Nước mũi bình thường sẽ không chảy, khi chảy tức là cơ thể bạn đâu đó có chỗ không ổn. Khi này, chỉ cần thông qua màu của nước mũi bạn cũng có thể biết được ít nhiều tình trạng sức khỏe của mình.

Hầu hết chúng ta thường không chú ý tới nước mũi và vứt bỏ tờ giấy chùi mũi của mình ngay sau khi dùng. Tuy nhiên, màu nước mũi lại cho bạn biết các vấn đề sức khỏe của bản thân. Nước mũi có thành phần chính là nước, protein, kháng thể và muối hòa tan. Nước mũi ở người khỏe mạnh sẽ trong suốt. Khi cơ thể gặp tình trạng bất thường thì màu nước mũi thay đổi.

Nước mũi loãng, trong suốt

Thường thấy khi cảm cúm, phong hàn hoặc viêm mũi cấp tính, viêm mũi do dị ứng. Nếu cảm cúm, phong hàn thì niêm mạc mũi, amiđan và vách sau họng bị xung huyết (nhìn thấy đỏ). Nếu viêm mũi thì niêm mạc mũi trắng nhợt, phù, màu xám xanh.

Nước mũi lỏng trong suốt có thể báo hiệu bạn đang bị cảm phong hàn. (Ảnh: Ydvn.net)

Nước mũi trong và đặc

Nước mũi trong, đặc báo hiệu dị ứng mạn tính, ví dụ như dị ứng với bụi. Ngoài ra, mất nước cũng khiến chất nhầy của mũi đặc hơn.

Nước mũi có máu

Một chút máu trong nước mũi là điều bình thường, nhất là trong mùa đông bởi hệ thống sưởi ấm làm không khí trở nên quá khô khiến lớp màng bên trong mũi bị nứt nẻ. Tuy nhiên, nếu thường xuyên xì mũi ra máu, bạn có thể bị một khối u trong mũi hoặc xoang. Hãy gặp bác sĩ để kiểm tra.

Đừng quên quan sát nước mũi để bảo vệ sức khỏe cho mình nhé. (Ảnh: Blikk)

Nước mũi màu xanh lá cây hoặc vàng

Nước mũi thay đổi màu sắc có nghĩa là cơ thể nhiễm trùng. Thời gian nước mũi chuyển màu giúp xác định loại nhiễm trùng, ví dụ nếu kéo dài 3 – 4 ngày cho thấy virus đang tấn công cơ thể bạn.

Trường hợp màu sắc bất thường tồn tại hơn một tuần hoặc nước mũi đổi màu sang cam, nâu, nhiều khả năng bạn đã bị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Nước mũi dính, có mùi, chuyển màu

Nước mũi của những người mắc bệnh viêm xoang mạn tính thường rất đặc, dính như keo, chuyển màu (xanh hoặc vàng), thậm chí có mùi khó chịu. Bệnh mạn tính có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng tại một thời điểm, khiến xoang sưng và đau đi kèm ho nặng. Nếu bạn bị nhầy mũi bất thường, không thể cải thiện theo thời gian hay với thuốc kháng sinh, hãy đi khám bác sĩ tai mũi họng để xác định nguyên nhân chính xác.

Chi Mai