Nói đến tướng quân Tăng Quốc Phiên triều Mãn Thanh, nhiều người không ngớt nể phục bởi ý chí và trí tuệ siêu phàm của ông, không chỉ trên chiến trường, trong chính sách đối lược, mà ngay cả trong cách dưỡng sinh hàng ngày. Ông suốt đời không ngừng thân tâm rèn luyện, vượt qua nghịch cảnh thư sinh yếu đuối… để lại danh tiếng qua nhiều thế hệ noi học theo.

Tăng Quốc Phiên là người Tương Hương, Hồ Nam, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Quốc cận đại. Ngay từ nhỏ ông đã sáng trí hiếu học, 16 tuổi đỗ tú tài, 24 tuổi đỗ cử nhân, nếm đủ “mười năm dùi mài đèn sách” gian khổ và cô đơn, học tập vất vả khiến cho ông hay thường cảm thấy “ù tai không dứt, hơi dụng công là cảm thấy mệt mỏi”. Nhưng đương thời nhờ tâm cao khí vượng, vậy nên cơ thể thư sinh đã không ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Sau đó vì đảm nhận ngày càng nhiều trọng trách, bệnh này rốt cuộc lại thành bệnh khó chữa quấy nhiễu ông cả đời.

Tháng 6 năm Đạo Quang thứ 20 (1840), Tăng Quốc Phiên từng lâm bệnh nặng, sau khi lành bệnh, trong thơ của ông có câu “Gian khổ khảo nghiệm mới giữ mình”. Trong những năm tháng sau này, ông ý thức được tầm quan trọng của việc “giữ mình” – bảo vệ sức khỏe, bắt đầu tiến hành thảo luận nghiên cứu đối với phép dưỡng sinh, dần dần đã hình thành dưỡng sinh quan của Tăng Quốc Phiên.

Dưỡng sinh quan “quân dật thần lao” của Đạo gia

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Bớt suy nghĩ, trừ phiền não, cũng gọi là quân vương nhàn hạ; thường xuyên hành bộ, gân cốt vận động, cũng gọi là thần lao”. Tăng Quốc Phiên đặc biệt tôn sùng tư tưởng dưỡng sinh của Đạo gia. Trong một bức thư tín của mình, ông có viết: “Đạo dưỡng sinh, lấy 4 chữ ‘quân dật thần lao’ làm trọng yếu”.

Con người cần chú trọng tĩnh, tiết chế dục vọng. (Ảnh: tinhhoa.net)

“Quân dật” mà ông nói chính là dưỡng tâm, trị tâm lúc này lấy 2 chữ ‘quảng đại’ làm thuốc. Tức là con người cần thanh tâm quả dục, tấm lòng rộng lớn, chú trọng “tĩnh”, “tiết chế dục vọng”, thông qua tu luyện tinh thần đạt được mục đích tu dưỡng, bảo trì trạng thái tinh thần lành mạnh, tâm lý khỏe mạnh. Đồng thời ông cũng đề xuất lấy “tĩnh” đó làm đạo dưỡng sinh.

“Thần lao” mà ông nói, tức là tứ chi của cơ thể người cần thường xuyên tập luyện, trong một trạng thái vận động nhất định, gân cốt mới có thể cường tráng, thân thể mới có thể duy trì sự khỏe mạnh. Đây là đạo dưỡng sinh “động”.

Tăng Quốc Phiên cho rằng, dưỡng sinh nên “trừng phẫn trất dục, thiểu thực đa cần”. “Trừng phẫn”, tức là tiết chế phiền não và sự tức giận phẫn nộ; “trất dục” chính là tiết chế sắc dục, dục vọng. “Thiểu thực đa cần” chính là ăn ít làm nhiều.

Ông cho rằng, người có thể chất cường tráng thì cũng giống như người giàu có, biết hạn chế xa xỉ thì sẽ ngày càng giàu có hơn; người có cơ thể hư nhược thì giống như người nghèo khó, nhờ biết tiết kiệm mà có thể từng bước cải thiện giàu có lên. “Tiết kiệm” ở đây không chỉ đơn thuần là tiết chế ở 2 phương diện “sắc và thực” này. Tuy rằng ông nhiều lần nhấn mạnh với người nhà “Học hành dưỡng cho ta tính tình cương trực”, nhưng ông cho rằng học tập cũng nên có ước thúc, không nên thái quá. Trong nhà mình, ông trong treo bức hoành phi “Dưỡng sinh dĩ thiểu não nộ vi bản” (Tạm dịch: Dưỡng sinh lấy tiết chế tức giận làm gốc), thời thời khắc khắc cảnh tỉnh bản thân.

Để có thể làm được tiết chế phiền não, ông đề xuất “Lấy chí khí làm thống lĩnh”, “Lấy tĩnh chế động”. Ông cho rằng, người mà cơ thể đang có đại bệnh thì có thể giúp họ chính là ở 2 phương diện này. Người uể oải mệt mỏi, là khí nhược. Người ý chí kiên cường, có thể căn cứ biến hóa của khí mà “tụ thần tĩnh khí”. Nếu buổi sáng ham ngủ, cần phải cố gắng thức dậy làm bản thân hưng phấn lên; Nếu không biết phải làm gì, phải ngồi ngay ngắn để tập trung tư tưởng suy nghĩ. Đây chính là điều gọi là “Lấy chí khí làm thống lĩnh”.

Lấy chí khí làm thống lĩnh. (Ảnh: Kendari Pos)

Một người bệnh lâu năm, cơ thể hư nhược, thì có nhiều ý nghĩ sợ chết, hồn mộng đều không yên. Những người này cần phải đem hết những ý nghĩ tạp niệm, nào là danh tiếng khi còn sống, sự tình sau khi chết, tất cả diệt trừ sạch sẽ, thì tự nhiên có được sự tĩnh tại điềm nhiên. Mà một khi sự bình tĩnh có dư, thì khả năng kháng bệnh sẽ tăng cường, cơ thể có thể dần dần hồi phục. Đây chính là “lấy tĩnh chế động”. Bất kể là “lấy chí khí làm thống lĩnh”, hay là “lấy tĩnh chế động”, tất cả đều chỉ là để điều dưỡng tinh thần, giúp cho người ta bảo trì trạng thái tâm lý tích cực. Phương pháp điều dưỡng này, đối với nhìn nhận của y học hiện đại thì cũng đều là khoa học, đáng để người đời sau coi trọng.

Coi trọng quan niệm dùng thuốc “điều dưỡng tự nhiên”

Tăng Quốc Phiên cho rằng, “trị thân lúc này lấy hai chữ ‘không dược’ làm thuốc”. Ông nói “không dược”, tức là bệnh rồi không nên quá tin tưởng vào thuốc. Tăng Quốc Phiên từ nhỏ chịu ảnh hưởng bởi lời răn dạy “bất tín y” của ông nội, cho rằng “thuốc tuy có lợi, nhưng hại cũng theo đó mà nhiều, không thể dùng tùy tiện”, ông phản đối động một tý là dùng đơn thuốc để trị liệu.

Vào những năm tuổi già, do ông trên phương diện chính trị là tôn sùng “vô vi”, do đó dưỡng sinh quan cũng tôn sùng “vô vi”. Trong thư gửi con trai, Tăng Quốc Phiên viết: “Con mặc dù cơ thể suy nhược nhiều bệnh, nhưng chỉ nên thanh tĩnh mà điều dưỡng, không nên trị bệnh một cách ngông cuồng”. Có thể thấy ông vô cùng chú trọng điều dưỡng tự nhiên, đây cũng có thể là do thời bấy giờ điều kiện trị liệu y tế kém, lang băm tương đối nhiều, mà làm cho con người ta giấu bệnh sợ thầy.

Dưỡng sinh quan “Cần lao tắc thọ, nhàn hạ tắc vong”

Tăng Quốc Phiên nói “Tinh thần càng dùng thì càng cao, trí huệ càng khổ thì càng sáng”. Tăng Quốc Phiên cả đời lao tâm khổ tứ, làm việc dụng tâm chăm chú và hết sức chuyên cần. Lấy cần lao để tự khích lệ, lấy khổ làm vui, ông nói: “quân tử có 3 điều vui sống”, lấy “làm việc chăm chỉ cần cù rồi nghỉ ngơi” là 1 trong 3 niềm vui ấy. Đương thời thế sự gian nan, chỉ có cần lao, mới có thể khỏe mạnh gân cốt, ma luyện ý chí, có thể vì quốc gia mà tận lực tận trung, cũng có thể giữ gìn bản thân bình an khỏe mạnh.

Làm việc chăm chỉ cần cù rồi nghỉ ngơi. (Ảnh: Lecan News)

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Thánh quân hiền tướng thời xưa, không lúc nào không dùng cần cù để khích lệ bản thân. Nghĩ cho bản thân, thì phải thao tập kỹ nghệ, ma luyện gân cốt, khắc phục khó khăn tìm tri thức, có tri thức rồi nỗ lực thực hành, thao tâm lo nghĩ, rồi có thể tăng trí huệ mà phát triển tài cán…”. Ông nhấn mạnh “Cần tắc thọ, dật tắc vong” (chuyên cần thì ắt sẽ thọ, an dật lười biếng ắt sẽ vong).

Chú trọng ẩm thực ngủ nghỉ

Tăng Quốc Phiên vô cùng chú trọng ẩm thực và ngủ nghỉ, ông thường nói: “Đạo dưỡng sinh, lấy 2 chữ “thực – miên” (ăn – ngủ)” mà dốc lòng thể nghiệm. “Thực” tức hàng ngày ăn cơm, nhưng sự vi diệu của thực cũng là vượt qua thuốc quý. “Miên” cũng không phải ngủ nhiều, nhưng cần đạt được ngủ ngon, ngủ say, ngay cả trong chốc lát thôi cũng cần giữ được phép dưỡng sinh này”.

Trong thư gửi người nhà, ông cũng dặn dò rằng: Giữ gìn thân thể cần dụng công vào 2 chữ “thực – miên (ăn ngủ). Ngủ là “dưỡng âm”, thực là “dưỡng dương” vậy. Dưỡng sinh trong ngủ nghỉ quan trong từng thời khắc nhất định, mà kiêng kỵ suy nghĩ nhiều; Dưỡng thực cũng quan trọng từng thời khắc nhất định, mà kiêng kỵ ăn quá no.

Ông nhấn mạnh ăn uống nghỉ ngơi, cần phải có quy luật, hơn nữa phải đúng giờ giấc. Tuy nói ăn cơm ngủ nghỉ chỉ là việc nhỏ trong cuộc sống thường nhật, nhưng từ góc độ dưỡng sinh mà nhìn, thì lại là đại sự, là việc trọng yếu, ảnh hưởng đối với thân tâm là rất lớn. Có thể từ trong việc nhỏ thường nhật mà tổng kết ra đạo lý lớn, đây cũng là biểu hiện làm việc dụng công của Tăng Quốc Phiên.

Quan điểm rèn luyện gân cốt cường tráng

Bắn cung tên là một việc mà Tăng Quốc Phiên đặc biệt nhấn mạnh. Trong thư gửi gia đình, vì nhìn thấy con cháu trong nhà thân thể đều suy yếu…, ông đã lấy phép dưỡng sinh để khuyên răn con cháu: Ngày ngày ăn xong đi bộ nghìn bước, hàng ngày trước khi đi ngủ rửa chân, ngày ngày thường xuyên tập bắn cung (tập luyện tốt để luyện sự uy nghi, cường gân cốt, con cháu nên tập nhiều), hàng ngày lúc sáng sớm ăn một bát cơm trắng, không ăn thức ăn.

Ảnh: Yabusame

Có thể thấy, Tăng Quốc Phiên không những chú trọng ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt, đồng thời còn rất chú trọng vận động rèn luyện. Tăng Quốc Phiên và quân Thái Bình Thiên Quốc ban đầu trong mấy năm đọ sức, lúc thắng khi bại, do trị quân quá khổ, phỉ báng vu khống quá nhiều, nghỉ ngơi quá ít, suy nghĩ quá sâu, Tăng Quốc Phiên trong tâm lý chịu áp lực cực nặng, thường xuyên mất ngủ. Trong tình hình như vậy, ông vẫn có thể cắn răng nuôi chí, “tụ thần tĩnh khí” mà làm việc, mỗi ngày kiểm điểm những sai lầm của bản thân, bao gồm kiểm điểm những hành vi không có lợi cho sức khỏe, đốc thúc bản thân chú trọng hoạt động sức khỏe.

Ông từng viết: “Hai việc ăn ngủ cân bằng và rửa chân, Tinh Cương Công thực hành hơn 40 năm, tôi cũng hơn 7 năm thực hành vậy. Gần đây thực hiện sau khi ăn đi bộ 3.000 bước, sẽ thực hành vĩnh viễn không gián đoạn”.

Như đã nói ở trên, Tăng Quốc Phiên chú trọng ăn ngủ, đồng thời ông kiên trì trước khi ngủ dùng nước ấm rửa chân, có thể giúp cho huyết dịch tuần hoàn, tiêu trừ mệt mỏi, có lợi cho giấc ngủ. Mà sau khi ăn cơm bộ hành 3.000 bước cũng khớp với đạo lý truyền thống thời cổ “sau ăn trăm bước bộ, sống qua 99 tuổi”, đều là phương pháp dưỡng sinh vô cùng khoa học.

Quan niệm dưỡng sinh trong thị hiếu (sở thích): thi ca, sách vở và đánh cờ

Tăng Quốc Phiên tổng kết: Mỗi ngày viết trăm chữ, có thể giảm bớt tính khí nóng nảy. Ông cho rằng, sau khi ăn sáng xong, nhất định phải viết chữ nửa canh giờ (1 tiếng đồng hồ), coi đó là bài tập của mình. Hễ là việc của hôm nay, nhất định hôm nay phải xong, nếu không công việc càng ngày càng tích lại nhiều, cuối cùng sẽ nhiều phiền phức như nắm tơ rối.

Ông đối với thư pháp thì luôn luôn có cảm hứng, bởi vậy đã trở thành thư pháp gia có tiếng thời Mãn Thanh. Ông không luyện chữ chỉ đơn thuần để luyện chữ, ông biến luyện chữ thành công phu bồi dưỡng lòng nhẫn nại, một loại phương pháp rèn luyện thân thể. Tăng Quốc Phiên còn đam mê chơi cờ, đánh cờ giúp ông sau muôn vàn bận rộn chốn quan trường mà có thể khuây khỏa đầu óc, thả lỏng tinh thần, hơn nữa còn giúp trấn định tinh thần trong thời khắc nguy nan.

Luyện chữ là một cách học nhẫn nại. (Ảnh: Pinterest)

Theo zhzyw.org
Liên Hoa