Theo thống kê của WHO, tuổi thọ nhân loại đang gia tăng đáng kể, cụ thể là tăng thêm 5 năm so với đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên theo số liệu từ nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, tỷ lệ người bệnh cũng ngày càng tăng và mức độ bệnh cũng trầm trọng hơn trước đây.

Theo một thống kê lớn đăng trên tạp chí uy tín Lancet cho thấy có trên 95% dân số thế giới gặp vấn đề về sức khỏe. Trong đó ⅓ dân số (tương đương 2 – 3 tỉ người) có trên năm loại bệnh tật. Một nghiên cứu khác cho rằng chưa đầy 20 năm nữa, số người cao tuổi mắc từ bốn bệnh mãn tính trở lên sẽ tăng gấp đôi. Vậy nguyên nhân vì sao tuổi thọ nhận loại ngày càng tăng nhưng sức khoẻ lại sa sút?

Bệnh dịch hiện đại

Trong khi tuổi thọ đang gia tăng, chúng ta đang phải đối mặt với những bệnh hiện đại ở cấp độ chưa từng thấy trong quá khứ. Nếu như trước đây, các bệnh dịch lây nhiễm như dịch hạch, dịch cúm, v.v là nỗi kinh hoàng của thế giới, thì với sự ra đời của kháng sinh và nhiều biện pháp hỗ trợ, các căn bệnh này đang dần lùi về dĩ vãng.

Ảnh: Vietnammoi.vn

Nhưng nhiều căn bệnh hiện đại phức tạp lại xuất hiện, reo rắc nỗi khiếp sợ không hề kém. Đó là các bệnh mãn tính, ung thư. Các bệnh hiện đại không có tính lây nhiễm, có xu hướng không lấy ngay tính mạng người bệnh, xong có diễn biến dai dẳng, khó chữa dứt điểm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bệnh nhân. Chúng đang trở thành những “đại dịch” mới, mà trong đó rất nhiều là chưa rõ nguyên nhân.

Theo một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí tuổi già và sự già hóa ở Anh, số người cao tuổi mắc từ bốn bệnh mãn tính trở lên sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035. Nghiên cứu phát hiện ⅓ trong số này sẽ mắc bệnh mất trí, trầm cảm hay suy giảm nhận thức, và dành ⅔ thời gian cuộc đời để chung sống với những căn bệnh này. Các bệnh mãn tính có thể kể đến như bệnh tăng huyết áp, mỡ máu, viêm khớp, bệnh mạch vành, tiểu đường, bệnh thận mạn, suy tim, trầm cảm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Nghiên cứu cũng phát hiện những người có độ tuổi 65 – 74 sẽ dễ mắc thêm 2 – 3 bệnh so với thế hệ trước.

Các nhà khoa học cho rằng các yếu tố nguy cơ của bệnh hiện đại nằm ở môi trường và lối sống. Sự phát triển của nghành công nghiệp đang khiến môi trường bị ô nhiễm. So với tổ tiên, con người ngày nay tích lũy trong cơ thể nhiều chất hóa học, chất độc hại và phi tự nhiên hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó nhiều thực phẩm chế biến sẵn tuy có hương vị hấp dẫn nhưng lại không cân bằng, đồng thời chứa nhiều chất phụ gia bất lợi cho sức khỏe. Trạng thái tinh thần căng thẳng do guồng quay công việc liên tục cũng là một đặc trưng của cuộc sống hiện đại. Một nguyên nhân khác là tuổi thọ nhân loại đang ngày một gia tăng, bởi vậy số người mắc bệnh và tỷ lệ mắc bệnh cũng theo đà tăng lên.

Bệnh sạch sẽ thái quá

Bệnh tự miễn là nhóm bệnh mới nổi làm đau đầu nhiều chuyên gia. Bệnh tiểu đường loại 1 ở trẻ em gần như không bao giờ nghe đến ở đầu thế kỷ trước, nay đang có tỷ lệ 1/5000 trẻ, hay thậm chí 1/250 trẻ ở một số nơi.

Ảnh: Verywell Health

Bệnh tự miễn thực chất là hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động sai lạc, quay trở lại tấn công chính cơ thể. Nguyên nhân khiến các bệnh tự miễn xuất hiện ngày một nhiều được cho là con người đang ngày càng sạch sẽ thái quá.

Môi trường quá sạch sẽ khiến cơ thể người ít phải tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy nhiên đối với hệ miễn dịch, đây lại không phải là tin tốt. Một đội quân không được rèn luyện thường xuyên sẽ trở nên thui chột và yếu ớt, hoạt động kém hiệu quả.

Một ví dụ là vấn đề giun trong đường ruột. Với các loại thuốc tẩy giun và ăn uống vệ sinh, con người còn rất ít giun trong ruột. Tuy nhiên hóa ra giun lại có tác dụng điều hòa hệ miễn dịch. Các nhà khoa học giả thuyết rằng sự tẩy giun cho toàn dân số góp phần làm gia tăng bệnh tự miễn.

Ngày nay, những chú ngựa, gia súc, thảm cỏ, bùn đất trở nên xa lạ với trẻ em thành thị. Nhiều chuyên gia cho rằng chính vì sự tiếp xúc với môi trường quá sạch sẽ so với trước kia, khiến hệ miễn dịch trở nên rối loạn, không phân biệt được địch ta. Cuối cùng hệ miễn dịch quay trở lại tấn công chính cơ thể người và gây nên các bệnh tự miễn.

“Giả thiết của chúng tôi là khi chuyển sang môi trường siêu sạch, chỉ trong vòng 50 – 100 năm trở lại đây, đã dẫn tới sự rối loạn hệ miễn dịch”, theo Weinstock, giám đốc khoa tiêu hóa tại trung tâm y tế đại học Tufts, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Từ vài thập niên trở lại đây, kỷ nguyên kháng sinh đang dần đẩy dịch lây nhiễm lùi vào dĩ vãng. Nhưng dường như bệnh tật chưa khi nào ngừng đeo bám nhân loại. Những bệnh hiện đại xuất hiện thường không khiến người bệnh tử vong ngay, mà ngày ngày tàn phá cơ thể và làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống. Phải chăng thế hệ ngày nay đang trường thọ hơn, nhưng lại ốm yếu hơn thế hệ cha ông?

Đại Hải

Nguồn tham khảo

https://nypost.com/2018/01/26/humans-are-living-longer-but-theyre-also-getting-sicker/
https://www.sciencedaily.com/releases/2015/06/150608081753.htm
https://www.livescience.com/3537-humans-sick.html