Bão chồng bão là cách mà các chuyên gia đang dùng để nói đến tình trạng hiện tại: Bão số 5 sắp đổ bộ vào đất liền, tiếp đó sẽ là siêu bão Mangkhut. Mọi người chằng chống nhà cửa cây cối nhưng không nên quên những đồ y tế thứ thiết yếu như dưới đây.

Đối phó với những ngày mưa bão kéo dài, đôi khi cả tuần lễ thì kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình bạn cũng là việc quan trọng. Bạn mua dự phòng thực phẩm, thức ăn cho bé, nước uống, pin sạc dự phòng cho điện thoại di động, đèn pin, áo mưa, tã giấy, radio… nhưng chưa đủ.

Những thứ sau đây sẽ hữu ích cho mọi nhà:

Bộ sơ cấp cứu (First Aid Kit) bạn có thể mua ở những cửa hàng vật dụng y tế. Học cách sử dụng những dụng cụ bên trong hộp.

Tuy nhiên, nếu không có sẵn, bạn có thể chuẩn bị vài món cơ bản như sau:

Băng dán cá nhân, gạc y tế, gạc cuộn, kim gài y tế, băng keo dán y tế, dung dịch sát khuẩn như oxy già, betadine, thuốc giảm đau như Paracetamol, thuốc dị ứng.

Thuốc đủ dùng trong ít nhất là 7 ngày cho người lớn tuổi đang điều trị bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, hen phế quản, suy tim…

Hồ sơ bệnh án, sổ khám bệnh của tất cả thành viên trong gia đình. Các thông tin quan trọng về sức khỏe như tình trạng dị ứng thuốc, bệnh sử và những loại thuốc đang sử dụng… là quan trọng cho quyết định điều trị của bác sĩ khi cần thiết.

Dụng cụ bảo quản dành cho thuốc cần giữ lạnh như Insulin dạng tiêm điều trị tiểu đường. Bạn cần chuẩn bị sẵn đá đông lạnh để bảo quản thuốc trong trường hợp mất điện.

Những thiết bị điều trị như bơm tiêm insulin, máy hỗ trợ thở oxy cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, máy phun khí dung cho người bệnh hen phế quản… nên được sạc pin đầy đủ và để ở chế độ sẵn sàng.

Thực phẩm đặc trị cho trẻ (nếu có), ví dụ như sữa dành cho bé dị ứng với lactose nên được dự trù sẵn.

Một quyển sổ ghi số điện thoại trung tâm cấp cứu, bác sĩ điều trị cho gia đình bạn. Vì thói quen lưu tất cả vào điện thoại di động, nếu hết pin thì bạn sẽ không nhớ hết các thông tin này.

Hãy nghĩ ra những nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Lập một danh sách và đánh dấu vào những thứ cần thiết để đảm bảo không bị bỏ sót. Một sự chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe giúp bạn yên tâm chăm sóc cho cả gia đình khi bão đến.

Hộp sơ cấp cứu

Ảnh: SoTayChaMe.com

Những gia đình ở Việt Nam chưa có thói quen để sẵn hộp sơ cấp cứu ở nhà hoặc trên xe ô tô. Tuy nhiên, khi lướt qua những vật dụng trong hộp sơ cấp cứu dưới đây, bạn sẽ biết được chúng có ích như thế nào.

Băng bó và băng dán y tế:

  • 25 miếng băng dán vết thương kích cỡ khác nhau (hiệu Band-Aid, Curad, hoặc hiệu khác)
  • 5 miếng gạc vô trùng (khổ vuông 7,5 x 7,5 cm)
  • 5 miếng gạc vô trùng (khổ chữ nhật 10 x 7,5 cm)

Gạc cuộn

Miếng băng che mắt hoặc mảnh vật liệu che mắt (hơi vồng lên, được làm từ chất liệu cứng có đục lỗ dùng đậy úp lên mắt).

Cuộn keo dán

Cuộn băng thun (hiệu ACE ,Coban hoặc hiệu khác) dùng để quấn vùng cổ tay, cùi chỏ, cổ chân và đầu gối khi có chấn thương (dùng loại băng có bề rộng 7,5 – 10 cm)

2 cuộn băng hình tam giác dùng để quấn quanh vùng chấn thương và làm đồ treo đỡ cánh tay.

Các viên gòn và que gòn vô trùng

Một số dụng cụ khác

  • 2 cặp găng tay chất liệu latex hoặc chất liệu khác latex (dùng cho người dị ứng chất latex), găng này nên được mang vào bất kì lúc nào có nguy cơ phải tiếp xúc với máu, dịch tiết
  • Túi chườm lạnh cấp tốc
  • 5 cái kim băng an toàn dùng để ghim chặt chỗ nẹp hoặc vùng băng bó
  • Dụng cụ hút dùng xối rửa vết thương
  • Nẹp ngón tay bằng nhôm
  • Xi lanh và muỗng đong thuốc dùng để đong một lượng thuốc ấn định khi cần
  • Nhiệt kế
  • Cây nhíp dùng để gắp bỏ các con ve hay các loại côn trùng chích người và các mảnh găm nhỏ
  • Kéo dùng để cắt gạc
  • Miếng phủ bảo vệ (trải vùng miệng) dùng khi phải hà hơi thổi ngạt (miệng qua miệng) lúc làm hồi sức tim phổi
  • Tấm trải
  • Sát khuẩn tay (dạng dung dịch hoặc/ và dạng miếng chùi)
  • Cuốn sổ tay hướng dẫn sơ cứu
  • Danh sách các số điện thoại khẩn cấp

Các loại thuốc dùng cho vết cắt hoặc vết thương

Ảnh: ViCare
  • Dung dịch sát khuẩn hoặc miếng chùi sát khuẩn, như hydrogen peroxide, povidone-iodine (hiệu Betadine) hoặc chlorhexidine (hiệu Betasept)
  • Thuốc mỡ kháng sinh (hiệu Neosporin, Bactroban) có chứa thành phần bacitracin hoặc mupirocin
  • Thuốc rửa mắt vô trùng hoặc nước muối, chẳng hạn như dung dịch nước muối dùng cho kính áp tròng
  • Thuốc bôi da có chứa Calamine dùng cho các vết chích hoặc chất độc từ cây tầm xuân
  • Hydrocortisone dạng kem thoa, dạng mỡ hoặc dung dịch dùng cho những chỗ bị ngứa

Những thuốc khác

  • Thuốc giảm đau hạ sốt, như aspirin, acetaminophen (hiệu Tylenol), hoặc ibuprofen (hiệu Advil, Motrin). (Lưu ý: không cho trẻ em và trẻ vị thành niên dùng aspirin vì thuốc này có mối liên quan đến một bệnh nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye ở trẻ dưới 18 tuổi)
  • Antihistamine (hiệu Benadryl) dùng để trị dị ứng và sưng tấy
  • Thuốc chống xung huyết để trị nghẹt mũi
  • Thuốc chống nôn để trị say tàu xe và các dạng nôn ói khác
  • Thuốc cầm tiêu chảy
  • Thuốc kháng acid để trị rối loạn tiêu hóa
  • Thuốc nhuận tràng để trị chứng táo bón.

BS Lê Lan