Từ 6 – 9 tháng tuổi là một giai đoạn mới trong chế độ ăn của trẻ. Ba mẹ có thể cho bé tham gia bữa ăn cùng với gia đình trên chiếc ghế cao của mình. Điều này làm cho bé thấy gần gũi với các thành viên trong gia đình hơn. Trong tháng này, bạn bắt đầu kết hợp cho bé ăn hải sản, chất béo theo cách nào? Những gợi ý dưới đây từ các bác sĩ Nhi khoa Sylvie Hubinois và Alain Bocquet từ Afpa sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

1. Các loại thực phẩm có thể cho bé ăn khi 7 tháng tuổi

  • Phô mai tiệt trùng: Đối với tất cả các loại phô mai khác, hãy đợi trẻ được 1 tuổi.
  • Hải sản nấu chín: Điều quan trọng là phải cho bé ăn càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ dị ứng sau này.
  • Các loại hạt (quả óc chó, quả phỉ, đậu phộng, v.v.) ở dạng hỗn hợp mịn trong bánh quy hoặc món tráng miệng.
  • Dầu ăn để bổ sung lượng omega 3 và 6, lượng omega 6 gấp 6 lần so với omega 3, nhưng không vượt quá mức đó. Thừa omega 6 có thể dẫn đến tăng nguy cơ béo phì và các bệnh chuyển hóa. Nên tránh dầu hướng dương chỉ chứa omega 6. Chọn dầu hạt cải, dầu của quả óc chó hoặc thậm chí dầu đậu nành. Dầu ô liu có hương vị ngon nhưng mang lại rất ít omega 3 và 6.
  • Bơ và kem đôi khi có thể thay thế dầu trong bữa ăn của bé. Tuy nhiên ba mẹ hãy cẩn thận, phải là bơ tươi (làm ấm) nhưng không nấu chín và kem tươi cũng vậy. Trong thực tế, các loại thực phẩm này khi đun nóng nhiệt độ cao sẽ bị chuyển hóa thành axit béo, có hại cho hệ tim mạch.

2. Bốn bữa ăn cho bé

Trẻ ở tháng thứ 7 đã được ăn chế độ ăn giai đoạn 2. (Ảnh: Pinterest)
  • Buổi sáng: Một chai 250 ml sữa (giai đoạn 2) với ngũ cốc (giai đoạn 2). Trong tháng này, bạn có thể tích hợp ngũ cốc chứa gluten cho trẻ.
  • Ăn trưa: Một loại rau củ (cho ăn bằng thìa). Bạn có thể thêm một chút bơ hoặc chút dầu ăn. Bạn hãy thêm vào bữa ăn của bé với 10 g protein thịt hấp (thịt, cá, hải sản, trứng). Cho bé tráng miệng bằng trái cây nghiền hoặc một miếng pho mát nhỏ.
  • Ăn xế (khoảng 16 giờ): Một loại thức ăn từ sữa và một loại trái cây nghiền. Bạn có thể thêm vào nửa chai sữa (giai đoạn 2).
  • Bữa tối: Một chai 250 ml sữa (giai đoạn 2) với ngũ cốc (giai đoạn 2). Nếu bạn vẫn đang cho con bú, hãy thay chai sữa công thức bằng bú mẹ.

Có thể cho bé uống nước giữa các lần bú sữa và các bữa ăn. Nước trái cây không cần thiết bởi vì chứa quá nhiều đường. Không cần phải lo lắng về lượng vitamin C, trong sữa mẹ và sữa công thức đã có vitamin C. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn có thể thêm nước ép của một trái cây có múi như cam, bưởi…

3. Tầm quan trọng của việc tiếp nhận chất béo

Lượng chất béo là rất quan trọng tại thời điểm này. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ phân vân khi cho chất béo vào thực đơn của trẻ. Điều quan trọng là bạn biết cách bổ sung chất béo một cách có liều lượng và chọn loại có lợi cho bé. Ở trẻ em dưới 3 tuổi, nguy cơ béo phì là do dư thừa protein hơn là thừa mỡ. Chất béo cũng rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ và thần kinh. Vì vậy, bạn đừng bỏ chất béo ra khỏi thức ăn của trẻ nhé!

4. Bổ sung vitamin D

Tiếp tục bổ sung cho em bé của bạn với vitamin D. Những giọt vitamin D hàng ngày này thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể và giúp bé phát triển xương tốt.

5. Đa dạng hóa các thức ăn của trẻ

Ba mẹ có thể cho trẻ khám phá thức ăn bằng đôi tay của mình. (Ảnh: aFamily)

Thực tế, đặc biệt phổ biến ở các nước Anglo-Saxon, đứa trẻ ngay khi biết ngồi sẽ được khám phá thức ăn mà không qua giai đoạn pha trộn. Ba mẹ cho bé các món ăn hơi cứng một chút, nấu chín hoặc thức ăn tươi. Em bé có thể ăn bằng tay nếu bé thích.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ nhi khoa Alain Bocquet và Sylvie Hubinois không khuyến khích phương thức đa dạng hóa này. Họ chỉ ra rằng, đứa trẻ cần phải được hướng dẫn để khám phá các loại thực phẩm mới, theo liều lượng thích hợp. Và điều quan trọng là thiết lập một khuôn khổ cho bé có thói quen tốt trong việc ăn uống.

Theo Doctissimo Bebes
Hồng Phúc biên dịch