Một cuộc triển lãm kì lạ từng được mở trên đảo Coney, những khách hàng phải bỏ tiền mua vé để chiêm ngưỡng những lồng ấp của những đứa trẻ sinh non. Những đứa trẻ sinh non yếu ớt và ít hy vọng sống sót đã được vị tiến sĩ Martin Arthur Couney cứu sống.

Năm 1903, một cuộc triển mới được mở trên đảo Coney. Đảo Coney là sân chơi mùa hè của người dân New York, nơi đây là “ngôi nhà” của những người nuốt kiếm, các trò bắn súng, cuộc thi động vật, những chương trình quái dị, và những trò chơi nhào lộn thót tim.

Nhưng có một cuộc triển lãm kỳ lạ và được yêu thích ở đây: triển lãm trẻ sinh non còn sống trong những lồng ấp, và công chúng phải trả tiền để được vào xem những đứa trẻ được “ấp” này. Bên ngoài, có một người đứng rao: “Hãy đến đây, các quý ông và quý bà. Có lẽ vị tổng thống tương lai đang ở trong đó!”

Chủ của cuộc triển lãm này là Tiến sĩ Martin Arthur Couney. Và trong 40 năm tiếp theo, mặc dù nhiều điểm tham quan khác nổi lên rồi biến mất, nhưng ông vẫn duy trì phòng triển lãm trẻ sơ sinh trên đảo Coney và ở thành phố Atlantic, New Jersey.

Ông cũng tổ chức các buổi triển lãm ở các hội chợ lớn trên thế giới, bao gồm các hội chợ ở Chicago, New York, San Francisco, Buffalo và Omaha. Hơn nữa, ông còn có buổi triển lãm phụ trong các công viên giải trí ở Minneapolis, Denver, Chicago và các thành phố khác.

Thời gian trôi đi, danh tiếng về ông ngày càng lớn, nhưng Martin Couney đã lặng lẽ tiêu hủy các thông tin về thân thế của mình. Ông nói mình sinh ra ở Alsace, lấy bằng y khoa ở Liepzig và Berlin, và được bảo hộ bởi một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng thế giới đã qua đời, Pierre Constant Budin. Ông nói, Tiến sĩ Budin là người đầu tiên đưa ông đến triển lãm trẻ sinh non tại Triển lãm Công nghiệp Berlin năm 1896.

Triển lãm lồng ấp này được đặt tên là Kinderbrutanstalt (nghĩa đen là lồng ấp trẻ em) – và trước khi đi vào hoạt động, nó đã truyền cảm hứng cho các bài hát của Drinking Hall ở Đức. Mục đích của triển lãm là giới thiệu lồng ấp trẻ sơ sinh mới được phát minh, và nó đã thành công vang dội. Nhưng lý do chính xác tại sao Martin Couney rời Châu Âu để đến Mỹ là điều chưa bao giờ được nhắc đến.

Đảo Coney vào khoảng 1899-1900. (Ảnh: Dawn Raffel).

Thật ra, Tiến sĩ Martin Couney đã làm giả hầu như tất cả mọi thứ về bản thân, bao gồm cả tước hiệu, tên, họ. Ông sinh ra tên là Michael Cohn ở Krotoschin, Phổ (nay là Ba Lan), và thầm lặng đến New York lúc 18 tuổi.

Đúng là có một “lồng ấp trẻ em” tại triển lãm công nghiệp Berlin – nhưng Tiến sĩ Martin Couney trong tương lai chẳng liên quan gì đến nó cả. (Không, phải nói là không liên quan gì đến Tiến sĩ Pierre Budin, bởi chương trình của ông gắn với một kỹ sư người Pháp tên là Alexandre Lion.)

Nhưng ở Mỹ, Martin Couney có thể kinh doanh thuận lợi bởi vì ông đã đi trước các cơ sở y tế nhiều thập kỷ.

Kinh doanh triển lãm để cứu sống những đứa trẻ sinh non

Mặc dù thiếu đào tạo về y tế, ông vẫn biết cách làm sao để những đứa trẻ sinh non sống sót. Ông đã dùng loại máy ấp mà Alexandre Lion trưng bày ở Berlin, trong khi các bệnh viện ở Mỹ phần lớn từ chối dùng. Ông thuê “trợ lý”, những người được cấp phép hành nghề y khoa, những y tá có tay nghề cao, giữ cho cơ sở không bị nhiễm trùng – điều mà vào thời điểm đó các bệnh viện không làm được.

Kết quả là, trong những năm đầu của thế kỷ 20, chương trình của ông đã cứu được những đứa trẻ sinh non chỉ nặng 1-1.3 kg, những đối tượng mà bác sĩ không thấy có hy vọng. Ông chăm sóc trẻ sơ sinh từ mọi nguồn gốc, chủng tộc, và không bao giờ tính tiền cha mẹ chúng một xu, tiền chăm sóc những đứa trẻ được kiếm bằng cách thu tiền vé tham quan. Đây là điều may mắn đối với các gia đình nghèo, nhưng có những gia đình giàu cũng đã gửi con tới đó – vì họ không thể tìm ra nơi nào chăm sóc tốt hơn vậy.

Với tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh, những em bé sinh non không nhận được nhiều sự quan tâm. Những bác sĩ có tâm ở khu vực New York và thành phố Atlantic thường khuyên các bậc phụ huynh gửi trẻ sơ sinh của họ đến triển lãm của Martin Couney vì đó là hy vọng duy nhất.

Martin Couney hay nói rằng ông đã “tuyên truyền vì trẻ sinh non”, cho công chúng thấy những đứa trẻ này có thể được cứu, ông không ngừng nói chuyện và chiêu đãi các bác sĩ với hy vọng thuyết phục họ.

Triển lãm nhà nuôi trẻ sinh non tại Công viên giải trí White City của Chicago, 1905. Vào khoảng thời gian này, ông đã gặp bác sĩ Julius Hess (ảnh: Dawn Raffel).

Ông rất lôi cuốn, thân thiện và sành điệu, ông luôn sẵn sàng thanh toán bất kỳ hóa đơn nào. Nhưng những ý tưởng của ông sẽ không thể thành hiện thực nếu không nhờ vào tình bạn của ông với một bác sĩ ở Chicago tên là Julius Hess.

Tiến sĩ Hess có mọi thứ mà Martin Couney không có, với vẻ ngoài trịnh trọng, oai nghiêm, các bằng cấp chứng nhận và các kết quả lâm sàng đăng trong các tạp chí y khoa. Trong sự nghiệp của mình, Tiến sĩ Hess đã được truyền cảm hứng từ Martin Couney để nỗ lực cho việc chăm sóc trẻ sinh non, và ông cũng dành cả cuộc đời mình để theo đuổi lý tưởng này.

Năm 1933 và 1934, hai người bạn đã hợp tác tại Hội chợ Thế giới Chicago để chứng minh cho cả nước thấy trẻ sinh non có thể và nên được cứu giúp. Với sự ủng hộ của ủy viên y tế thành phố và biên tập viên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, họ đưa tin ở khắp mọi nơi. Năm sau, Chicago trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ có chính sách y tế chăm sóc toàn diện cho trẻ sinh non; và cuối cùng, Chicago là mô hình tiêu biểu cho cả đất nước.

Martin Couney vào năm 1941, đang ôm một em bé được sinh ra nặng 0.7 kg. Em bé đó, Beth Allen, vẫn còn sống và khỏe mạnh cho tới hôm nay (ảnh: Dawn Raffel).

Câu chuyện của Martin Couney có một kết thúc buồn vui lẫn lộn. Trong suốt cuộc đời mình, người đàn ông này đã có nhiều trải nghiệm phong phú; ông sống trong một ngôi nhà xinh đẹp bên bờ biển, đi khắp thế giới, và ăn tối ở những nơi nổi tiếng nhất.

Hội chợ thế giới 1939-1940 của New York là nỗ lực cuối cùng của ông. Thời điểm đó, ông đã 70 tuổi và góa vợ, ông dự định kết thúc sự nghiệp của mình một cách vang dội.

Thật không may vì mọi thứ không như dự tính, cuộc triển lãm đã bị phá sản hoàn toàn. Ông qua đời vào năm 1950, không một xu dính túi và gần như đã bị lãng quên.

Beth Allen, 78 tuổi, từng sinh non ba tháng, chia sẻ những bức ảnh chụp khi còn bé tại gian trưng bày của Martin Couney (ảnh: Aiken Standard).

Một cái kết khác có hậu là trong suốt sự nghiệp của mình, Martin Couney đã cứu mạng 6.500 đến 7.000 đứa trẻ. Một số vẫn còn sống cho tới giờ.

Ông là người cha hợp pháp của trẻ sơ sinh Mỹ – một thương gia ranh mãnh và là một vị cứu tinh; một người ngoài cuộc dũng cảm và táo bạo, người yêu sự sống và làm được những điều các bác sĩ không thể làm.

Biên tập từ bản dịch của Tinh Hoa (nguồn The Vintage News)