Do công việc bận rộn nên bệnh nhân Lâm (55 tuổi, Hồ Nam, Trung Quốc) thường rất ít uống nước, thậm chí có ngày không giọt nào. 

3 ngày trước, cô Lâm bất ngờ bị đau bụng phía trên bên phải kèm cảm giác ớn lạnh, sốt cao. Sau đó, cô bắt đầu mất dần ý thức, được gia đình chuyển tới Bệnh viện Trung ương thành phố Trường Sa, theo Sohu.

Bệnh nhân Lâm được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu, lan sang nhiễm trùng huyết. Một phần các ngón tay và ngón chân của bệnh nhân đã hoại tử, có nguy cơ sẽ phải cắt cụt bất cứ lúc nào. Hiện, bệnh nhân đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Bác sĩ Quách Tụy Dung cho biết, nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến sự tăng trưởng và sinh sản của các mầm bệnh bên trong đường tiết niệu. Chúng có thể gây viêm, đi tiểu khó, ra máu, sốt cao, kèm theo buồn nôn, đau bàng quang và vùng đáy chậu hoặc lưng.

Các bác sĩ cũng chỉ ra, những người lười uống nước, ít vận động sẽ giữ lại nước tiểu trong cơ thể quá lâu làm cho vi khuẩn tích tụ, dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu không kịp thời phát hiện sẽ xâm lấn, gây bệnh các cơ quan khác.

Uống nước bao nhiêu là đủ?

70% trọng lượng cơ thể là nước. Khi cơ thể thiếu nước, dễ gây các chứng đau đầu, mệt mỏi, da khô, sỏi thận, táo bón… Trường hợp, cơ thể mất tới 20% lượng nước, có thể dẫn tới tử vong.

Tuy nhiên, nếu cơ thể nạp quá nhiều nước sẽ gây nguy hiểm cho thận, làm loãng các chất điện giải trong máu, phù nề, sưng não… Các chuyên gia khuyến cáo, trong điều kiện cơ thể bình thường, mỗi ngày chúng ta cần cung cấp trung bình khoảng 1,5-2 lít nước.

Uống nước ấm

Vào ngày hè nắng nóng, mọi người thường lựa chọn nước đá để giải khát. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nước đá dễ gây khó chịu đường tiêu hóa, viêm họng, tiêu chảy. Ngược lại, nếu uống nước quá nóng, có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản.

Nhiệt độ nước thích hợp để đảm bảo sức khỏe là từ 10-30 độ C.

Uống nước từ từ

Việc uống lượng nước lớn trong thời gian ngắn khiến máu bị loãng, tăng gánh nặng cho tim, tiết nhiều mồ hôi, chướng bụng…

Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên uống nước từ từ từng ngụm nhỏ vừa miệng.

Thời điểm uống nước

– Sáng sớm: Ngay sau khi thức dậy, chưa ăn sáng nên uống 200 ml giúp cơ thể bù nước đồng thời thải độc.

– Trước mỗi bữa ăn: Khoảng 30 phút trước bữa ăn là thời gian vàng để bạn uống nước, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn.

– Sau bữa ăn: Uống nước sau bữa ăn khoảng 2,5 giờ tốt cho sức khỏe, vóc dáng cân đối.

– Trước và sau khi vận động: Nên uống một lượng khoảng 200-500 ml nước trước khi vận động để bổ sung lượng nước sẽ mất. Đồng thời, sau khi vận động, bạn nên uống nước để bảo vệ sức khỏe.

Uống nước trong khi ngồi

Uống nước khi di chuyển hoặc đang lái xe có nghĩa bạn đang bắt cơ thể làm việc đa nhiệm và cơ thể không thể tập trung hoàn toàn vào việc hấp thụ nước. Vì vậy, hãy ngồi thoải mái, hít một hơi sâu và bắt đầu uống nước chầm chậm như bạn đang thưởng thức một món ăn ngon vậy.

Uống ngay cả khi không khát

Các chuyên gia khuyên, mọi người không nên chờ đến khi khát mới uống nước. Mọi người nên uống đều từng ngụm nhỏ, để cơ thể hấp thụ nước tốt.

Phương Nam