Nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, người bệnh tăng huyết áp, nhất là vào sáng sớm rất dễ rơi vào trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ (ischemic stroke) vốn chiếm 85% số trường hợp đột quỵ trên toàn thế giới.

VnExpress đăng tải, người Việt dễ mắc bệnh tim, đặc biệt là đột quỵ vì không kiểm soát được huyết áp, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết tại lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Y tế giao nhiệm vụ tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật tim mạch cho bệnh viện này, chiều 29/11.

Theo Bộ Y tế, trong hơn 20 triệu người Việt trưởng thành bị tăng huyết áp, có gần 40% không biết bệnh, 69% không được kiểm soát. Bệnh rất dễ phát hiện bằng cách đo huyết áp đơn giản nhưng thường bị bỏ sót, do tăng huyết áp thường không có triệu chứng. Hơn 50% số người bị tăng huyết áp, khi được đo huyết áp lần đầu, không biết là mình bị tăng huyết áp từ bao giờ.

TS. Vũ Quỳnh Nga, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, được coi là kẻ giết người thầm lặng khi gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu lớn. Bệnh tăng huyết áp có xu thế ngày càng tăng và có chiều hướng trẻ hóa với nhiều người còn ở độ tuổi lao động.

Theo tiến sĩ Nga, huyết áp dao động trong khoảng thời gian 24h và có thể thay đổi theo từng ngày để đáp ứng với các tác động môi trường, ví dụ như căng thẳng hoặc hoạt động mạnh. Nhịp sinh học của huyết áp đặc trưng bởi sự giảm huyết áp trong khi ngủ và tăng dần khi thức do một hệ thống điều tiết tự động sinh lý phức tạp.

Theo báo Sức Khoẻ Đời Sống, tăng huyết áp phát triển chậm theo thời gian và có thể gây ra hiệu ứng domino dẫn đến những biến cố về sức khỏe rất nguy hiểm như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… góp phần làm khoảng 7,5 triệu người tử vong và hàng triệu người khác sống cuộc đời tàn phế trên giường bệnh, trên xe lăn do các di chứng nặng nề của tăng huyết áp trên toàn thế giới mỗi năm. Đó là một gánh nặng về kinh tế, tinh thần đối với mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng…

Tăng huyết áp buổi sáng gây ra đột quỵ

Với nhiều người, huyết áp thường tăng cao vào buổi sáng sớm, còn được gọi là tăng huyết áp buổi sáng. Tăng huyết áp buổi sáng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như đột quỵ. Ngay cả những bệnh nhân kiểm soát tốt huyết áp vẫn có đến 50% có huyết áp buổi sáng cao hơn bình thường.

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch (ảnh: Sức Khoẻ Đời Sống).

Bệnh nhân tăng huyết áp buổi sáng có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với các bệnh nhân tăng huyết áp thời điểm khác. Huyết áp cao có thể gây đột quỵ, mất chức năng não đột ngột do thiếu máu cung cấp cho não.

Có hai loại đột quỵ đó là thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết. Đột quỵ do cục máu đông được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đây là dạng phổ biến nhất, chiếm tới 85% trong số 600.000 đột quỵ xảy ra mỗi năm. Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một mạch máu vỡ trong não.

Ngoài ra, huyết áp bất thường vào buổi sáng còn liên quan đến sự biến đổi nhịp tim và kích thước tim, về lâu về dài sẽ gây đau tim hoặc nhồi máu cơ tim. Theo khuyến cáo, bạn cần nhanh chóng đến khám bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu thường xuyên cảm thấy đau đầu dữ dội, tức ngực, mất cảm giác ở tứ chi vào sáng sớm.

Nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng tăng huyết áp buổi sáng

Theo trang VinMec, do nhịp sinh học bình thường của cơ thể, vào buổi sáng, cơ thể giải phóng nhiều hormon như adrenaline và noradrenaline, đây là những hormon giúp bạn tăng năng lượng nhưng cũng đồng thời làm tăng huyết áp.

– Dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp tạm thời như thuốc chứa steroid được sử dụng trong việc điều trị hen suyễn, bệnh tự miễn, các vấn đề về da hay dị ứng nghiêm trọng. Nếu bạn sử dụng những loại thuốc này vào sáng sớm, huyết áp của bạn có khả năng tăng cao.

– Sử dụng quá nhiều rượu bia cũng có thể gây tăng huyết áp vào sáng sớm.

– Chứng ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ khiến đường hô hấp trên bị thu hẹp, cơ hô hấp ngừng chuyển động, hơi thở tạm thời dừng lại và thở nông hơn, điều này kéo dài suốt đêm. Ngưng thở khi ngủ gây căng thẳng cho cơ thể, làm tăng mức adrenaline và huyết áp tăng. Các triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ là ngáy to, chất lượng giấc ngủ kém và buồn ngủ quá mức trong ngày.

Bác sĩ phẫu thuật tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội (ảnh: VnExpress).

Tiến sĩ Hiền cho biết, bệnh nhân đến khám tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội tăng nhanh mỗi năm. 10 năm trước chỉ có khoảng 50.000 bệnh nhân đến khám tại viện này thì hiện con số này tăng gấp 7 lần vào năm ngoái. 9 tháng đầu năm nay, đã có gần 300.000 người đến khám và can thiệp là gần 7000 ca.

Cách phòng ngừa đột quỵ

– Điều trị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường (nếu có) theo đúng liệu trình được các chuyên gia khuyến cáo.

– Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp: Ăn thực phẩm nhiều đạm, giàu chất xơ, tránh đồ ăn nhanh, các món chiên xào, nhiều muối, nhiều đường.

– Hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá cũng như sử dụng chất kích thích.

– Tập thể dục thường xuyên, xây dựng lối sống lành mạnh.

Video xem thêm: Đo huyết áp – Đơn giản nhưng nhiều người làm sai

videoinfo__video3.dkn.tv||d6756f082__