Hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi đã nghỉ dạy học, về hưu từ tháng trước. Đây là ngày Nhà giáo đầu tiên của một nhà giáo về hưu.

Buổi sáng dậy sớm hơn mọi ngày, tôi tự pha tách trà sen ngồi uống mãi một mình bên khung cửa, nhìn ra vườn, tự lắng nghe những cảm xúc lạ đang đến mà những năm tháng trước mình chưa bao giờ trải nghiệm. Khu vườn đang mưa rơi trắng xóa. Tôi nghĩ ngợi mông lung. Nhớ từng chuyện ngày thơ ấu theo mẹ đi thăm thầy cô, rồi nhớ qua những ngày lớn hơn biết tự đi mua từng bó hoa đẹp mang tặng thầy cô mình. Rồi khi thành cô giáo, lại chăm lo cái bánh, cái kẹo cho lũ học trò đến thăm nhà… Những ngày ấy vui như Tết, cho dù cũng như hôm nay, trong tháng mưa lũ này, mưa thường làm ướt sũng lũ học trò.

Lúc này đây, ngoài phố cũng đang tái hiện cảnh xưa. Tiếng con trẻ học trò từng tốp lao xao đội mưa đi thăm thầy cô, ngược ngược xuôi xuôi ngập đường như trẩy hội. Cậu con út nhà tôi cũng theo bạn bè đi từ sáng sớm để chúc tết các thầy cô đã dạy nó trong suốt bao niên học qua. Cái lệ chúc tết thầy cô ở Việt Nam mình đã có từ thuở xưa. Cha mẹ tôi là nhà giáo nên tôi đã từng nhìn thấy hình ảnh các thế hệ học trò đứng hai hàng chắp tay cung kính mỗi khi đến thăm nhà vào dịp tết. Có ông học trò nay đã bảy mươi mấy tuổi, tóc bạc phơ mà mỗi lần đến thăm thầy cũ vẫn một mực đứng khoanh tay dạ dạ thưa thưa lễ độ với ba tôi. Cái học đã dạy cho người học trò biết kính thầy yêu bạn. Đó là bản sắc từ ngàn đời nay của người Việt mình.

Có bóng một người đàn ông mặc áo mưa lội bì bõm từ cổng vào cắt ngang luồng suy tưởng. Tôi bước ra hiên để hỏi xem khách lạ tìm nhà ai. Tiếng ông khách cất lên với giọng Quảng Nam ồm ồm:

– Xin hỏi đây có phải nhà cô H… không?

– Vâng, thưa đúng ạ. Xin mời bác vào nhà. Xin lỗi, bác là phụ huynh của em nào ạ?

Tôi hỏi vì cứ nghĩ rằng ông ta là phụ huynh của sinh viên đến thăm để nói lời cám ơn về công dạy dỗ con họ như bao lần tôi vẫn tiếp trong đời làm nhà giáo của mình.

Người đàn ông bước vội vào hiên, hất tung cái mũ áo rồi quỳ xuống ngay trước mặt, nắm chặt bàn tay tôi, nói trong cơn xúc động: “Cô ơi em đây, em là thằng Luận ngày xưa đây?”.

Qua một phút bối rối, tôi kéo người khách đứng dậy và cũng nói với giọng nghẹn ngào: “Cô nhận ra em rồi. Mà sao em lại ở Huế hôm nay? Và làm sao em biết nhà cô để đến?”.

Luận theo chân tôi vào phòng khách, ngồi thu người trong ghế để kìm cơn xúc động. Tôi cũng cố lúi cúi pha tách trà nóng mời khách để che giấu cảm xúc. Trước mắt tôi đúng là thằng Luận ngày xưa. Nét mặt không đổi dẫu có già hơn và tóc đã lốm đốm muối tiêu. Nó là đứa học trò đầu đời khi tôi vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm những năm 1976, rời Huế đi dạy học tại ngôi trường cấp ba miền núi xa tít tận Trường Sơn. Ký ức tôi chợt sống dậy bao kỷ niệm của những năm tháng xa xưa ấy.

…Buổi trưa, nơi sân trường phố núi, tiếng học trò ồn ào như vỡ chợ. Nhưng sau ba tiếng trống, tất cả trở nên yên ắng. Tôi nghỉ dạy buổi chiều nên cố gắng nhắm mắt ngủ. Đang lúc mơ màng bỗng nghe có tiếng ai đó gọi mình. Choàng tỉnh mới hay là thầy giám thị của trường đang đứng ngoài cửa sổ với nét mặt thảng thốt.

Tôi vội mở cửa, hỏi ngay: “Có chuyện gì mà trông thầy căng thẳng thế?”.

“Dạ vâng, em xuống mời cô lên lớp 11B giải quyết việc quan trọng”.

“Có chuyện gì chờ giờ sinh hoạt lớp sẽ bàn. Giờ này lớp 11B đang học giờ giáo viên khác mà?”.

“Dạ vâng, nhưng thầy Hải đã cho phép em mời cô rồi. Sự việc nghiêm trọng lắm nên không thể đợi chờ”.

“Nếu thế thì tôi lên ngay”.

Tôi thay vội áo quần, theo chân thầy giám thị lên lớp. Đoạn đường từ khu tập thể của giáo viên lên lớp học, thầy đã kể vắn tắt cho tôi hay, em Long đi học mang theo tiền mua xe đạp cho chị gái mà chỉ một lúc đã mất sạch số tiền.

Khi tôi vào lớp, cả lớp nhao nhao lên yêu cầu cô giáo phải tóm ngay kẻ ăn cắp vì chắc chắn nó không thể là ai khác ngoài những học sinh của lớp.

Tôi gọi Long yêu cầu em kể lại sự việc. Đúng như lời thầy giám thị Vinh đã trình bày, Long đem tiền đến lớp đã có đưa ra khoe với bạn bè sẽ đi mua xe đạp cho chị sau giờ tan học. Nhưng tiền để trong cặp chỉ sau giờ ra chơi tiết đầu là mất toi. Em vừa kể vừa khóc thảm thiết. Đúng là 120 nghìn đồng trong thời điểm ấy là một số tiền lớn. Chiếc xe đạp là một gia sản lớn của biết bao gia đình nơi vùng núi cheo leo này.

Tôi chưa biết phải làm gì đây thì cả lớp lại nhao nhao lên:

“Yêu cầu cô soát hết từng bạn ạ”.

Tôi lên bục đứng nhìn một lượt khắp cả lớp. Mắt tôi nhìn vào từng đôi mắt của lũ học trò. Những khuôn mặt thân quen mà nhờ yêu chúng, tôi mới có thể can đảm một mình ôm đứa con đỏ hỏn lên dạy học ở xứ heo hút này. Nhưng khi mắt tôi vừa lướt qua mặt Luận, nó nhớn nhác nhìn tôi rồi lại cúi ngay xuống lẩn tránh. Giác quan thứ sáu mách bảo chính nó là kẻ cắp. Tôi lướt thêm một vòng để kiểm chứng. Đôi mắt ấy lại một lần nữa nhìn lên mắt tôi nhưng ánh mắt lạ lắm. Nó như van xin, cầu khẩn…

Một luồng khí lạnh chạy ngang qua cơ thể, tôi rùng mình, tay nổi cả da gà… Rồi đột nhiên một luồng ý tưởng lạ chợt đến, thúc giục tôi tự quyết định ngay mà mấy giây trước đó tôi chưa hề nghĩ đến. Tôi vội đi nhanh về nhà vơ vét hết số tiền trong tủ lẩm nhẩm đếm. May làm sao vừa đủ số tiền Long mất. Cầm nó trên tay, trở lại lớp, tôi đưa hết cho Long, nói: “Long mất 120 nghìn. Nay cô trả hết cho em. Như vậy xem như em đã tìm lại được tiền. Từ nay không bàn luận gì nữa. Còn em nào đã lỡ lấy cắp tiền của bạn, nay là tiền của cô giáo mình. Cô giáo từ nơi xa xôi ôm con nhỏ đến đây, lao động vất vả nhọc nhằn chỉ để mong giúp các em thành con người có ý nghĩa cho cuộc sống này, lẽ nào em lại đánh cắp hai tháng lương lao động đầy mồ hôi chất xám của cô mình? Nên cô tin chắc em sẽ trả lại. Cô sẽ bảo vệ danh dự cho em”.

Long khóc không chịu nhận nhưng tôi buộc phải cầm lấy.

Tôi bước ra khỏi lớp trước phản ứng giận dữ của lũ học trò và nỗi bàng hoàng của thầy giám thị. Nhưng tôi là cô giáo chủ nhiệm. Tôi có cái quyền tối cao trong câu chuyện này.

Một ngày, rồi lại một ngày… trôi qua thật chậm, thật nặng nề. Tôi không còn một đồng dính túi vì nghĩa cử của mình. Đành ngày ngày nấu cơm ăn với nhúm rau luộc hái từ vườn trường. Có đôi lúc tôi thấy mình xử sự đúng. Nhưng có đôi khi tôi cũng thấy tiếc nuối vì sao mình lại anh hùng hão thế? Nếu kẻ cắp không đem tiền trả thì mất toi hai tháng lương, lấy tiền đâu nuôi thằng cu Tí lúc này? Tôi cũng đâm ngẩn ngẩn ngơ ngơ như kẻ mất sổ gạo.

Một tuần trôi qua trong sự im lìm…

Sau hơn mười ngày xảy ra biến cố ấy, tôi hầu như tuyệt vọng vì chẳng có ma nào đến thú nhận và trả tiền. Đêm ấy trời nổi mưa giông. Mưa như trút kèm sấm chớp vang trời. Tôi ôm con nằm co ro trong nỗi buồn da diết. Bụng làm thì dạ chịu nên tôi không dám phàn nàn cùng ai. Ba mẹ tôi nếu biết chuyện này chẳng biết sẽ khen hay chê trách? Chồng tôi liệu có phàn nàn vì tôi đã không dành tiền chăm sóc con nhỏ? Lòng tôi bối rối như tơ vò, nhưng hình bóng cha tôi lại hiện ra rõ nét. Ông đã từng dạy con cái làm điều nhân nghĩa. Giọng ông như văng vẳng bên tai: “Đừng bao giờ vì quyền lợi cá nhân mà làm thương tổn linh hồn kẻ khác. Đừng bao giờ đánh kẻ cùng đường. Nếu khi con đang đứng trên bục giảng bài mà thoáng thấy một học sinh đi trễ thập thò bối rối ở hành lang, con hãy gọi vào vì nó là kẻ đang thật sự muốn học. Khi học trò làm điều sai thì hãy sửa cho nó và cho cả chính mình, vì nếu nó đã giỏi như con thì nó tìm con để học làm gì? Đừng bắt chước những người thầy vô cảm xua đuổi học trò ra khỏi lớp mà không cần biết nó sẽ đi về đâu, con nhé!”.

Có tiếng cào ở cửa. Tôi cứ nghĩ là con mèo hàng xóm mò sang lục lọi thức ăn nên đánh tiếng đuổi đi. Một lúc sau lại vang tên tiếng gõ cửa rồi cả tiếng thì thào gọi tên tôi, tiếng được tiếng mất trong gió. Tôi vùng dậy la to: “Ai thế?”.

“Dạ em là Luận đây cô”.

Tôi mở cửa, bóng thằng con trai chạy xộc vào rồi quỳ gối dưới chân tôi khóc thảm thiết: “Cô ơi em là kẻ ăn cắp. Em hiểu cô đã nhận ngay điều ấy khi mắt cô nhìn mắt em, nhưng đã ra sức bảo vệ em. Nếu hôm ấy cô theo lời yêu cầu của các bạn, rà soát từng học sinh một thì sẽ tìm thấy tiền em giấu trong người. Chắc chắn em sẽ bỏ xứ ra đi. Lẽ ra em trả ngay tiền cho cô ngay đêm đầu tiên để cô khỏi lo âu nhưng em sợ các bạn đang rình theo dõi để tố cáo em trước cả trường. Em không ngủ bao đêm nay vì em biết em là kẻ xấu. Em rất cần tiền nhưng em không có khả năng kiếm nó. Bạn Long đã khoe tiền nên khêu gợi lòng tham của em. Một phút thiếu suy nghĩ em đã phạm tội, nhưng cô đã hiện ra như bà tiên trong cổ tích để cứu em thoát khỏi nỗi ô nhục của một thanh niên có học. Đêm nay cô cho em gửi lại số tiền ấy và em xin thề với cô mãi mãi sẽ không bao giờ làm kẻ ăn cắp”.

Ảnh minh họa (nguồn: Mom).

Tôi nhận số tiền từ tay nó mà nước mắt rơi. Tôi mừng vì có tiền mua sữa cho con thơ và mừng vì mình đã không vô tình tiếp tay xô đẩy một đứa học trò xuống vực thẳm.

Đã ba mươi năm tôi rời ngôi trường ấy trở về xứ Huế, học thêm nghề khác và thành cô giáo dạy ẩm thực – du lịch mà cũng không có dịp gặp lại trò cũ tận xứ Quảng nên hầu như chúng chẳng biết tôi đang ở đâu nơi thành phố này. Mà sao hôm nay nó lại lù lù hiện ra trước mặt mình thế nhỉ? Ngắm mặt nó. Cũng đôi mắt xưa nhưng mất hẳn nét nhớn nhác van lơn hôm nào. Luận kể tôi nghe giờ đây cậu ta đã là Kỹ sư trưởng một nhà máy có tên tuổi ở Tp.HCM. Nó đã có vợ con và đạt nhiều danh hiệu cao quý trong nghề nghiệp. Nó bảo rằng nếu ngày ấy bị phát hiện là kẻ cắp thì chắc chắn hôm nay nó chỉ là kẻ du thủ du thực sống ngoài vòng pháp luật mà thôi. Nó luôn nghĩ về cô giáo của mình và mong ước một ngày nào đó tìm thăm. Nhân đang đi chuyến tàu ngang qua Huế vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, nó chợt nảy ra ý tưởng đi tìm tôi nên đã nhảy xuống đi tìm tôi để nói lời cảm ơn.

Luận nhắc lại hồi dạy học năm ấy tôi có kể chuyện nhà tôi ở phố Âm hồn. Cái tên kinh dị ấy do năm 1884 kinh đô Huế thất thủ, đã có biết bao người Huế chết oan vì cả hoàng cung chạy loạn ngang ngã tư này bị voi dày ngựa xé, xô đạp nhau. Người sống sót đã tưởng niệm xây miếu Âm hồn thờ cúng và gọi tên đường để nhắc nhở nỗi đau thương của một thời mất nước. Luận đã lần theo để tìm ra tôi.

Phải chăng đây chính là món quà quý giá nhất mà tôi nhận được hôm nay, khi đã từ giã mái trường về sống đời quy ẩn?

Hoàng Thị Như Huy (Nhà giáo – Nghệ nhân dân gian Việt Nam)

Tiêu đề được đặt bởi ĐKN. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

videoinfo__video3.dkn.tv||2902105be__