Để đối phó với nạn hạn hán “tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua”, Chính phủ Thái Lan đã tiến hành bổ sung các chiến dịch tạo mưa nhân tạo ở khu vực đông bắc và miền trung nước này từ ngày hôm qua (16/8). 

Theo Xinhuanet, sáu máy bay từ các đơn vị quân đội và không quân tham gia đội bay của Cục nông nghiệp hàng không và tạo mưa (DRAA) đã được huy động. Nhiệm vụ chính của những máy bay này là phát tán các chất tạo mưa tại các khu vực miền Trung, miền Đông Bắc và Bắc để giải quyết nạn hạn hán nghiêm trọng.

Tổng Giám đốc DRAA, Surasee Kittimonthon nói rằng các chiến dịch tạo mây sẽ được tiến hành cho đến cuối tháng 9 để giải quyết nạn hạn hán mà ông mô tả là “tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua”.

Ông Surasee nói: “Mặc dù hạn hán giảm nhẹ tại một số khu vực nhờ mùa mưa đã đến trong vài ngày qua, gần 200 hồ chứa, trong đó có 19 hồ lớn đang trở nên cạn kiệt và rất cần được bổ sung nước bằng cách tạo mưa nhân tạo, để có đủ nước sử dụng cho mùa này và các mùa sau.”

Ông cũng nói tất cả 11 đơn vị tạo mưa trên cả nước sẽ thực hiện các chuyến bay khi nào thời tiết tốt, vì mùa mưa sẽ sớm kết thúc.

Máy bay gây mưa nhân tạo của Thái Lan đang rải các chất tạo mưa trong không trung. (Ảnh: TTO)

Theo tờ Bernama, Chính phủ Thái Lan hồi tháng trước đã phê chuẩn kế hoạch gây mưa nhân tạo trị giá 30 triệu baht (khoảng 970.000 USD). Tất cả 11 đơn vị tạo mưa trên toàn Thái Lan sẽ thực hiện các chuyến bay gây mưa bất cứ khi nào thời tiết tốt.

Năm 1971, Chính phủ Thái Lan thành lập DRAA và kể từ đó cho đến nay cục này đã nhiều lần phối hợp với không quân để tạo ra các cơn mưa nhân tạo mỗi khi hạn hán.

Công nghệ tạo mưa nhân tạo được cố quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej cổ vũ nhiệt tình. Ông cũng chính là người sở hữu bằng sáng chế quốc tế công nghệ làm mưa kiểu Thái, phát triển từ năm 1969 và được người dân yêu quý gọi là “nhà tạo mưa Hoàng gia”.

Làm mưa nhân tạo (cloud seeding) là công nghệ thay đổi thời tiết tại các khu vực nhất định, nhằm tăng lượng mưa, giảm thiểu thiệt hại như hạn hán hay mưa đá.

Có rất nhiều cách tạo ra mưa nhân tạo được áp dụng trên thế giới. Tuy nhiên có 3 công nghệ phổ biến: tĩnh, động và hút ẩm.

Phương pháp tĩnh: phát tán các hóa chất như bạc i-ốt (AgI), Kali i-ốt (KI) hay nước đá khô (tinh thể CO2) lên mây. Các phân tử này sẽ đóng vai trò như một tâm ngưng tụ cho hơi ẩm trong mây, làm quá trình xả nước từ mây hiệu quả hơn.

Phương pháp động: nhằm mục tiêu đẩy các luồng không khí hướng thẳng lên trên, đẩy nhiều hơi nước vào mây hơn để biến thành mưa. Các tinh thể băng hình thành theo cách này nhiều gấp 100 lần phương pháp tĩnh.

Tuy nhiên nó lại phức tạp hơn, yêu cầu 11 giai đoạn riêng biệt phải hoàn thành tốt đồng thời, theo William R. Cotton, giáo sư về khoa học khí quyển, Đại học bang Colorado, Mỹ. Chỉ cần một giai đoạn gặp vấn đề, toàn bộ quá trình sẽ bị phá hỏng.

Phương pháp hút ẩm: Dùng pháo sáng hoặc thuốc nổ để phân tán muối vào phần dưới các đám mây ấm. Các hạt muối ở kích thước 0,5 – 10 micromet sẽ đóng vai trò tâm ngưng tụ, hút nước và lớn dần lên. Khi đạt tới kích thước giọt nước sẽ rơi xuống tạo thành mưa. Theo Cotton, phương pháp này rất hứa hẹn nhưng cũng đòi hỏi cần nghiên cứu thêm.

VIDEO ĐƯỢC XEM NHIỀU: Hoa Kỳ lo ngại Bắc Kinh có thể dùng quân đội dập tắt biểu tình Hồng Kông

videoinfo__video3.dkn.tv||901815c91__