Sau khi dùng Hilan kit điều trị dạ dày, bệnh nhân  Mai Thị L. (34 tuổi, Tuyên Quang) bị sốc phản vệ, sưng phù, chân tay co quắp, tím tái, nguy cơ tử vong cao.

Uống thuốc đau dạ dày, người phụ nữ ở Tuyên Quang bị sưng phù mặt, chân tay co quắp
Ảnh minh họa.

Theo TTXVN, ngày 17/5, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân Mai Thị L. đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, ngày 13/5, bệnh nhân L. nhập viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng sẩn ngứa, ban đỏ, sưng nề nhiều, khó chịu do dị ứng thuốc Hilan kit (dạng uống, để điều trị bệnh dạ dày).

Bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch 1 lọ Dimedrol và 1 lọ Methylprednisolon. Sau tiêm 20 phút, tình trạng dị ứng của chị L. có chiều hướng tăng lên, sưng phù vùng mặt và môi.

Các bác sĩ tiếp tục tiêm 01 ống Dimedrol và 1/2 ống Adrenalin. 2 phút sau, bệnh nhân kêu mệt, khó chịu, chân tay co quắp, tím tái, chỉ số SpO2 tụt dần, mạch đập rời rạc, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân L. rơi vào tình trạng ngưng tuần hoàn, chỉ định ép tim liên tục, sốc điện, đặt nội khí quản, thở máy PEEP cao, tiêm thuốc vận mạch Noradrenalin, Adrenalin liều cao. Sau 1 giờ cấp cứu liên tục, mạch của bệnh nhân trở lại nhưng yếu, rời rạc, hôn mê sâu.

Trước tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, 13h ngày 13/5, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã điều chuyển bệnh nhân L. xuống bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Uống thuốc đau dạ dày, người phụ nữ ở Tuyên Quang bị sưng phù mặt, chân tay co quắp
Ảnh minh họa.

Các bác sĩ đã thực hiện tuần hoàn tim phổi nhân tạo ECMO và lọc máu liên tục. Chiều 16/5, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, có mạch trở lại, các chỉ số xét nghiệm theo chiều hướng tốt, có tín hiệu đáp ứng hệ thần kinh. Hiện, bệnh nhân phải ăn qua đường xông, sức khỏe đang dần hồi phục.

Trước đó, ngày 29/4, bà H’Nghin Niê, 54 tuổi, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Cúc (Đắk Lắk) đã tử vong do sốc phản vệ sau truyền dịch Dextro và tiêm Glucose, theo Dân Trí.

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, ăn uống, tiếp xúc nọc côn trùng…

Phòng tránh sốc phản vệ, dị ứng

– Nếu có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi bác sĩ về các loại thuốc, thực phẩm… cần hạn chế. Luôn mang theo bên mình các loại thuốc trị dị ứng.

– Khi đang tiêm, truyền, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi… báo ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và xử lý theo đúng phác đồ.

– Sau khi tiêm, truyền, nên ở lại phòng khám khoảng 15-30 phút, đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn hơn với tùy cơ địa từng người.

– Khi ăn thực phẩm lạ nên thử một lượng nhỏ theo dõi phản ứng của cơ thể.

– Cẩn trọng với côn trùng có nọc độc như rắn, nhện, ong…

H.H