Ở nơi nào đó phía bên kia đại dương xa xôi, một lá thư cầu cứu đang được giấu trong chiếc bia mộ. Nội dung bức thư là câu chuyện chấn động kể về số phận của hàng chục ngàn người đang phải đối diện với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

“Bức thư kì lạ” giấu trong bia mộ

Thật ra, đó chỉ là chiếc bia mộ giả làm từ nhựa styrofoam đóng gói trong hộp quà Halloween và được trưng bày trên kệ của cửa hàng Kmart, thành phố Damascus, tiểu bang Oregon, Mỹ.

Món đồ chơi được cô Julie Keith mua về cất trong nhà kho. Một năm sau, năm 2012, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật cô con gái nhỏ vào đúng lễ hội Halloween, Julie Keith nhớ đến nó và lấy ra làm quà sinh nhật con gái mình, đó là thói quen mà cô vẫn làm suốt 5 năm qua. Nhưng một điều kỳ lạ đã khiến ngày hôm đó trở nên khác biệt so với những buổi tiệc trước đó, khi Julie đang cùng con háo hức mở quà sinh nhật, bỗng nhiên một tờ giấy gấp rơi từ hộp quà xuống vạt áo của cô. Đó là một lá thư được viết tay bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. Mở đầu lá thư viết:

Thưa Ngài: Nếu ngài tình cờ mua được món hàng này, làm ơn hãy chuyển bức thư đến Tổ chức Nhân quyền Thế giới.  

Trong thư nhắc đến hộp quà được sản xuất tại trại lao động Mã Tam Gia, Thẩm Dương, Trung Quốc, nơi các tù nhân bị giam cầm từ 1-3 năm không qua xét xử. Họ phải làm việc 15 giờ/ngày, không có ngày nghỉ, bị tra tấn, đánh đập, sỉ nhục và chỉ được trả 10 tệ/tháng (khoảng 33 nghìn đồng). “Hàng ngàn người ở đây, những người đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại sẽ cảm kích và nhớ đến ngài mãi mãi”.

Lá thư cầu cứu trong hộp quà Halloween được sản xuất tại Trung Quốc (Ảnh: Julie Keith / Facebook)

Quá sốc với nội dung được viết trong bức thư, Julie lên mạng tìm kiếm từ khóa “Mã Tam Gia”. Cô kinh hãi khi đọc được thông tin về những trường hợp bị tra tấn tàn bạo và bắt lao động khổ sai trong trại cải tạo này. “Dường như những gì họ viết trong đó là sự thật”, Julie kể lại.

Cô đăng tải bức thư lên mạng xã hội Facebook và tìm cách kết nối với tổ chức nhân quyền. Vì gặp một số khó khăn, Julie không thể liên hệ được với tổ chức này, nhưng thật may mắn cô đã liên lạc được với một tờ báo địa phương. Bức thư nhanh chóng gây được sự chú ý của giới truyền thông trên toàn thế giới. Dưới sức ép của truyền thông quốc tế, câu chuyện của Julie trở thành hiện tượng trên khắp toàn cầu và gây ảnh hưởng lớn tới Trung Quốc, hàng loạt trại cải tạo lao động bị đóng cửa, bao gồm cả Mã Tam Gia – nơi sản xuất ra chiếc “bia mộ kì lạ”.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Một bộ phim đặc biệt: Phim trường cách đạo diễn 8.000 km

Trên đây chỉ là phần nửa sau của câu chuyện, nhưng để biết nó đã bắt đầu như thế nào xin mời đón xem bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” – một bộ phim đặc biệt được sản xuất bởi chính nạn nhân và đạo diễn ở cách trường quay tới cả một đại dương mênh mông.

“Thư từ Mã Tam Gia” là bộ phim tài liệu mới của đạo diễn trẻ tài năng Leon Lee – người từng nhận giải thưởng Peabody danh giá cho bộ phim Human Havest (Tạm dịch: Thu hoạch Nhân thể) vào năm 2014. Bộ phim là sản phẩm phối hợp đặc biệt giữa đạo diễn Lee và người viết bức thư, ông Tôn Nghị cùng một người quay phim giấu tên tại Trung Quốc.

Đạo diễn – nhà sản xuất phim Leon Lee. (Ảnh: Vimeo)

Đạo diễn Leon Lee sinh ra tại Trung Quốc và hiện đang sống tại Canada. Anh có mối quan tâm đặc biệt tới những câu chuyện Trung Quốc thời hiện đại “không được nhắc đến” tại chính quê hương của mình. Ngay khi đọc được tin tức về bức thư giấu trong hộp quà, anh Lee đã liên lạc với cô Julie để bắt đầu cho ý tưởng về bộ phim mới. Nhờ sự giúp đỡ của nhóm phóng viên bất đồng quan điểm hoạt động trong mạng lưới ngầm tại Trung Quốc, anh Lee cuối cùng cũng tìm ra ông Tôn vào năm 2016.

Một cuộc gọi bí mật qua Skype đã được sắp xếp. Ông Tôn khi đó đang viết một cuốn sách kể về cuộc đời mình, nhưng ông cảm thấy một bộ phim sẽ có sức lan tỏa lớn hơn, sẽ có nhiều người hơn nữa biết về cuộc bức hại và những tra tấn tàn khốc mà nhiều người vô tội đang phải gánh chịu trong các trại cải tạo lao động ở Trung Quốc. Nhưng ông Tôn chưa bao giờ sản xuất phim, thậm chí ông không biết cách vận hành một chiếc máy quay. Còn anh Lee lại không thể quay trở lại Trung Quốc sau hàng loạt bộ phim có nội dung vạch trần tội ác của chính quyền quốc gia này. Rất khó để có một cơ hội gặp mặt giữa Lee và ông Tôn, vậy nhưng họ đã có một cách làm việc rất đặc biệt.

Thông qua Skype, anh Lee hướng dẫn ông Tôn cách làm phim, anh nói với ông về các loại thiết bị cần mua và chỉ dẫn ông cách tìm đối tác cho dự án. Ông Tôn gửi một cảnh phim nén thông qua một tài khoản drop-box mật tới Lee, anh ấy sẽ kiểm tra và phản hồi lại. Những cảnh quay nén được gửi thông qua một hệ thống ngầm trên một ổ đĩa cứng đã được mã hóa định kỳ. Mỗi lần đạo diễn Lee nhận được tài liệu, ông Tôn sẽ gửi đi một mật mã. “Nó được thiết lập theo cách nếu tôi nhập sai mật khẩu, ổ cứng sẽ bị khóa vĩnh viễn và tất cả các cảnh quay đều biến mất”, anh Lee kể lại.

Ông Tôn Nghị tại Bắc Kinh. (Ảnh: NVCC)

Bằng cách này, ông Tôn và người đồng sự giấu tên đã ghi lại câu chuyện cuộc đời đầy xúc động của ông, kể từ khi ông theo tập Pháp Luân Công – một môn khí công thuộc trường phái Phật gia phổ biến tại Trung Quốc trong những năm 1990. Tính đến năm 1999, ước tính có khoảng 70-100 triệu học viên theo tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Chứng kiến sự phát triển vượt bậc và lòng yêu mến mà người dân dành cho Pháp Luân Công, môn khí công có số học viên vượt quá số lượng đảng viên (khi đó khoảng 60 triệu), cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công kể từ tháng 7 năm 1999. 

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Hàng chục ngàn học viên theo tập Pháp Luân Công đã bị bắt giữ phi pháp và tra tấn tàn bạo trong các trại cải tạo lao động, trong đó có cả ông Tôn Nghị – một nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ Viện Công nghệ Đại Liên. Bộ phim kể lại những áp bức và tra tấn mà ông Tôn phải chịu trong suốt hai năm rưỡi bị giam trong tù và kế hoạch mạo hiểm viết 20 lá thư cầu cứu giấu trong hộp quà Halloween – những món đồ chơi mà ông hy vọng sẽ giúp ông mang thông điệp cầu cứu đến mảnh đất tự do phương Tây, vì trên bao bì có những dòng chữ tiếng Anh.

Vào thời điểm bức thư được đăng trên hàng loạt các tờ báo, ông Tôn đã được thả ra. Sau đó, ông trốn khỏi Trung Quốc tới Jakarta và xin tị nạn. Cuối cùng, ông Tôn và Lee đã gặp nhau ngoài đời thật.

Ông Tôn Nghị (trái) và đạo diễn Leon Lee (phải) gặp nhau ngoài đời thật sau hơn 1 năm cộng tác. (Ảnh: Theglobeandmail)

Chia sẻ về lần đầu tiên gặp người đàn ông mà mình đã cùng làm việc hơn một năm trời, đạo diễn Lee nhớ lại: “Trong suốt quãng thời gian trước đó, tôi liên lạc với ông ấy thường xuyên hơn, ông ấy thật sự như một người bạn cũ lâu năm. Nhưng khi gặp ông ấy, tôi đã tự hỏi làm sao một người đàn ông lịch thiệp và điềm tĩnh như ông ấy lại có được dũng khí mạnh mẽ đến vậy?”

Bức thư từ Mã Tam Gia tái hiện cuộc phỏng vấn giữa ông Tôn và 2 người cai ngục giấu tên tại trại cải tạo lao động đã bắt giữ ông. Trong khi anh Lee lo lắng về sự an toàn của họ, ông Tôn đã trấn an anh rằng: “Điều này không chỉ giúp ích cho bộ phim mà còn giúp cả những người cai ngục đó nữa”, anh Lee kể lại. “Bởi vì, ông ấy biết họ đã hối hận như thế nào. Thật không ngờ hóa ra đó là sự thật, ông ấy đã kể với tôi về cuộc phỏng vấn, họ cảm thấy rất nhẹ nhõm. Đó là lần đầu tiên trong đời họ làm điều gì đó đúng đắn”.

“Thư từ Mã Tam Gia” – Lá thư của hy vọng 

Ông Tôn Nghị, người viết lá thư cầu cứu, gặp cô Julie Keith tại Jakarta, Indonesia (Ảnh: Julie Keith / Facebook)

Đạo diễn Leon Lee chia sẻ rằng nội lực kinh tế Trung Quốc đã gây ra những trở ngại rất lớn cho anh trong việc quảng bá các bộ phim của mình: “Hiện nay, nhiều nhà phân phối và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này phụ thuộc vào Trung Quốc, vì đó là một thị trường rộng lớn, có rất nhiều người đã bày tỏ với tôi rằng họ rất yêu thích bộ phim, nhưng họ không thể phát hành nó”.

Khó khăn là vậy nhưng đạo diễn Lee vẫn giữ niềm hy vọng mạnh mẽ, rằng “Thư từ Mã Tam Gia” sẽ được đón nhận rộng rãi, và thông điệp mà bộ phim truyền tải sẽ chạm tới trái tim nhiều người hơn nữa.

“Tôn Nghị đã viết 20 bức thư, đây mới chỉ là người đầu tiên nói lên sự thật. Nếu Julie từ bỏ hoặc không thật sự quan tâm, thì có lẽ đã không có chuyện gì xảy ra. Hàng chục ngàn người… có thể vẫn đang bị giam giữ trong các trại cải tạo lao động trên khắp Trung Quốc. Tôi đoán những gì tôi cố gắng biểu đạt trong bộ phim là nếu một người phụ nữ thông qua hành động nhỏ của mình có thể làm được điều này, thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu có nhiều người hơn nữa cùng đứng lên và làm như cô ấy?”, anh nói.

Hy vọng rằng, bài học từ sau câu chuyện chấn động của Tôn Nghị sẽ trở thành nguồn cảm hứng khuyến khích mọi người hành động trước những việc mà chúng ta cảm thấy bất công… Từ sau câu chuyện này, chúng ta biết rằng ai cũng có thể làm được điều nào đó và bạn không bao giờ biết được nó có thể dẫn tới điều gì… 

Phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” đã được lựa chọn trình chiếu tại Liên hoan Phim Quốc tế Châu Á tại Hoa Kỳ (Asian American International Film Festival – AAIFF) vào ngày 28/7 và được đón nhận nồng nhiệt, nhiều khán giả cho biết bộ phim khiến họ xúc động sâu sắc.

Cô Ghina Al-Shdaifat, sau khi xem phim đã nói rằng: “Tôi nghĩ bộ phim này đã thay đổi cuộc đời tôi cũng như cách tôi nhìn thế giới. Giống như những gì Julie Keith đã nói trong bộ phim này, chúng ta không thể cứ sống mà chỉ biết đến riêng mình. Một bức thư có thể thay đổi thế giới một cách hiệu quả và khích lệ tôi hành động nhiều hơn nữa. Chúng ta cùng sống trên thế giới này và chúng ta cần phải hỗ trợ nhau”.

Hiệu ứng cánh bướm và niềm tin vào chính nghĩa

Trong lý thuyết hỗn loạn, nhà khí tượng học Edward Norton Lorenz nói rằng: “Một cái đập cánh của con bướm ở Brasil có thể gây ra trận lốc xoáy ở Texas”. Theo đó, khởi đầu của cái đập cánh của con bướm có thể kéo theo hàng loạt chuỗi sự kiện liên tiếp dẫn đến sự thay đổi của nhiệt độ, sức gió và gây ra trận lốc xoáy ở Texas, cách xa con bướm cả mấy ngàn cây số. Ngày nay, hiệu ứng cánh bướm không chỉ được ứng dụng trong khoa học mà còn được áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế, âm nhạc, nghệ thuật… Người ta tin rằng, bất cứ chuyện gì xảy ra đều không hề ngẫu nhiên và không có việc nào là nhỏ bé, mỗi hành động đều có thể ảnh hưởng rất lớn đến tương lai làm thay đổi lịch sử và vận mệnh của mỗi người.  

“Một cái đập cánh bướm ở Brasil có thể gây ra trận lốc xoáy ở Texas”. (Ảnh: Twitter)

Thay vì việc bỏ qua lá thư chỉ bằng một hành động nhỏ, Julie đã biến nó trở thành làn sóng truyền thông lan tỏa khắp thế giới, gây tác động mạnh mẽ làm thay đổi lịch sử Trung Quốc. Kết quả của nó là tự do của ông Tôn Nghị và hàng ngàn người đang chịu áp bức phi pháp. Hy vọng câu chuyện sẽ là nguồn sức mạnh tiếp cho bạn thêm tin rằng bạn có khả năng làm những điều vĩ đại hơn bạn tưởng. 

Thư từ Mã Tam Gia được chiếu tại các rạp ở Hoa Kỳ vào đầu tháng 9. Bộ phim đã được công chiếu tại Hot Docs, liên hoan phim tài liệu lớn nhất Bắc Mỹ vào đầu năm nay, và được khán giả bình chọn là một trong 20 bộ phim hàng đầu được yêu thích nhất trong tổng số 247 phim tham dự.

Trailer quảng cáo phim “Letter from Masanjia” tại New York, Mỹ hồi đầu tháng 9

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Hồng Tâm