Đây là một trường hợp làm thay đổi quan điểm của nhiều chuyên gia về hôn mê cũng như tổn thương não. Câu chuyện này cho thấy bộ não cũng như ý thức của con người vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn đối với khoa học.

Vào một đêm đầu tiên của mùa thu năm 1984, cô gái trẻ Sarah (17 tuổi) cùng các bạn đến một quán bar để vui chơi. Một chiếc xe taxi của tài xế say rượu lao nhanh trong màn đêm và đâm Sarah khi cô đang băng qua đường.

Tiếng chuông điện thoại rung lên trong đêm tối đánh thức bố mẹ Sarah. Ông Jim – bố của Sarah vẫn nhớ cảm giác đáng sợ khi vợ đánh thức ông dậy và run rẩy nói trong nước mắt: “Chúng ta phải đến bệnh viện ngay, chuyện khủng khiếp đã xảy ra với Sarah”.

“Giấc ngủ” khó đánh thức

Dù vậy, cả hai người vẫn chưa kịp chuẩn bị cho cảnh tượng tại bệnh viện: Một cô gái trẻ bất tỉnh trên giường bệnh với gương mặt méo mó và hộp sọ biến dạng.

Ảnh: BT

“Tôi nói với cô y tá ở đó, tối nay khi nào cháu tỉnh dậy, hãy gọi tôi”, mẹ Sarah hồi tưởng, nhưng bác sỹ nói rằng “Sarah sẽ không tỉnh lại tối nay”.

Sau đó vị bác sỹ thông báo tin khủng khiếp nhất buổi tối hôm đó “Tôi rất tiếc phải thông báo rằng con gái của bà sẽ sống, sống về mặt vật lý, TUY NHIÊN…”

Rồi bác sỹ bắt đầu giải thích về tình trạng của Sarah. Đầu của Sarah bị chấn thương nặng, cô có thể tự thở, nhưng không thể cử động và không thể giao tiếp. Những tháng ngày im lặng sẽ kéo dài hàng tháng, hàng năm…

Hết thập kỷ 80, đến thập kỷ 90, Sarah vẫn tự giam mình trong thế giới của riêng cô.

“Tôi đã từ bỏ hy vọng từ lâu, lâu rồi” anh trai Sarah nhớ lại.

Điều kỳ diệu

Sau hơn 20 năm, vào một ngày tháng hai năm 2005, mẹ Sarah bất chợt nhận được cuộc điện thoại từ người y tá chăm sóc con gái, nói rằng có người muốn nói chuyện với bà.

“Xin chào, con vừa mới chết lặng đi, con không nhớ được nhiều điều sau đấy” một giọng nói vang lên từ điện thoại.

“Nói với bà ấy cháu muốn gì, nói với bà ấy cháu muốn gì”, giọng cô y tá bất chợt xen vào, “con muốn trang điểm”, vẫn là giọng nói đó.

Ngay lập tức, mẹ Sarah nhận ra mình đang nói chuyện với cô con gái đã hôn mê từ lâu.

Bà nhìn chồng, khóc nấc bên điện thoại và không tin những gì đang xảy ra. Ông vội vàng cầm lấy điện thoại nói chuyện với Sarah sau 20 năm: “Bố đây con”.

“Chào bố, con yêu bố”. Người cha già nghẹn ngào trước câu nói giản đơn nhưng chân tình của cô con gái.

Bác sĩ đánh giá quá trình hồi phục của Sarah tiến triển chậm nhưng vẫn có thể giao tiếp tỉnh táo. Sau 20 năm hôn mê, cô gái đã tỉnh lại như một điều kỳ diệu. Và kinh ngạc hơn khi Sarah tiết lộ rằng cô vẫn nghe và cảm nhận được tất cả những sự việc diễn ra xung quanh trong suốt quãng thời gian ấy.

“Sarah, 11/9 là ngày gì?”, Jim hỏi.

“Tệ lắm. Lửa… máy bay… tòa nhà cao tầng… người bị thương…”, Sarah nói.

Khi Jim nhắc đến thành phố Oklahoma, Sarah nói: “Trẻ em… đám cháy… lửa”.

Các bác sĩ trên khắp thế giới khi chứng kiến Sarah tỉnh dậy đã thay đổi cách nhìn nhận về sự hôn mê và tổn thương não. Dựa theo những hiểu biết trước đó, Sarah không thể ý thức được trong quá trình hôn mê. Rõ ràng bộ não người còn nhiều bí ẩn mà y học hiện đại chưa thể khám phá.

Những năm tiếp theo, Sarah trải qua nhiều ca phẫu thuật và thực hiện liệu pháp vật lý để phục hồi khả năng vận động. Cô luyện tập nói với một huấn luyện viên để giao tiếp tốt hơn với mọi người.

Hai tuần sau ngày sinh nhật thứ 50, Sarah qua đời. Gia đình Scatlin đau lòng nhưng vẫn cảm thấy vô cùng biết ơn vì được sống cùng với Sarah thêm một lần nữa. “Đó là khoảng thời gian vui vẻ hạnh phúc nhất của chúng tôi”, Jim chia sẻ.

Đại Hải
(Tổng hợp)