Viêm não mô cầu là một bệnh viêm nhiễm cấp tính. Đây là căn bệnh tuy gặp rải rác trong năm nhưng lại có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp và phát triển thành dịch. Bệnh diễn biến đặc biệt nguy hiểm bởi có thể khiến người bệnh tử vong rất nhanh trong vong 24 giờ sau khi phát hiện triệu chứng đầu tiên.

Theo Vietnamnet, ngày 13/4, một nữ bệnh nhân 15 tuổi (Ba Vì, Hà Nội) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cấp cứu trong tình trạng rất nặng: hôn mê, phải đặt nội khí quản, thở máy, xuất hiện nhiều nốt xuất huyết hoại tử. Trước đó, bệnh nhân chỉ sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ. Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm, chọc dịch não tủy và được chẩn đoán là viêm não mô cầu.

BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện cho biết, bệnh nhân được điều trị cách ly tại khoa Cấp cứu. Sau 4 ngày nằm viện, tình trạng của bệnh nhân đã khá hơn, nhưng vẫn cần theo dõi thời gian dài nữa.

Bệnh nhân xuất hiện những vết xuất huyết nhiều kích cỡ. (Ảnh: vietnam.net)

Ngay sau khi hay tin, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lập danh sách, sử dụng kháng sinh dự phòng theo dõi sức khỏe cho 14 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, đồng thời tiến hành vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B 0,5% hoạt tính tại nơi ở, nơi học tập; tư vấn mở cửa thông thoáng khí; giặt, vệ sinh chăn màn, vật dụng cá nhân…

Ngoài trường hợp trên, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cũng đang điều trị cho một bé gái 14 tháng tuổi (Đông Anh, Hà Nội), nghi mắc viêm não mô cầu.

Viêm não mô cầu là gì?

Viêm màng não não mô cầu là bệnh trên người do các vi khuẩn Neisseria meningitidis thuộc các nhóm A, B, C, Y, W – 135 gây ra. Có đến 40% người lớn mang não mô cầu trong khoang mũi họng, nhưng chỉ có một số ít người trở nên bị bệnh.

Đường lây nhiễm

Bệnh có thể xảy ra khắp nơi, rải rác quanh năm, có thể gây thành dịch vì lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Người là đối tượng trong tự nhiên duy nhất mang mầm bệnh, bao gồm người bệnh và người lành mang trùng (mang vi trùng nhưng không mắc bệnh, vi trùng thường trú ở vùng mũi họng). Thường xảy ra ở những nơi đông người, điều kiện sống chật chội, kém vệ sinh.

Tất cả mọi người ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh viêm màng não mô cầu, nhưng hay gặp nhất ở trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 5 tuổi và nhóm tuổi thanh, thiếu niên từ 14-20 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới 2 tuổi chiếm rất cao, khoảng 50%, trong khi đó ở người lớn khoảng 25%.

Triệu chứng biểu hiện

Bệnh khởi phát sốt cao, rét run, đau đầu, đau lưng, đau bụng, đau đầu chi, buồn nôn và nôn. Khi bệnh diễn biến nặng, chỉ trong vài giờ bệnh nhân sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê. Các ban xuất huyết thường xuất hiện trước tiên ở chi dưới và các điểm tỳ đè. Hình dạng vết xuất huyết có thể thay đổi, từ kích thước bằng đầu kim đến mảng xuất huyết lớn, thậm chí từng vùng xuất huyết hoại tử da.

Các vết xuất huyết đa dạng kích cỡ. (Ảnh: infonet.vn)

Viêm não mô cầu diễn biến nhanh chóng, có thể tử vong trong vòng 24 giờ

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực nội sọ, phù não gây tử vong, hay áp xe não khiến tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ cơ thể gây nhiễm trùng huyết và tử vong. Những trường hợp may mắn vượt qua có thể phải chịu di chứng nghiêm trọng như tổn thương thần kinh trung ương, cắt bỏ các chi, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.

Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp diễn tiến nhanh chóng đến suy tuần hoàn và suy hô hấp với 80% bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi phát bệnh.

Chẩn đoán và điều trị

Các bác sĩ sẽ có chỉ định chọc dò dịch não tuỷ để chẩn đoán xác định. Song song với việc đó là việc sử dụng ngay kháng sinh cho bệnh nhân và tiến hành cấy máu để xác định kháng sinh phù hợp.

Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm với kháng sinh thích hợp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và những biến chứng của bệnh lý này.

Phòng ngừa

  • Khi phát hiện ra cần nhanh chóng cách ly người bệnh, đồng thời cách ly và theo dõi những người đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
  • Luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc và không dùng chung vật dụng sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.
Cần cách ly và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. (Ảnh:giadinh.net.vn)
  • Điều trị dự phòng cho người tiếp xúc gần (là tiếp xúc với khoảng cách dưới 1 mét, trong thời gian hơn 8 giờ hay sống cùng người bệnh trong thời gian 1 tuần trước hay 1 ngày sau khi bệnh nhân phát bệnh mà chưa được dùng kháng sinh).
  • Phun hoá chất diệt ổ dịch.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

  • Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
  • Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
  • Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Yến Dương