Nhiều người cảm thấy thoải mái mỗi khi bẻ khớp ngón tay và tiếng kêu phát ra càng to thì càng thích. Tuy nhiên, ít ai giải thích được vì sao lại có tiếng kêu ấy, thậm chí đây còn là đề tài gây tranh cãi trong giới khoa học hàng chục năm qua.
Dựa trên mô hình toán học của khớp đốt ngón tay, người ta đã đoán ra nguyên do của tiếng kêu “bí ẩn” ấy. Trong các khớp ngón tay chứa đầy chất lỏng gọi là hoạt dịch. Tại nơi giao nhau giữa 2 đốt xương là hoạt dịch để cho chúng không cọ sát vào nhau. Bên trong chất hoạt dịch có chứa khí và chiếm lượng lớn là carbon dioxide. Tuy nhiên, khi xương của các đốt bị kéo ra xa nhau, áp suất của vùng giữa các khớp giảm đột ngột. Ở điều kiện áp suất thấp, khí dễ hợp lại với nhau và hình thành nên những bong bóng. Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng những bóng khí này nếu gặp áp lực sẽ bị nổ và tạo nên âm thanh khi ngón tay được bẻ đốt.
Tuy nhiên đến năm 2015, Greg Kawchuk đến từ Đại học Alberta và các cộng sự của ông đã dùng máy quét MRI để ghi lại xem những gì đã xảy ra bên trong ngón tay của các tình nguyện viên có thói quen hay bẻ đốt ngón tay. Với những gì quan sát được, nhóm chuyên gia lúc bấy giờ kết luận chính sự thay đổi hình dạng của những bóng khí vốn đã tồn tại từ trước đã sản sinh áp suất, từ đó tạo nên âm thanh. Điều mà họ vẫn còn băn khoăn là không biết liệu áp suất đó có đủ lớn để tạo ra vết nứt nào hay không. Abdul Barakat, giáo sư cơ sinh học đến từ Viện École Polytechnique và người cộng sự là Vineeth Suja đã tạo ra một mô hình toán học đơn giản của các khớp với một loạt các bóng khí có bên trong chất hoạt dịch. Sau đó, các chuyên gia cho chạy mô hình này dưới dạng mô phỏng và so sánh âm thanh bóng khí bị biến dạng được tạo ra từ mô hình này với các đoạn ghi âm tiếng bẻ khớp ngón tay của những tình nguyện viên. Kết quả cho thấy âm lượng và cả tần số của cả 2 rất khớp với nhau, ngay khi bóng khí chỉ co lại thay vì nổ. “Bóng khí không cần nổ cũng có thể tạo ra âm thanh. Nó chỉ cần bị ép khoảng 30-40% là tạo ra tiếng ‘rắc rắc’ đó”, tiến sĩ Barakat nói. Kết quả này một lần nữa bổ sung thêm mức độ tin cậy cho công trình của tiến sĩ Kawchuk.
Thông thường, phải sau 25-30 phút kể từ khi bẻ các khớp kêu như vậy, bạn mới có thể bẻ lại được lần nữa. Bởi, các hạt khí bong bóng này cần 1 khoảng thời gian nhất định mới hình thành trở lại như cũ – vì dịch khớp cần thời gian để bôi trơn trở lại trạng thái cũ.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bẻ khớp ngón tay sẽ làm tăng tính linh động của các khớp ngón tay. Nói cách khác, nó tác động trực tiếp vào một bó gân gần khớp tên là Golgi – chứa những dây thần kinh liên quan đến cảm giác chuyển động. Khi bẻ khớp, gân này được kích thích làm thư giãn cơ bắp xung quanh, khiến chúng ta có cảm giác “lỏng” và dễ chịu, tiếp thêm sinh lực làm việc.
Tuy nhiên, lại có câu hỏi thói quen bẻ khớp ngón tay có gây thiệt hại không? Các nhà khoa học đã chứng minh rằng nếu thực hiện động tác này thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến mô mềm xung quanh khớp và có xu hướng làm tăng sưng tay và giảm sức mạnh của bàn tay. Hệ lụy kéo theo là nó sẽ làm giảm sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mỗi khi mỏi, chỉ cần cử động khớp qua lại nhẹ nhàng đến góc độ tối đa của khớp mà vẫn chưa gây đau, chưa tạo ra tiếng lạo xạo là được. Động tác đơn giản này sẽ góp phần tăng lưu lượng máu đến mô, tạo sự dễ chịu mà vẫn tránh được hiện tượng dính khớp, tránh được vi chấn thương. Tuy nhiên, nếu thực hiện mạnh để nghe tiếng “rắc rắc” thì chẳng mấy chốc mà những ngón tay đẹp xinh sẽ bị thay thế bởi những ngón hình khúc tre với từng đốt thô kệch.
Vũ Vũ