Các nhà nghiên cứu của Đại học Auckland, New Zealand mới đây đã chỉ ra, bổ sung vitamin D không cải thiện được mật độ khoáng xương hoặc ngăn ngừa gãy xương ở người lớn.

Vitamin D thường được đánh giá là có tác dụng giúp xương chắc khỏe, giảm nguy cơ loãng xương, nhiều bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân sử dụng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới đây đã chứng minh, bổ sung vitamin D không thể mang lại hiệu quả như chúng ta vẫn nghĩ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancent Diabetes & Endorinology đã phân tích dữ liệu từ 81 thử nghiệm ngẫu nhiên trên 53.000 người chủ yếu là phụ nữ trên 65 tuổi.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy, vitamin D không ngăn ngừa gãy xương hoặc cải thiện được mật độ khoáng xương, dù nhiều hay ít”, Tiến sĩ Mark J. Bolland, đại học Auckland, New Zealand cho biết.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng kết luận rằng, bổ sung vitamin D rất hữu ích trong việc ngăn ngừa các tình trạng hiếm gặp như còi xương và loãng xương ở các nhóm đối tượng không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sau một khoảng thời gian dài, dẫn đến thiếu hụt vitamin D.

Tiến sĩ Bolland chia sẻ, các bác sĩ và quan chức y tế nên dừng việc khuyến khích các bệnh nhân lớn tuổi bổ sung vitamin D để ngăn ngừa loãng xương hoặc giòn xương.

Nhưng các chuyên gia khác đã đặt ra nghi vấn về sự phù hợp của những phát hiện này bởi có rất ít người tham gia có lượng vitamin D thấp trước khi uống thuốc. Chỉ có 6% các thử nghiệm của nghiên cứu Lancent được thực hiện ở các đối tượng thiếu hụt vitamin D – những người có lợi nhất từ việc bổ sung nó.

Tiến sĩ Clifford Rosen, Giáo sư tại Đại học Tufts và nhà khoa học cao cấp tại Trung tâm Y tế Maine khuyến cáo, vitamin D nên được hấp thụ từ mặt trời và thức ăn thay vì bổ sung bằng các dạng trực tiếp như thuốc và thực phẩm chức năng.

Vitamin D được tìm thấy với hàm lượng cao trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như cá ngừ, cá hồi, cá tuyết, cá thu. Ngoài ra, sữa và nước cam cũng có thể bổ sung vitamin D.

Việt Hoàng (Tổng hợp)