Đón năm 2018 tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh sắc núi non hùng vĩ, trùng điệp, chinh phục cung đường đèo Mã Pí Lèng huyền thoại hay lạc vào phiên chợ để mua sắm, thưởng thức đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây.

Hà Giang trở thành điểm đến thu hút bởi cảnh đẹp xen lẫn núi rừng với làn mây trắng bay trên đỉnh đầu, đặc sản thơm ngon và tiếp cận với nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Cao nguyên Đồng Văn với núi non hùng vĩ (Ảnh: Tuấn Nguyễn Travel)

Điểm đến du khách không thể bỏ qua khi tới Hà Giang là Cao nguyên đá Đồng Văn (sơn nguyên Đồng Văn). Điểm du lịch này nằm trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu năm 2010. Đây là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, có nhiều danh thắng quốc gia được công nhận như Cột cờ Lũng Cú, Đèo Mã Pí Lèng, núi đôi Quản Bạ,…

Đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, nơi điểm cực Bắc của đất nước. Từ đây nhìn xuống có 2 ao nước ở hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn được gọi là “mắt rồng”, cung cấp nước cho đồng bào dân tộc sử dụng.

Dốc Pải Lủng uốn lượn với nhiều cua tay áo trước khi lên đỉnh đèo Mã Pí Lèng (Ảnh: Hachi)

Mã Pí Lèng là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, với chiều dài khoảng 20km. Đường đèo chênh vênh giữa lưng núi, đâu đó vẫn còn những bản làng nằm vắt vẻo trên cao. Với địa thế hiểm trở và cảnh quan hoang sơ hùng vĩ, đèo Mã Pí Lèng xứng đáng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam (cùng với đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ).

Đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, du khách như vỡ òa trong cảm xúc, choáng ngợp trước không gian sông núi hùng vỹ (Ảnh: Twitter)

Đến đây, bạn còn được ngắm nhìn những ngôi nhà của phố cổ Đồng Văn hay dinh thự họ Vương.

Phố cổ Đồng Văn (Ảnh: Discovery)

Thị trấn Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình từ 1.000- 1.600m so với mặt nước biển, cách Tp.Hà Giang 160km. Ở đây, khu phố và chợ cổ có lối kiến trúc hàng trăm năm tuổi mà vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm, làm du khách như trút hết mệt mỏi sau khi vượt những chặng đường dài để đến với Đồng Văn.

Khu chợ Đồng Văn (Ảnh dẫn qua: thanhniennews)

Khu chợ Đồng Văn là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc trong vùng, vì thế các phiên chợ nơi đây luôn đông đúc, nhộn nhịp như đang tổ chức lễ hội. Chợ phiên Đồng văn họp vào các Chủ Nhật hàng tuần và tối thứ 7, từng đôi trai gái người Mông, Dao, Giấy… lại đưa nhau về đây dạo chơi, thổi khèn uống rượu và hát múa; đốt lửa và quây quần bến đống lửa.

Tết Dương lịch khám phá cao nguyên đá Đồng Văn đẹp hút hồn
Món thắng dền chỉ có ở Đồng Văn (ảnh blogphuot).

Đến Đồng Văn, du khách sẽ có có hội thưởng thức những đặc sản ở vùng đất này như: Thắng cố ở cổng chợ phiên Đồng Văn, cháo ẩu tẩu, cơm lam Bắc Mê, xôi ngũ sắc,… đặc biệt là món Thắng dền.

Khoảng cách từ Hà Nội đến Hà Giang là 300km. Từ Tp.Hà Giang lên tới cao nguyên Đồng Văn khoảng 140km, du khách có thể di chuyển bằng 3 phương tiện: xe máy, ô tô hoặc xe khách. Dịp Tết Dương này, đi lên Đồng Văn lạnh tê tái, khách du lịch cần chuẩn bị thật kỹ quần áo ấm, thuốc men và đồ ăn. Do phải di chuyển trên địa hình đồi núi, nên trang bị áo gió chống thấm, chống nước, bịt tai, khẩu trang, túi sưởi, găng tay, áo mưa. Giầy thể thao tối màu, giày dép nhẹ nhàng, gọn gàng, đế mềm, bám đường tốt để đảm bảo an toàn vì cung đường sẽ phải đi bộ nhiều đất đá dễ trơn trượt.

Mỹ Duyên