nhiều cá tôm.

Khi tuổi thơ được tắm đẫm trong những lời hát ru ngọt ngào, đứa trẻ sẽ được lớn lên trong sự hồn nhiên, nhân cách của trẻ được hình thành một cách tự nhiên trong sự gắn bó, yêu thương không chỉ giữa người với người mà còn với cả thiên nhiên, sông núi, ruộng đồng,… Và cứ thế, những khúc hát ru như một hành trang tâm hồn giúp trẻ lớn lên trong sự chở che, bao bọc bởi những tình cảm rất tự nhiên và sâu nặng về quê hương.

(Ảnh: theuviet.com)

Thế nhưng ngày nay, với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, các loại hình giải trí, nghệ thuật, nhiều gia đình vợ chồng trẻ có xu hướng hiện đại, ngay từ khi mang thai đến khi nuôi trẻ đã cho con nghe nhạc cổ điển, nhạc không lời với quan điểm giúp trẻ phát triển trí não, thông minh hơn. Mặt khác, trong cơ chế thị trường, do bận rộn công việc, nhiều ông bố, bà mẹ không có thời gian ru con, muốn con ngủ mau, không ít người tìm mọi cách rung, lắc, hoặc quát tháo làm mất đi tình cảm thân thương, tình mẫu tử cao đẹp trong truyền thống gia đình Việt Nam.

(Ảnh: lucbat.vn)

Thiết nghĩ, dù ở thời đại nào, lời ru vẫn luôn quan trọng đối với thế giới tâm hồn trẻ thơ. Nhất là trong nhịp sống hiện đại, hối hả ngày nay, những khúc hát ru càng trở nên hết sức cần thiết. Lời ru ngọt ngào thực sự là những dưỡng chất bằng tinh thần giúp trẻ phát triển trí tuệ và tâm hồn, là những bài học đầu đời mà các bà, các mẹ truyền lại cho thế hệ mai sau. Những lời ru với giai điệu mượt mà, nhẹ nhàng, êm ái như những hạt mưa cần cù đưa bé vào giấc ngủ bình yên.

(Ảnh: plus.google.com)

Những lời ru chan chứa tình cảm yêu thương, trìu mến sẽ nuôi dưỡng tâm hồn bé, làm cho sợi dây tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình được thắt chặt hơn. Để những lời ru ngọt ngào sẽ trở thành những kỷ niệm êm đềm, không thể nào quên trong suốt quãng đời thời thơ ấu của mỗi người. Chúng ta – những thế hệ trẻ hôm nay, hãy giữ gìn và phát triển những khúc hát ru, hãy tôn trọng và trân quý những giá trị mà ông cha để lại vì hát ru chính là viên ngọc quý trong kho tàng văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.

(Ảnh: nhinguyenhue.com)

“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.

Tâm Liên – Thiên Lộ