Trong cuộc sống hiện đại phù hoa của ngày hôm nay, con người chúng ta phải chăng đã hoàn toàn quên đi những giá trị cốt lõi để tạo nên phẩm hạnh của chính mình, quên đi chữ Tín, sự trung thực, hết lòng vì người khác. Câu chuyện của một chàng sinh viên nghèo dưới đây khiến có lẽ sẽ khiến chúng ta thở phào “những điều tốt đẹp ấy vẫn còn”.

Câu chuyện nhặt được của rơi trả lại người đánh mất của Lê Doãn Ý (sinh năm 1992, sinh viên hệ đào tạo từ xa của đại học Mở Hà Nội) sẽ khiến rất nhiều người ấn tượng không chỉ vì số tiền mà chàng trai trẻ này trả lại người mất (hơn 1,3 tỷ đồng), mà còn vì câu chuyện trao trả tài sản ly kỳ như trong một bộ phim hình sự.

Chiều 22 tháng 3 năm 2015, trong lúc sang nhà bạn trên đường Phan Tứ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Lê Doãn Ý đã vô tình trông thấy một chiếc ví da bị rơi nơi đầu con hẻm nhỏ. Theo lời kể của Ý, cậu đã nhặt chiếc ví lên và tiếp tục chuyến đi của mình. Tới chiều, chỉ khi về tới nhà, Ý mới kiểm tra các đồ đạc bên trong ví. Đến lúc này, chàng sinh viên trẻ mới biết mình đang nắm trong tay một số tài sản rất lớn: 15,5 triệu đồng tiền mặt, một điện thoại iPhone 5S, giấy tờ xe SH và hai sổ tiết kiệm trị giá hơn 1,3 tỷ đồng mang tên Phạm Ngọc Minh Thư.

Ý thức được trị giá của những đồ vật và giấy tờ mà mình đang giữ, Ý tìm cách liên lạc với người chủ chiếc ví ngay trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, điện thoại của chị Minh Thư có cài mật khẩu nên phải chờ tới khi có người gọi đến, Ý mới có thể lấy số và chủ động liên lạc lại ngay sau đó. Người nhận điện của Ý là chồng chị Thư.

Chân dung Lê Doãn Ý (Ảnh dẫn qua Tri thức trẻ)

Câu chuyện sẽ chỉ diễn ra một cách êm đẹp và đầy xúc động nếu như địa điểm mà Ý hẹn vợ chồng chị Thư đến nhận lại đồ không phải là tại nhà nghỉ Sao Mai trên đường Dương Văn An (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vào lúc 7 giờ tối, trong khi anh chị Thư đã nhận được điện thoại của Ý từ chiều.

Đúng giờ hẹn, sau khi tìm kiếm và xác định địa điểm một cách khá vất vả (bởi trên đường Dương Văn An có đến 4 nhà nghỉ Sao Mai), chị Minh Thư đã gặp được Ý.

Tuy trong lòng rất mong được trả lại ngay chiếc ví cho chủ nhân, nhưng Ý vẫn bình tĩnh kiểm tra CMTND, hỏi một số câu hỏi nhận dạng như ngày sinh, quê quán. Xác nhận đúng người, chàng sinh viên trao trả lại nguyên vẹn chiếc ví cho chị Minh Thư với tâm trạng vô cùng thoải mái – “Em vui lây khi nhìn thấy chị Thư mừng rỡ nhận lại tất cả tài sản trong ví”, Ý chia sẻ.

Chị Thư vì xúc động sâu sắc trước hành động của Ý nên đã năn nỉ Ý nhận một khoản tiền thay cho lời tạ ơn. Nhưng Ý kiên quyết không nhận. Trong khi hai chị em đưa qua đưa lại số tiền, công an đã “ập vào” với chiếc còng số tám trên tay để bắt kẻ “tống tiền”.

Hóa ra, vì địa chỉ và thời gian của cuộc hẹn, cộng với giá trị quá lớn của số tài sản bị mất, chị Thư đã không đủ tin tưởng vào người đang giữ chiếc ví. Đó là lý do chị Thư phải tìm đến sự trợ giúp của công an.

Hai chị em vui mừng, người vì trả được tiền, người vì nhận lại được tiền (Ảnh dẫn qua Tri Thức Trẻ)

Thái độ giằng co của hai chị em mới là nguyên nhân chính khiến các chiến sĩ công an nhận định rằng tình hình có vẻ “cấp bách” và ngay lập tức hành động. Sau một hồi giải thích, chị Thư đã hóa giải được những hiểu lầm.

Cũng không khó để hình dung chị Thư đã vui mừng và nhẹ nhõm thế nào khi nhận lại được chiếc ví. Được biết, đây là toàn bộ tai sản giá trị của vợ chồng anh chị Minh Thư sau khi bán nhà. Chị Thư hiện đang công tác tại Trường CĐ Lương thực – Thực phẩm (Đà Nẵng).

“Đói cho sạch, rách cho thơm” – Đâu là những giá trị thật trong cuộc sống này?

Câu chuyện của Lê Doãn Ý khi được chia sẻ trên các mạng xã hội đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen. Rất nhiều người bày tỏ sự khâm phục trước sự trung thực và biết nghĩ tới người khác của em.

Mọi người càng cảm phục Lê Doãn Ý hơn khi biết được hoàn cảnh sống của cậu. Ý sinh ra trong một gia đình nghèo khó đông con ở Hà Tĩnh. Vào những năm 2000, cậu theo cha mẹ vào Gia Lai làm kinh tế mới. Tuy nhiên, ruộng đất ít lại phải nuôi 6 đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi đến trường, nên bố mẹ cậu lại trở về Hà Tĩnh, người đi làm phụ hồ, người đi giúp việc để nuôi con ăn học.

Chàng trai đã phải rất nỗ lực để được đến trường (Ảnh: Báo giáo dục thời đại)

Ý cũng đã từng phải bỏ dở việc học của mình tại trường Đại học Kiến Trúc, vì kinh tế khó khăn. Nhưng, với sự nỗ lực của mình, cậu đã bắt đầu lại với chương trình đào tạo từ xa. Sáng tự học, chiều từ 19h đến 7h sáng hôm sau, cậu kiên trì làm công việc bảo vệ trong nhà nghỉ Sao Mai với mức lương 3 triệu đồng một tháng. Số tiền này cùng với khoản hỗ trợ nhỏ của cha mẹ là tất cả những gì Ý có để xoay sở cuộc sống.

Khó khăn là vậy, nhưng Ý đã quyết định làm theo “lương tâm” của mình, như cậu đã chia sẻ khi được hỏi về lý do trả lại số tiền mà không đòi tiền chuộc hay xin pass điện thoại (để đổi giấy tờ) như nhiều người sẽ làm. Với Ý, tiếng nói của lương tâm là cái quan trọng và đáng giá hơn.

Ý rất chân thành khi chia sẻ rằng, khi nhìn thấy số tiền lớn như thế, cậu cũng có “cảm giác bối rối”. Nhưng rồi, suy nghĩ về chủ nhân của chiếc ví khiến cậu quyết định trả lại.

“Ai cũng vậy cả, khi không may đánh mất một tài sản đều cảm thấy rất buồn bởi vì đó là mồ hôi công sức mình làm ra. Với một số người, tài sản đó còn là “mạng sống” của bản thân, của gia đình… Tôi nghĩ việc làm của mình là hết sức bình thường, ai trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ hành động như vậy, theo đúng lương tâm con người mà thôi!”.

Việc phải vất vả kiếm tiền từ sớm để tự trang trải cho cuộc sống và để đỡ đần cha mẹ đã giúp Ý hiểu rõ giá trị của đồng tiền: Nó là mồ hôi và công sức mà người ta phải lao động vất vả mới có được, chứ không chỉ đơn giản là những mảnh giấy có nhiều giá trị, có thể giúp người ta hưởng thụ trong cuộc sống.

Cậu sinh viên nghèo tiền bạc nhưng phẩm hạnh không nghèo (Ảnh dẫn qua Tri thức trẻ)

Vì thế, trả lại tiền bạc cho người bị mất là giúp họ nhận lại được công sức của mình. Nhưng đồng thời cũng chính là trả lại cho bản thân sự thanh thản và một cõi lòng yên ổn.

Bạn có thể nào cảm thấy vui vẻ thoải mái mà tiêu tiền khi biết rằng “ở một nơi nào đó, người mất tiền đang đau khổ hoặc lâm vào cảnh túng quẫn”? Nếu bạn trả lời “tôi vẫn vui”, thì chính là bạn đang lờ đi tiếng nói nhỏ nhưng tha thiết bên trong mình: Tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của sự thiện lương. Nó ở đó để nhắc nhở bạn rằng con người sống trên đời cần có một tấm lòng lương thiện.

Liệu có phải một tâm hồn trung thực luôn biết vì người khác, trọng chữ Tín mới thực sự là tài sản giá trị nhất mà mỗi người nên kiếm tìm?

Hải Lam tổng hợp

Xem thêm: