Bệnh đái tháo đường có thể khiến vết thương chậm lành hơn. Từ đó, làm tăng nguy cơ người bệnh bị nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng sâu, viêm tuỷ xương, nhiễm trùng huyết… dẫn tới hậu quả như cắt lọc cơ, cắt cụt chi, thậm chí tử vong.

Bệnh đái tháo đường và sự chữa lành vết thương

Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường thì vết thương nhỏ, vết cắt, vết bỏng, đặc biệt ở vùng đầu chi… có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân phát triển các vết thương chậm lành hoặc không bao giờ lành, rất dễ dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể lây lan cục bộ, đến các mô và xương xung quanh, hoặc đến các khu vực xa hơn của cơ thể. Trong một số trường hợp, chúng thậm chí có thể gây tử vong.

Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, một vết thương nhỏ cũng có thể gây ra tình trạng sức khoẻ trầm trọng. (Ảnh: Pixabay)

Loét chân do đái tháo đường ảnh hưởng đến 15% những người mắc bệnh này. Ngay cả khi vết thương không bị nhiễm trùng, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của một người. Các vết cắt hoặc chấn thương ở chân có thể gây khó khăn cho việc đi lại hoặc tập thể dục. Kiểm soát tốt chỉ số đường huyết sẽ làm giảm nguy cơ vết thương chậm lành và biến chứng, bao gồm loét chân.

Tại sao bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến chữa lành vết thương?

Bệnh đái tháo đường khiến cơ thể khó kiểm soát lượng đường trong máu. Khi đường huyết vẫn ở mức cao mãn tính, nó làm suy yếu chức năng của các tế bào bạch cầu, dẫn đến việc cơ thể không thể chống lại vi khuẩn.

Căn bệnh mãn tính này, nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới việc lưu thông máu kém. Khi lưu thông chậm lại, các tế bào hồng cầu di chuyển chậm hơn. Điều này khiến cơ thể khó cung cấp chất dinh dưỡng cho vết thương hơn. Kết quả là, các vết thương chậm lành, hoặc có thể không lành lại chút nào.

Bệnh đái tháo đường cần được kiểm soát lượng đường huyết chặt chẽ để tránh trường hợp lâu lành vết thương. (Ảnh: Pixabay)

Tổn thương thần kinh là một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc chữa lành vết thương. Đường huyết không được kiểm soát có thể làm hỏng các dây thần kinh của cơ thể, điều đó có nghĩa là những người mắc bệnh đái tháo đường có thể dễ bị chấn thương ở chân mà không biết. Điều này có thể ngăn họ tìm cách điều trị và vết thương trở nên tồi tệ hơn.

Đổ mồ hôi, da khô và nứt nẻ, nhiễm trùng móng chân và tổn thường bàn chân thường gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn.

Một số phương thức mà bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến việc chữa lành vết thương, bao gồm:

  • Sản xuất hormone bị suy yếu
  • Giảm sản xuất và sửa chữa các mạch máu mới
  • Hàng rào da yếu
  • Giảm sản xuất collagen

Một số biến chứng gặp phải

  • Những bệnh nhân đái tháo đường biểu hiện chữa lành vết thương kém do ảnh hưởng tuần hoàn và thần kinh cũng có thể có các biến chứng khác. Chúng bao gồm bệnh tim, bệnh thận và các vấn đề về mắt.
  • Một vết thương không được điều trị có thể bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể lan rộng cục bộ đến cơ và xương gây ra biến chứng viêm tủy xương.
  • Nếu nhiễm trùng lan vào máu, được gọi là nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng.
  • Nhiễm trùng sâu đôi khi có thể trở nên nghiêm trọng và cần phải cắt cụt chi.

Biện pháp phòng ngừa

Các chiến lược để ngăn ngừa vết thương chậm lành do bệnh đái tháo đường bao gồm quản lý đường huyết, chăm sóc chân đúng cách và điều trị vết thương kịp thời.

Có thể massage chân hằng ngày để máu được lưu thông tốt hơn. (Ảnh: Pixabay)

Chăm sóc chân đúng cách bao gồm:

  • Rửa chân hàng ngày
  • Vỗ khô, massage chân và thoa kem dưỡng ẩm
  • Tránh đi chân trần
  • Cắt tỉa móng chân cẩn thận
  • Mang giày thoải mái, không mang giày chật.
  • Kiểm tra bàn chân và vệ sinh bên trong giày hàng ngày
  • Cần kiểm tra chân mỗi lần khám bệnh định kỳ

Những người mắc bệnh đái tháo đường nên theo dõi cẩn thận vết thương. Mặc dù vết thương đái tháo đường lành chậm là bình thường, nhưng nếu chúng vẫn không tiến triển tốt trong vài tuần, lan rộng, rỉ nước, hoặc cực kỳ đau đớn thì nên gặp chuyên gia y tế ngay. Nếu áp dụng tốt các biện pháp phòng ngừa sẽ ít có khả năng bị các vết thương nghiêm trọng không lành.

Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 phải dùng insulin suốt đời. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nhiều lựa chọn hơn để kiểm soát đường huyết của họ, bao gồm một số loại thuốc chống tiểu đường và insulin.

Cả hai loại bệnh tiểu đường đều hưởng lợi từ chế độ ăn kiểm soát carb. Trong trường hợp mắc bệnh đái tháo đường type 2, các can thiệp lối sống, như chế độ ăn uống, tập thể dục và giảm cân, có thể cải thiện đáng kể lượng đường trong máu và thậm chí có thể cho phép một người quản lý bệnh đái tháo đường mà không cần dùng thuốc.

Lưu ý

  • Một vết thương không lành có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng. Như vậy cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
  • Những người mắc bệnh đái tháo đường nên liên hệ ngay với bác sĩ khi xuất hiện vết thương nghiêm trọng, đau đớn, hoặc nếu vết thương có vẻ bị nhiễm trùng, gây sốt, không lành sau vài ngày.
  • Kết hợp điều trị bằng kháng sinh tích cực, làm sạch vết thương, điều trị phẫu thuật để loại bỏ mô chết và kiểm soát glucose tốt hơn có thể giúp ích. Nếu vết thương không đáp ứng với điều trị, chẳng hạn như loét bàn chân đái tháo đường nặng hoặc rộng, có thể phải cắt cụt chi.

Duy Anh
Theo MedicalNewsToday