Ngày nay, y học kĩ thuật phát triển, các nhà khoa học phát hiện ra nhiều loại bệnh tật hơn, nhu cầu dùng thuốc trị bệnh của con người cũng tăng lên. Nắm bắt được tâm lý dùng thuốc đông y lành hơn thuốc tân dược của người dân, nhiều người vì lợi nhuận, bất chấp sức khoẻ cộng đồng mà bào chế và buôn bán những loại thuốc kém chất lượng, thậm chí là độc hại.

Các cơ quan chức năng liên tục phát hiện những sai phạm về thuốc đông y kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, cùng với những bệnh phải nhập viện cấp cứu, thậm chí là tử vong do sử dụng thuốc đông y trôi nổi đã dấy lên mối lo về chất lượng loại thuốc này.

Khoảng 15h ngày 10/4, Đội Quản lý thị trường số 15, phối hợp với Đội cảnh sát môi trường và Trung tâm Y tế quận tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh tại ngõ 125 phố Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), theo GĐ&PL. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đã thu giữ tổng số khoảng 1.560 sản phẩm các loại, trị giá hơn 325 triệu đồng, bao gồm: Siro ăn ngon cho trẻ em, tinh dầu gấc, thuốc giảm mỡ bụng, thảo mộc trắng da…

Thuốc không rõ nguồn gốc. (Ảnh: baomoi.com)

Trước đó, đầu năm nay, lực lượng chức năng Hà Nội cho biết vừa thu hồi gần 10.000 sản phẩm thuốc đông y chủ yếu chữa các bệnh liên quan về xương khớp, viêm xoang… của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Ngọc Anh có địa chỉ ở huyện Hoài Đức, Hà Nội do không đủ tiêu chuẩn.

Có cầu có cung

Vì sao lại có những thuốc đông y kém chất lượng, chứa chất độc hại trôi nổi trên thị trường?

Người dân cho rằng, thuốc đông y lành tính, không bổ cái này cũng bổ cái khác. Do vậy tự ý mua thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn.

Nhiều loại thuốc được quảng cáo rầm rộ là đông y gia truyền với nhiều tác dụng hấp dẫn người bệnh.

Những nhà cung cấp gắn mác sản phẩm chức năng cho sản phẩm tiêu thụ. Bởi thực phẩm chức năng không phải là thuốc, chỉ là sản phẩm hỗ trợ sức khoẻ, lành tính, không độc hại. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng bỏ tiền mua mà không đắn đo.

Việc rao bán hàng trên online cũng khá rộng mà không có bất kì một sự kiểm soát nào từ nhà mạng và cơ quan chức năng. Dẫn tới thuốc không rõ nguồn gốc lan truyền một cách rộng rãi.

Mối nguy hại khi dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc

Một số loại thuốc đông y được bảo quản bằng asen, thuỷ ngân, phospho, lưu huỳnh… là những chất độc hại cho cơ thể. Cơ thể chỉ có thể tiếp nhận mà không đào thải ra ngoài. Do vậy khi lượng các chất này vượt khỏi ngưỡng cho phép thì cơ thể sẽ có biểu hiện ngộ độc. Theo phân tích của các bác sĩ tại Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người bệnh không phải bị dị ứng, nhiễm độc do các hoạt chất trong thuốc đông y, mà nguyên nhân trực tiếp lại do hậu quả của những hóa chất sử dụng trong quá trình bảo quản, chế biến thuốc đông y để chống ẩm mốc.

Người tiêu dùng không thể xác đinh chất được dùng trong bảo quản thuốc. (Ảnh: chuahuyetapcao.com)

Những loại thuốc tễ, thuốc hoàn, thuốc bột… được quảng cáo là đông y gia truyền có thể trộn thêm các chất của tân dược như corticoid. Đây là một loại thuốc khi được bác sĩ kê đơn sử dụng mang lại nhiều tác dụng không mong muốn, do đó luôn có sự theo dõi chặt chẽ về liều dùng và diễn biến của bệnh nhân. Tuy nhiên, thành phần này lại được tìm thấy trong thuốc đông dược trôi nổi trên thị trường như thuốc tăng cân (cơ chế của thuốc chính là giữ nước và natri tạo ra cảm giác tăng cân ảo cho người dùng, sau khi ngưng dùng lại bị sụt cân); thuốc chống thoái hoá, chữa viêm khớp (vì corticoid là một hợp chất chống viêm mạnh nên sẽ mang lại hiệu quả gần như tức thì nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng)… Với rất nhiều ‘tác dụng’ được quảng cáo, thì những thứ thuốc này mang lại những nguy cơ khôn lường. Khi dùng thuốc chứa corticoid người bệnh sẽ tích nước, gây rối loạn chuyển hóa lipid, tái phân bố mỡ tập trung vùng mặt, cổ tạo ra mặt tròn tạo cảm giác tăng cân nhưng chân tay teo, da mỏng. Nếu nạp corticoid quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương, viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, suy thận có khi còn dẫn đến đột tử.

Cẩn trọng thuốc tễ tăng cân trên thị trường. (Ảnh: kgin.com.vn)

Đã có những ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc, suy đa tạng phủ, thậm chí là mất mạng vì sử dụng thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh những ca ngộ độc thuốc đông y nặng dẫn tới tử vong vẫn còn rất nhiều bệnh nhân hiện đang phải “oằn lưng” trả viện phí để chữa trị những biến chứng nguy hiểm sau một thời gian sử dụng Đông dược gây ra.

Vậy làm thế nào bảo vệ sức khoẻ của bạn?

Trong khi các nhà chức năng vẫn đang tìm phương pháp để khắc phục thì điều đầu tiên bạn nên làm là không tự ý mua thuốc mà không được bác sĩ khám và kê đơn. Không mua thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ khi chưa có sự tham khảo với bác sĩ của bạn.

Nên khám bệnh, dùng thuốc đông y ở những nơi uy tín, được cấp phép.

Khi mua thuốc nhớ để ý bao bì nhãn mác, tên, thành phần, nơi sản xuất, thời gian sản xuất, hạn dùng…

Yến Dương