Một nửa số người trên 55 tuổi có vấn đề về giấc ngủ. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng để có giấc ngủ chất lượng hơn khi họ chỉ cần nhắm mắt lại thiền định.

Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với 49 người cao tuổi, những người này đã ngủ dễ dàng hơn sau chương trình thiền chánh niệm. Điều này có hiệu quả hơn so với chương trình giảng dạy các kỹ năng cải thiện giấc ngủ.

Theo các quan sát, trong thiền chánh niệm, việc tập trung sự chú ý và nhận thức về thời điểm hiện tại, không đánh giá hay suy nghĩ gì, có tác động tích cực không chỉ tới giấc ngủ mà còn giảm bớt sự mệt mỏi vào ban ngày và chứng trầm cảm, hai điều này thường gây nên khó ngủ vào ban đêm.

Sự mệt mỏi vào ban ngày

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tác động của thiền chánh niệm đối với chất lượng giấc ngủ là rất to lớn và vượt xa hiệu quả của chương trình dạy kỹ năng cải thiện giấc ngủ,” David S. Black, Phó giáo sư về y tế dự phòng tại Trường Y Khoa Keck thuộc Đại học Nam California, cho biết. ”Theo quan sát, thiền chánh niệm mang ý nghĩa y học quan trọng, giúp giảm thiểu các vấn đề giấc ngủ trong dân số khi mà tỉ lệ cao tuổi ngày càng tăng. Tác động của thiền là không chỉ lên giấc ngủ, mà còn tiếp tục làm giảm sự mệt mỏi vào ban ngày cũng như các triệu chứng trầm cảm.“

50% số người trên 55 tuổi gặp vấn đề về giấc ngủ, trong đó có việc ngủ gà gật vào ban ngày và thức dậy vào giữa đêm.

Theo tổ chức National Sleep Foundation, nhu cầu ngủ của người lớn tuổi không hề giảm bớt theo tuổi tác, và nhiều người già cảm thấy không thoải mái với giấc ngủ cũng như sự mệt mỏi trong suốt cả ngày.

“Theo quan sát, thiền chánh niệm làm giảm sự mệt mỏi ban ngày và những triệu chứng trầm cảm ở người lớn tuổi.”
– David S. Black, Giáo sư dự khuyết Trường Đại học Nam California.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine, các nhà nghiên cứu đã so sánh hai chương trình: Chương trình Nhận thức Thực hành Chánh niệm của trường Đại học California, Los Angeles (UCLA) trong 6 tuần, với 2 giờ một tuần giới thiệu về phương pháp thiền chánh niệm cho những người tham gia, và một chương trình kỹ năng cung cấp chiến lược cải thiện giấc ngủ, VD như thư giãn trước khi đi ngủ, theo dõi hành vi giấc ngủ và không ăn trước khi ngủ.

Nghiên cứu được tiến hành thông qua những báo cáo tự đánh giá.

Trong tương lai, nghiên cứu này sẽ tập trung vào việc kết hợp thiền chánh niệm với chương trình kỹ năng cải thiện giấc ngủ để xác định lợi ích khi kết hợp cả hai chương trình.

Viện Y tế Quốc gia, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Trung tâm Người cao tuổi Độc lập Hoa Kỳ thuộc UCLA (Đại học California tại Los Angeles), Trung tâm Chăm sóc Miễn dịch Trị liệu Tâm thần thuộc UCLA, Tổ chức từ thiện gia đình Pettit và Tổ chức từ thiện gia đình Fulotti đã gây quỹ tài trợ cho nghiên cứu này với sự đóng góp của các nhà nghiên cứu tới từ UCLA.

Nguồn: Đại học Southern California. Đăng lại từ Futurity.org theo Creative Commons License 4.0.

Biên dịch: Vũ Hương