Trong lịch sử Trung Hoa còn lưu câu chuyện “Ngu Công dời núi” kể về lòng quyết tâm làm việc làm cảm động Trời đất của Ngu Công. Ngày nay, tại Ấn Độ, nhiều người cũng đang thầm cảm phục một người cha, trong suốt 2 năm miệt mài đào 8km đường xuyên núi để giúp các con đến trường được an toàn.

Theo báo Guardian, trong vòng hai năm, anh Jalandhar Nayak (45 tuổi) đã làm việc 8 tiếng mỗi ngày để đào một con đường xuyên qua những ngọn đồi. Chỉ với những cuốc xẻng rất thô sơ và không có ai trợ giúp, nhưng anh Nayak vẫn đào thành công một con đường xuyên núi dài đến 8 km.

Giải thích về lý do khiến anh quyết định khởi tạo con đường này, anh Nayak cho hay, nhà anh nằm trong ngôi làng Gumsahi hẻo lánh, ở bang Odisha, Ấn Độ. Để có thể đến trường, các con của anh phải đi bộ một đoạn đường dài 10 km, vượt qua 5 quả đồi. Cung đường này rất hẹp và dốc.

Trong 2 năm, ngày nào anh cũng dành 8 tiếng để phá đá, mở đường. (Ảnh dẫn qua: kalingatv)

Nhiều lần những đứa trẻ của anh đã ngã vào đá. Vì sự an toàn của các con, anh gửi chúng vào trường học nội trú. Những đứa trẻ chỉ về nhà vào cuối tuần. Tuy nhiên, anh Nayak vẫn muốn các con được an toàn khi trở về nhà. Vậy nên, anh bắt tay vào thực hiện dự án “mở đường”.

Vậy là mỗi sáng, anh Nayak lại cần mẫn làm công việc phá đá, đào núi của mình. Anh dự tính sẽ tiếp tục công việc này. Trong 3 năm tới, anh sẽ đào thêm 7 km đường núi để hoàn thiện con đường này.

Công việc của Nayak diễn ra trong âm thầm, không một ai kể cả chính quyền địa phương biết đến công trình của anh. Chỉ cho đến khi một đài truyền hình địa phương phát hiện và đưa tin, mọi người mới biết tới con đường này.

Chân dung người cha vì con, một mình mở đường qua núi. (Ảnh dẫn qua: kalingatv)

Phóng viên Sibashakti Biswal là người đầu tiên tiếp cận con đường núi của Nayak. Anh cho biết những gì người cha nhỏ bé này đã làm cho các con của mình đã khiến anh rất bất ngờ. Hơn nữa, anh cũng rất khâm phục sự chu đáo của người mở đường:

“Tôi rất ấn tượng khi biết anh Nayak đã nghiên cứu kỹ cung đường mà bản thân mở ra, đảm bảo không cần phải chặt hạ một gốc cây nào dù là nhỏ nhất”, phóng viên Sibashakti Biswal cho hay.

Anh làm 8km đường không chặt bỏ một cái cây nào. (Ảnh dẫn qua: News World Odisha)

Không chỉ là một người đào đường có tâm, anh Nayak còn là một người rất khéo léo. Phóng viên của truyền hình địa phương còn mô tả chất lượng của đoạn đường ông bố Ấn Độ này đã đào đủ tốt để xe hơi có thể di chuyển qua như bình thường.

Sau khi chương trình truyền hình kể về câu chuyện rời núi của anh Nayak lên sóng, chính quyền địa phương đã biết đến câu chuyện. Họ quyết định sẽ thanh toán chi phí cho 8 km đường mà anh Nayak đã tạo ra, thêm vào đó sẽ trợ giúp anh hoàn thành phần đường còn lại.

Anh Nayak rất cảm động với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Anh cũng nhân cơ hội quý giá này để để nghị chính quyền sớm đưa điện và nước về với ngôi làng nhỏ của anh. Vì những điều kiện vật chất thiếu thốn, đi lại khó khăn, rất nhiều người dân đã rời bỏ ngôi làng này. Gia đình anh Nayak là một trong số ít những hộ dân còn bám trụ lại với làng.

Câu chuyện của anh Nayak khiến rất nhiều người nhớ đến một câu chuyện mở núi đầy cảm động ở một vùng quê khác của Ấn Độ. Đó là câu chuyện của ông Dashrath Manjhi, người đã dành 22 năm cuộc đời của mình để mở một con đường xuyên thẳng qua núi, nối bản làng của mình với thế giới bên ngoài. Con đường của ông đã giúp khoảng cách từ làng đến các địa điểm có dịch vụ y tế giảm từ 55 km xuống còn 15 km.

Chân dung ông Dashrath Manjhi, người 22 năm xẻ núi mở đường cho dân làng (Ảnh dẫn qua: demotivateur)

Mong muốn người dân trong làng sẽ không phải chịu sự bất hạnh như vợ mình đã giúp Dashrath Manjhi kiên trì với công việc của mình suốt 2 thập kỷ. Năm 1959, người vợ ông bị tai nạn ở khe núi, do con đường di chuyển đến nơi cấp cứu quá xa và gập ghềnh nên bà đã mất trên đường khi chưa kịp tới bệnh viện.

Những công việc to lớn như “dời núi, lấp bể” đối với người hiện đại chúng ta dường như chỉ có trong cổ tích hay điển tích, điển cố. Những công việc này đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực vượt xa khỏi giới hạn của chúng ta. Núi dường như là quá cao, biển tưởng chừng như vô tận. Tuy nhiên, những con người bằng xương, bằng thịt tại Ấn Độ ấy lại đang nhắc nhở chúng ta rằng: Việc khó đến mấy cũng có thể làm, núi lớn đến đâu cũng có thể xẻ. Điều quan trọng là con người có đủ quyết tâm, niềm tin và sự kiên trì để đi đến cùng công việc mà mình đã bắt đầu.

“Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà là vì lòng người ngại núi e sông”.

Nhưng quan trọng hơn, những “ngu công” của Ấn Độ còn chỉ cho chúng ta bí quyết để có thể tạo nên những con đường xuyên núi với hai bàn tay trắng: Sự kiên trì là chìa khóa cho thành công. Và nỗ lực mỗi ngày là cốt lõi của sự kiên trì. 

Nếu mỗi ngày bạn có thể kiên trì nỗ lực trọn vẹn như cách một chú kiến làm việc, bạn đã nắm được trong tay cốt lõi của sự Kiên trì. (Ảnh minh họa: doowans)

Nếu mỗi ngày bạn có thể dặn lòng mình, hãy cố gắng thêm một chút nữa, hãy tiếp tục công việc đều đặn như cách mình đã làm ngày hôm qua, thì sau một khoảng thời gian nhìn lại, bạn sẽ thấy ngạc nhiên với quãng đường mà mình đã đi, sự tiến bộ mà mình đã làm được.

Hy Văn