Kháng sinh đầu tiên được tìm ra từ những năm đầu của thế kỷ 20 như một diệu dược và đã giúp nhân loại đối phó được với nhiều vấn đề dịch bệnh nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đã nhanh chóng làm nó mất tác dụng, đồng thời tạo nên các chủng vi khuẩn nguy hiểm có thể biến đổi để chống chịu với thuốc. Con người đang thất bại trong cuộc chạy đua với vi khuẩn. Chúng ta đang phải đối mặt với cơn bão cuốn nhân loại trở lại thời kỳ tiền kháng sinh.

Kháng sinh vốn là món quà của tự nhiên

Từ thời xa xưa, con người đã biết dùng nấm mốc trên đậu phụ để đắp chữa các vết thương nhỏ. Nhiều thế kỷ trước tại Châu Âu và Châu Mỹ, người ta đã biết cách điều trị các vết lở loét, mưng mủ ở da bằng bánh mỳ, ngô đã bị mốc.

Công cuộc tìm kiếm kháng sinh khởi đầu vào những năm cuối thế kỷ 19, khi lý thuyết cho rằng: vi khuẩn và các vi sinh vật khác là nguyên nhân của nhiều bệnh tật trở nên được chấp nhận một cách rộng rãi. Như một hệ quả tất yếu, các nhà khoa học đã dành thời gian và công sức đi tìm kiếm loại thuốc diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng vô hại với cơ thể người.

Một trong những dấu hỏi lớn thời bấy giờ là liệu các vi khuẩn vô hại có thể dùng để điều trị bệnh do vi khuẩn độc hại gây nên? Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khả năng chữa bệnh của vi khuẩn. Tuy nhiên phải đến năm 1888, nhà khoa học người Đức E. de Freudenreich mới chiết xuất ra được sản phẩm thực sự có đặc tính kháng khuẩn từ một loại vi khuẩn. Kết quả từ các thử nghiệm cho thấy sản phẩm này có thể tiêu diệt vô số vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, trên lâm sàng chất kháng khuẩn này rất độc và không bền vững, do đó không thể phát triển thành thuốc.

Năm 1928 là cột mốc đánh dấu một trong những khám phá quan trọng nhất, được coi là phát hiện mở ra kỉ nguyên sử dụng kháng sinh trong y học. Khám phá này thuộc về Alexander Fleming. Khi đó ông đang thực hiện thí nghiệm nuôi cấy liên cầu khuẩn trong các hộp petri . Trong lúc kiểm tra các đĩa nuôi cấy chứa vi khuẩn, ông tình cờ phát hiện hiện tượng khác thường: nấm xuất hiện trên đĩa và phát triển thành các mảng nấm; xung quanh mảng nấm, những các con vi khuẩn đã bị tiêu diệt. Ông kết luận rằng, nấm này đã tạo 1 chất giết chết các vi khuẩn,và đặt tên chất này là penicillin.

Alexander Fleming
Alexander Fleming

Năm 1940, các bác sĩ đã bắt đầu dùng kháng sinh penicillin để điều trị nhiễm trùng huyết, viêm phổi v.v., kết quả thu được ngoài sức tưởng tượng, rất nhiều ca tưởng chừng không qua khỏi nhưng đã nhanh chóng từ cõi chết trở về. Trong Đệ Nhị Thế chiến, penicillin đã cứu rất nhiều người. Không có nó, những người bị thương, dù rất nhẹ, cũng có thể chết vì nhiễm trùng. Ở Việt Nam, trong thời chiến tranh với Pháp, GS. Đặng Văn Ngữ đã nuôi cấy nấm penicillin và dùng dung dịch nuôi cấy để chữa vết thương cho thương binh.

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 1945, penicillin mới được sản xuất đại trà và trở nên phổ biến nhờ phương pháp ủ mốc lương thực.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà khoa học lao vào nghiên cứu, tìm kiếm kháng sinh mới. Họ không nề hà tìm đến những nơi có thể coi là dơ bẩn nhất như cống rãnh, bãi rác để tìm ra loại thuốc “thần dược”, bởi họ tin rằng chỉ tìm ở nơi như vậy mới đạt được hiệu quả cao. Chính nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học, nhiều loại kháng sinh mới đã được phát hiện. Về sau người ta nghiên cứu thêm các loại kháng sinh bán tổng hợp và tổng hợp, phát triển theo chiều sâu và rộng, tạo ra nhiều loại kháng sinh khác nhau.

3908781655

Sự xuất hiện của kháng sinh đã làm thay đổi căn bản bộ mặt của y học hiện đại. Những vết thương bị nhiễm trùng trước đây từng được coi là nan y, hay căn bệnh dịch hạch từng xóa sổ đế chế La Mã hùng mạnh, cùng nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác như lao, viêm phổi, kiết lỵ, giang mai, thương hàn đều phải dừng bước trước kháng sinh. Nhờ sự ra đời của nhiều loại kháng sinh mà từ thập kỷ 1940, tuổi thọ trung bình ở phương Tây tăng từ 54 lên 75 tuổi. Kỷ nguyên kháng sinh bắt đầu từ đó. Có thể nói tự nhiên đã ban cho con người một loại “diệu dược”, đó chính là kháng sinh.

1940s_dance_party_vintage_photo

Vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện: diệu dược mất… linh

Kháng sinh cũng giống như con dao hai lưỡi. Việc “sùng bái” kháng sinh như một loại trị bách bệnh, lạm dụng trong chăn nuôi, bảo quản thực phẩm… dẫn đến hiệu quả của chúng dần bị mất đi. Không những không trị được bệnh mà còn làm nảy sinh ra nhiều vấn đề, trong đó nghiêm trọng nhất là tạo ra các chủng vi khuẩn kháng lại được với thuốc. Kháng kháng sinh thực ra là hiện tượng vi khuẩn đã tiến hóa trở nên “tinh ranh” hơn loại thuốc từng được dùng để tiêu diệt nó.

Một trong những cảnh báo đầu tiên đến từ Fleming vào năm 1945, rằng lạm dụng thuốc penicillin có thể dẫn đến chọn lọc tự nhiên ở vi khuẩn.

Năm 1946, một bệnh viện báo cáo có 14% những chủng staphylococcus phân lập từ người bệnh đề kháng với penicillin. Đến cuối thập kỷ này, một báo cáo cũng cùng bệnh viện đó cho thấy có 59% những chủng staphylococcus được nghiên cứu đã kháng thuốc.

Sau penicillin, các nhà nghiên cứu phát triển thêm nhiều kháng sinh mới, góp phần đánh bại những bệnh khác do vi khuẩn, cùng các vi khuẩn kháng thuốc.

Tuy nhiên, thời gian cầm cự diễn ra không dài. Đến thập niên 70 của thế kỷ trước, kháng kháng sinh lại thực sự trở thành mối đe dọa cho con người, vi khuẩn đã dần thắng thế trong cuộc chạy đua vũ trang.

Như vậy, kháng kháng sinh xảy đến như một hiện tượng tất yếu, có lẽ cũng là thể hiện một phần của quy luật tương sinh tương khắc trong tự nhiên vậy. Thực chất hầu hết các loại kháng sinh đều có nguồn gốc tự nhiên.

Kỷ nguyên kháng sinh đến hồi cuối?

Hơn nửa thế kỷ nằm trong tay nhân loại, kháng sinh đã không được trân trọng và chăm sóc đúng mức. Những lưỡi gươm xưa sắc bén bao nhiêu nay đã hoen gỉ bởi chính người chủ nhân của nó, góp phần tạo nên những vết mẻ do kẻ địch gây nên. Vấn đề kháng kháng sinh không phải là mới, và nay đã tiến triển đến mức độ rất nguy hiểm cho nhân loại.

Trong một cuộc phỏng vấn với PBS, một nhân viên cấp cao của CDC (Trung tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh, Hoa Kỳ), tiến sĩ Arjun Srinivasan, tuyên bố thời đại của kháng sinh đã đi đến hồi kết.

Tiến sĩ Arjun Srinivasan cho biết: “Chúng ta đang ở kỷ nguyên hậu kháng sinh, có những bệnh nhân chúng tôi không có liệu pháp điều trị nào cho họ cả, chúng ta đang ở tình huống có một bệnh nhân nằm giường bệnh bị nhiễm trùng, thậm chí năm năm trước chúng ta có thể chữa được, nhưng nay lại không thể”.

Chúng ta đã phải “khai quật” lại “độc dược” Colistin, một loại thuốc được đưa ra thị trường lần đầu năm 1952 và bị thu hồi lại, đây là loại thuốc rất độc, đặc biệt với thận và có thể khiến người dùng tử vong. Hiện nay người ta tái sử dụng thuốc này để điều trị vi khuẩn gram âm đa kháng.superbug.algorithm.antibiotics_occupycorporatism

Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục Trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y Tế cho rằng mức độ và tốc độ kháng thuốc đang ngày càng gia tăng, ở mức báo động. Tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế phải chật vật đối phó với tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng hơn, một vấn đề tuy không mới nhưng thật sự nguy hiểm và cấp bách, không những ở Việt Nam, mà trên phạm vi toàn thế giới. Thêm vào đó là các căn bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ lớn trong mô hình bệnh tật ở Việt Nam, do vậy chúng ta đang phải chịu thêm nhiều gánh nặng trong thời đại kháng sinh dần mất đi tác dụng.

Kháng kháng sinh: nguy hiểm khôn lường

Con người đang thất bại trong cuộc chạy đua với vi khuẩn. Chúng ta đang phải đối mặt với cơn bão cuốn nhân loại trở lại thời kỳ tiền kháng sinh.

Kháng sinh ban cho con người nhiều lợi ích đến đâu, thì khi ra đi nó để lại cho chúng ta bấy nhiêu khoảng trống. Những bệnh lý nhiễm trùng thông thường, nay đang dần quay trở lại thành “nan y”. Nhiều phác đồ điều trị chuẩn nay đã không còn hiệu lực.

Kháng kháng sinh làm tăng gánh nặng bệnh tật, gây tốn kém về kinh tế cho bệnh nhân. Chi phí điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn kháng thuốc có thể gấp hàng chục lần so với bình thường, kéo dài thời gian điều trị, tăng thời gian nằm viện, tăng thêm gánh nặng cho xã hội.

Tỷ lệ kháng thuốc cao làm tăng nguy cơ tử vong

Theo WHO, việc thất bại trong điều trị bằng cephalosporins thế hệ ba (thuốc điều trị cuối cùng cho bệnh lậu) đã được công nhận ở Áo, Úc, Canada, Pháp, Nhật Bản, Na Uy, Slovenia, Nam Phi, Thụy Điển và Anh. Vì thế, mỗi ngày có hơn 1 triệu người nhiễm bệnh lậu trên thế giới.

Người mắc MRSA (Staphylococcus aureus kháng methicillin) được dự đoán có nguy cơ tử vong cao hơn 64% so với người nhiễm khuẩn thể không kháng thuốc.

Mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm khoảng 130.000 người nhiễm bệnh lao, trong đó khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc, số ca tử vong vì lao mỗi năm lên tới 18.000 người.

Nguyễn Văn Kính – Viện trưởng Viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, chính tỷ lệ kháng thuốc ngày càng cao đã làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nhất là nhiễm khuẩn huyết bị thất bại dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng.

Hãy tưởng tượng khi tất cả các kháng sinh mất tác dụng hoàn toàn, nhiều căn bệnh nhiễm trùng đơn giản nay thành nan y, nhiều vết thương thậm chí dù rất nhỏ cũng có thể đe dọa tính mạng người bệnh do nhiễm trùng. Những ca phẫu thuật đơn giản sẽ trở thành cực kỳ nguy hiểm, điều trị ung thư, bệnh HIV/AIDS làm suy yếu cơ thể khiến các vi khuẩn thừa cơ gây bệnh v.v, và chúng ta không còn kháng sinh nữa!

1067349_pharmacist-should-educate-patients-not-to-demand-antibiotics-from-gp-14

Người ta ước tính đến năm 2050, kháng kháng sinh sẽ làm 300 triệu người tử vong. Theo CDC thì tại Hoa kỳ, ít nhất 25,000 người tử vong trực tiếp do nhiễm khuẩn kháng thuốc. Các chuyên gia hiện đang cảnh báo nhân loại có thể nhanh chóng đi đến thời kỳ tất cả kháng sinh đều mất hiệu lực, và một khi điều đó xảy ra, thì sẽ là hồi kết cho nền y học hiện đại chúng ta biết hiện nay.

Nếu không có các biện pháp khẩn cấp và hợp tác của các bên liên quan, thế giới sẽ đi vào kỉ nguyên “hậu kháng sinh”. Khi đó, các bệnh truyền nhiễm thông thường hoặc những chấn (vết) thương nhỏ có thể chữa khỏi trong hàng thập kỉ qua thì nay có thể gây chết người do sự kháng kháng sinh này”, Tiến sĩ Keiji Fukuda – Thư ký Tổng giám đốc trong lĩnh vực An ninh y tế (WHO) nhấn mạnh.

Vậy nguyên nhân nào khiến “diệu dược” đã dần mất đi tác dụng kỳ diệu của mình sau hơn 50 năm nằm trong bàn tay nhân loại?

Mời các bạn đón đọc kỳ 2: Vì đâu diệu dược mất “linh”

Đại Hải

Tham khảo: (Nguồn tham khảo: pbs.org, wiki, dantri, suckhoedoisong, anninhthudo)

Xem thêm: