Ô nhiễm không khí nặng ở Hà Nội trong thời gian gần đây khiến hàng trăm trẻ em và người lớn tuổi phải nhập viện vì mắc nhiều bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi…

Theo tờ Khám Phá, thời gian gần đây, thời tiết Hà Nội liên tục trải qua những ngày khô hanh, không những thế, không khí cũng ở trong tình trạng đáng báo động, có hại cho sức khỏe. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS. BS Ðỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, những ngày gần đây, miền Bắc có đợt lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều, nhất là hai tuần trở lại đây.

“Riêng trong tháng 11, có khoảng gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện nội trú. Trong hơn một tuần vừa qua, số bệnh nhi nhập viện gia tăng 10%-20% so với trước”, BS Hải cho hay.

Tại Khoa Nội tổng hợp, BV Thanh Nhàn, một tháng trở lại đây, bệnh nhân có bệnh lý hô hấp dưới, như viêm phế quản, viêm phổi… nhập viện tăng cao hơn so với các tháng trước, khoảng 20-30%.

Anh Lại Công Hoan (ở quận Hai Bà Trưng) phải đưa cả hai con trai (1 cháu 8 tuổi, 1 cháu 10 tuổi) đến khám vì có biểu hiện ho, sốt nhiều ngày không khỏi. Anh Hoan cho biết, ban đầu các con anh chỉ hơi sốt, uống hạ sốt không đỡ, đến ngày thứ 4 con trai anh sốt đến 40 độ mới đưa đến viện thăm khám. Không chỉ hai con trai mà bản thân hai vợ chồng anh cũng bị nghẹt mũi, khó thở.

Bên trong phòng bệnh số trẻ điều trị còn phải nằm ghép giường (ảnh: Khám phá).

Trên VOV, BS. Đoàn Thị Anh Đào, Phó Khoa Nội tổng hợp, BV Thanh Nhàn cho biết, khoa thường tiếp nhận những ca bệnh nặng. Các bệnh nhân ngoài bệnh lý viêm đường hô hấp dưới còn có nền bệnh lý mãn tính, như phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, suy thận, suy tim… Do vậy, các triệu chứng lâm sàng của bệnh không rõ ràng và bệnh cảnh nhiều khi không tương xứng với tình trạng lâm sàng bên ngoài, nên bệnh nhân rất dễ chủ quan và bỏ qua dẫn đến việc khi vào viện tình trạng đã rất nặng.

Khoa Nhi của bệnh viện này là nơi căng thẳng nhất về tình trạng bệnh nhân nhập viện. Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Như Hoa (Khoa Nhi) chia sẻ: “Ngày 16/12, cả ngày có hơn 200 bệnh nhi nhập viện, trong đó có hàng trăm trẻ nhập viện điều trị. Ngay các bác sĩ chúng tôi cũng cảm thấy vô cùng căng thẳng, tưởng rằng sáng nay không thể đi làm được nữa vì mệt mỏi”.

Bác sĩ Hoa cho biết, các bệnh nhi nhập viện chủ yếu là mắc cúm và các bệnh viêm đường hô hấp. Trong đó, đặc biệt là cúm A và viêm tiểu phế quản, một số trường hợp nặng còn bị viêm phổi. Bác sĩ Hoa nhận định, so với ngày thường, khoa tăng đến gần 150% số bệnh nhi nhập viện. “Ngày thường khoa chỉ tiếp nhập 50 đến 70 bệnh nhi, nhiều cũng chỉ 100 bệnh nhi. Nhưng nay số lượng này lên đến 200 là rất đỉnh điểm, ngang với dịch sởi trước đây”, bác sĩ Hoa nói.

Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường – Phòng sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết trên VTC News, ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, bụi mịn hầu hết được sinh ra từ khí thải giao thông như: xe máy, ôtô, xe buýt hay từ các loại máy móc nơi công trường xây dựng.

Rất nhiều người cao tuổi mắc bệnh mãn tính nhập viện trong điều kiện thời tiết, không khí hiện tại (ảnh: Khám Phá).

Khi nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên, bầu trời như mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này cũng tương tự như khi thời tiết có độ ẩm cao hoặc sương mù.

“Độ ẩm tăng lên, không khí ô nhiễm, những hạt bụi siêu mịn sẽ càng dễ dàng vào sâu, đi thẳng vào mô, phế nang phổi và là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý về hô hấp rất nguy hiểm”, tiến sĩ Cường nói.

Cách đề phòng

Để đề phòng trẻ mắc bệnh trong thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là hai bàn chân và tay. Buổi trưa có nắng ấm hoặc trẻ chơi đùa bị toát mồ hôi cần cởi áo ấm cho thoáng.

Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tránh để trẻ tiếp xúc những yếu tố gây kích thích như phấn hoa, thú nhồi bông, chó mèo, khói thuốc lá, bụi…

Riêng đối với trẻ mắc bệnh hen suyễn, cần trang bị thuốc dự phòng do chính các bác sĩ chuyên khoa hô hấp thăm khám và kê toa.

Với người già, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, đề phòng đột quỵ trong trường hợp đột ngột ra khỏi chăn ấm để đến nhà vệ sinh trong đêm. Người cao tuổi cũng nên chú ý không nên tắm và gội cùng thời điểm, tránh để cơ thể quá lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa đang khám cho một bệnh nhi (ảnh: VOV).

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Đồng thời, người dân nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.

Với những người có bệnh hô hấp, hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nếu có dấu hiệu khó chịu, diễn biến nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Video xem thêm: Ô nhiễm môi trương đang giết dần các loài vật và thậm chí cả con người

videoinfo__video3.dkn.tv||9b9dbb2c3__