Sáng 29/4, Bộ Y tế không ghi nhận ca nhiễm mới, thêm một ca tái dương tính. Như vậy bước sang ngày thứ 13 Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Zing đưa tin, sáng 29/4, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thêm một trường hợp ở TP.HCM dương tính trở lại với SARS-CoV-2. Bệnh nhân 151 là nữ, quốc tịch Brazil, 45 tuổi, trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, làm việc tại Công ty TNHH Giày Gia Định.

Bệnh nhân là vợ của BN207. Bà đã được công bố khỏi bệnh và cùng chồng xuất viện, tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà thêm 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, ngày 27/4, sau khi chồng là BN207 dương tính trở lại, BN151 cũng được đưa đến cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP.HCM). Trong ngày 27/4, bà được xét nghiệm và cho kết quả âm tính.

Ngày 28/4, xét nghiệm lại lần 2, bệnh nhân có kết quả dương tính trở lại. Hiện bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Như vậy, Việt Nam có 9 trường hợp dương tính trở lại sau khi xuất viện gồm bệnh nhân 207, 224, 74, 188, BN52, BN149, BN137, 36 và 22. Trong đó, bệnh nhân 22 đã trở về Anh và có kết quả xét nghiệm âm tính trở lại.

Ca COVID-19 tái dương tính ít có khả năng lây nhiễm

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã nhận 3 mẫu bệnh phẩm của các ca COVID-19 tái dương tính của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 2 mẫu của Quảng Ninh nhưng mới tiến hành nuôi cấy virus trên 3 mẫu. Thời gian nuôi cấy virus được một tuần. Kết quả ban đầu cho thấy virus này không phát triển.

PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết trên báo Dân Trí, virus không phát triển vì virus yếu, không có khả năng nhân lên, chưa đủ nồng độ để lây nhiễm cho tế bào, khuếch đại lên tế bào.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra 3 khả năng với một số trường hợp âm tính xong lại dương tính trong quá trình điều trị.

Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.

Thứ 2 là khả năng những người này đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus ở dạng bất hoạt- xác virus. Khi chúng ta làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.

Thứ 3 là người lành mang trùng, điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus.