Theo như Masayoshi Son (chủ tịch tập đoàn Softbank, Nhật Bản): “Sự kết nối dựa trên tình bạn – một loại tài sản không bao giờ có trên bảng cân đối kế toán”. Điều đó lý giải tại sao vị tỷ phú này lại trở thành một trong những người đàn ông có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Nhiều người nói rằng, không ai trên thế giới mà Son không thể gặp.

Ngày 20/5 vừa qua, giới truyền thông Ả rập Saudi đã gây ngạc nhiên đối với toàn bộ giới ngoại giao và doanh nhân Mỹ, Nhật khi đưa ra những tin tức về cuộc gặp mặt chính thức giữa các quan chức Mỹ và Ả rập Saudi.

Sự việc diễn ra trong cung điện hoàng gia ở thủ đô Riyadh. Ở trung tâm sảnh lớn với những bức tường trắng cùng những tấm thảm lộng lẫy dưới sàn, vua Ả rập Saudi là Salman đang ngồi trò chuyện cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một bên gồm các quan chức chính phủ Ả rập Saudi trong những bộ quần áo truyền thống và bên còn lại là những người bạn tới từ Mỹ.

Sau đó, tỷ phú Masaysoshi Son bước ra khỏi hàng ngũ những vị khách từ Mỹ, tới trước mặt nhà vua, trao đổi tài liệu với một quan chức chính phủ nước này và bắt tay với người đó. Tổng thống Trump dõi theo hành động của 2 người, nở nụ cười thân thiện với Son và nói điều gì đó. Hình ảnh này rõ ràng cho thấy mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ và vị tỷ phú Nhật Bản khá tốt đẹp.

Masayoshi Son đi cùng ông Donald Trump gặp vua Ả rập Saudi. (Ảnh: Ndh)

Được biết, trong lần đó, vị lãnh đạo tới từ Nhật Bản đã trao những tài liệu của quỹ đầu tư trị giá 10 nghìn tỷ yen (tương đương 93 tỷ USD) mà ông đã thuyết phục được phía Ả rập Saudi tham gia cùng. Điều đáng chú ý là nó diễn ra trong cuộc gặp mặt chính thức giữa các quan chức chính phủ. Ít người biết được rằng quá trình xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp đó của Son được hình thành nhờ những bài học một vị tiền bối nổi tiếng khác.

Thành công bắt đầu từ nhân duyên với một vị tiền bối đáng kính

Ngày 28/4/2014, Son cùng những lãnh đạo của Softbank đã tụ họp tại nhà hàng Toyoken (Motoakasaka, Tokyo) để mừng sinh nhật thứ 100 của Tadashi Sasaki (Phó Chủ tịch hãng sản xuất đồ điện tử Sharp).

Trong buổi tiệc, tỷ phú Son đã đứng dậy và nói vài lời:

“Nếu không thể gặp ngài Sasaki khi còn học tại Đại học Berkeley – không ai trong số những lãnh đạo Sofbank sẽ có mặt ở đây ngày hôm nay. Tôi thật không có lời nào diễn tả được cảm xúc khi nói về việc này”.

Sau đó, ông đã giơ cao một tấm bảng chữ viết tay và đọc to:

“Mọi thứ bắt đầu khi tôi gặp ngài. Cảm ơn rất nhiều”. Sau đó, vị tỷ phú lấy khăn lau vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Mọi người có mặt đều cảm nhận được lòng biết ơn sâu sắc tỷ phú dành cho vị tiền bối đáng kính và vô cùng xúc động.

Son gặp ngài Sasaki vào mùa hè năm ông 21 tuổi khi đang học tại Đại học Berkeley, California. Thời gian ấy, ông quay lại Nhật Bản nghỉ hè và tranh thủ chào bán chiếc máy dịch tự động mà ông đã cùng phát triển với các giáo sư trong trường. Son đã bị từ chối không biết bao nhiêu lần cho tới khi gặp Sasaki. Sasaki đã hoàn toàn chấn động bởi bài thuyết trình của Son và đồng ý bán sản phẩm này.

Son gặp ngài Sasaki. (Ảnh: CafeBiz)

Trong năm 1981, sau khi trở lại Mỹ, Son đã thành lập Softbank nhưng công ty sớm gặp khó khăn về tài chính. Son đã hỏi vay ngân hàng khoản tiền 100 triệu yen nhưng bị từ chối bởi ông ty của ông còn quá trẻ và chưa có thành tựu gì nổi bật. Khi biết tin này, Sasaki đã nhanh chóng gọi điện cho vị Giám đốc ngân hàng – cũng là một người bạn cũ của ông.

“Tôi bị cuốn hút bởi chàng trai trẻ tuổi có tên Masayoshi Son. Không biết ông có vui lòng giúp tôi chấp nhận cho khoản vay của ông ấy hay không. Tôi có thể lấy sổ lương và nhà của mình ra để thế chấp hộ nếu cần”.

Mặc dù quen biết chưa bao lâu nhưng Sasaki đã xem Masayoshi Son như bằng hữu, ông sẵn sàng dành uy tín và tài sản của mình để giúp đỡ chàng trai trẻ nhưng nhiều đam mê và ý tưởng khởi nghiệp. Sasaki đã không đặt nhầm niềm tin, cuộc gọi khi đó đã mở ra con đường tương lai thành công cho Son sau này và tạo nên “Warren Buffet Châu Á” của hôm nay.

Tình bạn – loại tài sản không bao giờ xuất hiện trên bảng cân đối kế toán

5 năm sau khi thành lập, Softbank lại rơi vào khủng hoảng. Khi ấy, 20 lãnh đạo đã rời bỏ công ty để thành lập nên một mô hình mới giống hệt. Họ đã lấy đi toàn bộ danh sách khách hàng và doanh thu của Softbank đang lao dốc không phanh (Đây là một phần lịch sử khá buồn của công ty và ít khi được nhắc lại).

5 năm sau khi thành lập, Softbank lại rơi vào khủng hoảng. (Ảnh: DealStreetAsia)

Mang trong mình tâm lý uất hận, Son gọi những kẻ bỏ công ty đi là “kẻ phản bội”. Lúc này, Sasaki lại một lần nữa thay đổi hoàn toàn thái độ của Son và giúp ông nhận ra một bài học quý giá trong việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân. Sasaki nói:

Trong tất cả những sự kết nối của con người, hãy nhớ rằng không có sự kết nối nào mạnh mẽ và bền chặt hơn những thứ được hình thành từ tình bạn.

Son chợt nhận ra rằng, có những người đã bỏ ông và ra đi là bởi ông đã không thực sự gắn kết với họ. Mọi người chỉ luôn bàn về kết quả công việc mà không chia sẻ lý tưởng và đam mê cùng với nhau. Điều đó đã tạo nên sự gián cách vô hình và mài mòn đi sự tin tưởng, vốn là chìa khóa thành công cho bất kỳ công ty nào.

“Những người rời bỏ tôi mà đi đều tuyệt vời. Chỉ là, dường như tôi chưa có đủ sức thu hút với họ.”

Ông đã gặp rất nhiều các nhà tỉ phú trên thế giới từ khi còn trẻ.

Những năm sau đó, tỷ phú Son đã áp dụng triệt để triết lý này. Ông nhận ra rằng, khi mình xem bất kỳ doanh nhân nào như một người bạn, mối quan hệ đó sẽ luôn dẫn tới những người bạn mới và những khoản đầu tư mới vào doanh nghiệp. Trên thực tế, những mối quan hệ của ông với những tỷ phú khác như Bill Gates, Steve Jobs, Ellison, Yerry Yang… đều thông qua sự giới thiệu giống như một vòng quay tình bạn. Masayoshi Son quan niệm rằng, những sự kết nối không thể chỉ diễn ra thông qua mối liên hệ về tiền bạc đơn thuần dựa trên lợi ích. Sự kết nối dựa trên tình bạn đó là “một loại tài sản không bao giờ xuất hiện trên bảng cân đối kế toán”.

Linh An

Xem thêm: