Người dân của ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang đã quen thuộc với hình ảnh của một thầy giáo già, cầm chiếc cặp táp chầm chậm tiến vào chùa. Tuy đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng thầy Tà Phone vẫn cần mẫn đứng lớp, dạy cho lũ trẻ những con chữ của dân tộc mình, gieo vào lòng chúng tình yêu với “cội nguồn”. 

Trong một căn nhà nhỏ cạnh khuôn viên chùa Soài So, có một lớp học đặc biệt vào mỗi dịp hè về. Những đứa trẻ đến với lớp học này không học cái chữ để thi. Các em được thầy giáo dạy từng nết chữ với một mục đích duy nhất là biết đọc, biết viết để không quên mất cội nguồn của mình. 

Đó chính là lớp học tiếng Khmer của thầy giáo già Tà Phone. Quang cảnh lớp học của thầy Tà Phone thật giản dị. Không ti vi, không máy chiếu, thầy chỉ dùng đến phấn trắng, bảng đen như những lớp học trong truyền thống. Quang cảnh ấy khiến nhiều người vừa mừng rỡ, vừa suy nghĩ. 

Những nét chữ ngay ngắn quý báu của thầy Tà Phone (Ảnh: chụp màn hình)

Những dòng chữ ngay ngắn, thẳng tăm tắp của thầy Tà Phone hẳn sẽ khiến nhiều người nhớ lại lớp học ngày xưa, khi người Việt vẫn giữ tinh thần “nét chữ là nết người”. Khi ấy, thầy cô luôn lấy chính cuộc sống, cái học, cái chữ của mình để dạy cho lũ học trò. Chữ đẹp không phải để khoe; sự ngay ngắn, chỉn chu trong những dòng chữ ấy, chính là kết quả của sự rèn rũa từng chút một tính cẩn thận, tỉ mỉ của mỗi người. Những đứa trẻ của vùng quê An Giang này thật may mắn, các em không chỉ được học thêm một thứ tiếng, mà còn được học từ người thầy đáng kính ấy rất nhiều những “giá trị” quý giá vô hình. 

Thầy Tà Phone dùng phương pháp dạy học của người xưa, thầy chỉ dẫn cho cả lớp từng chút một, tuần tự. Mỗi ngày thầy cùng các em nhỏ học lấy cái chữ của dân tộc trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Dù ít, nhưng mưa dầm sẽ thấm lâu.

Thầy chỉ bảo cho các em từng chút một, mưa dầm thấm lâu (Ảnh: chụp màn hình)

Thầy còn hướng dẫn cho từng em nhỏ. Trẻ nào không biết, thầy sẽ đến tận nơi, nhìn tận vở để hiểu được cái biết của các em. Sau đó, thầy lại tận tình hướng dẫn, cho đến khi các cô bé, cậu bé hiểu bài. Khi ấy, các em sẽ liên kết được âm thanh với những con chữ, để nhận diện đúng rồi tái hiện lại. 

Không chỉ là thầy, thầy Tà Phone ở tuổi 82 của mình cũng giống như người ông của những cô cậu học trò nhỏ. Thầy không chỉ dạy cho các em cái chữ, mà còn dạy cho các em cả những điều cần biết trong cuộc sống. Việc cần lễ phép và hành xử lễ độ với mọi người xung quanh là một ví dụ. Sự dịu dàng, ân cần, ấm áp cùng những bài học dung dị, nhưng gần gũi của thầy khiến các học trò vừa thương thầy, cũng vừa ham học. 

Thầy hướng dẫn cho từng em nhỏ (Ảnh: chụp màn hình)
Bởi con chữ là nơi lưu giữ hồn dân tộc (Ảnh: chụp màn hình)

15 năm gắn bó với lớp học nhỏ, thầy Tà Phone không nhận một đồng lương nào. Với thầy, việc dạy học là một nguồn vui lớn của cuộc sống. Không chỉ vui bởi thầy vẫn còn được cống hiến khi đã về hưu. Quan trọng hơn với thầy chính là những điều mà các học trò bé nhỏ của thầy nhận được: Các con có động lực và phương tiện để giữ được “cội nguồn”. 

“Tôi chỉ mong muốn các em, các cháu biết được chữ viết. Tôi sẽ chú tâm dạy cho các em nhiều hơn nhằm giúp cho các em biết được chữ viết và biết đọc rành rẽ hơn”, thầy Tà Phone chia sẻ với báo Tuôi Trẻ.

Khi nhìn lại văn hóa Khmer, người ta càng hiểu hơn động lực mạnh mẽ của vị thầy giáo đáng kính này. Người Khmer một lòng hướng Phật và có một đời sống văn hóa tinh thần rất truyền thống. Đây dường như là một trong những tộc người bảo lưu tốt nhất truyền thống văn hóa của dân tộc mình trên dải đất hình chữ S này.

Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, những nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ vẹn nguyên trong đời sống thường ngày của người dân nơi đây. Những đứa trẻ vô cùng yêu quý những ngôi chùa, nơi chúng được thoải mái sống với tuổi thơ yên bình. Ở đó, những chiếc váy Sampot vẫn thường xuyên xuất hiện, những lễ hội vẫn là dịp thiêng liêng nhất giúp người Khmer bày tỏ lòng kính ngưỡng của mình với các vị thần và với tổ tiên. 

Chân dung người thầy giáo già, gieo chữ, gieo tính cội nguồn cho những đứa trẻ (Ảnh: Chụp màn hình)

Trong không khí văn hóa thấm nhuần Thiện tính ấy, thầy Tà Phone đang gắng sức góp một phần nhỏ bé để giúp thế hệ tiếp sau nối dài được những truyền thống quý báu của dân tộc mình. Khi các em giữ được tiếng nói, giữ được chữ viết, các em sẽ giữ trọn được sự kết nối với những điều linh thiêng nhất trong văn hóa của mình. Chính những kết nối này sẽ là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn lành và thiện cho các em. Mặt khác, nó cũng chính là hy vọng của nền văn hóa Khmer. Khi con người khắc sâu những điều đẹp lành được truyền từ đời này sang đời khác của dân tộc mình, khi họ hiểu tiếng nói, giữ được chữ viết, họ sẽ gìn giữ được những điều tốt lành ấy cho nhiều những thế hệ sau. 

Xin chân thành cảm ơn thầy Tà Phone. Tình yêu của thầy với văn hóa truyền thống Khmer, những buổi học tiếng Khmer của thầy chắc chắn đang gieo vào tâm hồn trong veo của những đứa trẻ những hạt giống đẹp, lành nhất. Để các con hiểu và trân quý những điều thuộc về nguồn cội.

Những giờ học của thầy vào mỗi dịp hè chính là một minh họa đáng quý, để những đứa trẻ hiệu được ý nghĩa của câu tục ngữ “Uống nước, nhớ nguồn”.  

Hy Văn