Tết Mậu Tuất đang đến gần, việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, luôn tươi ngon, giữ được giá trị dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe được nhiều gia đình quan tâm hơn cả.

Để giữ cho thực phẩm tươi lâu và đảm bảo an toàn, vệ sinh, bạn cần bảo quản thực phẩm đúng cách.

Mẹo bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh an toàn ngày Tết
Ảnh minh họa.

Dưới đây là những nguyên tắc bảo quản thực phẩm an toàn trong dịp Tết:

Phân loại thực phẩm

Thực phẩm bảo quản trong các ngăn tủ lạnh phải tuân thủ nguyên tắc không lây nhiễm chéo từ thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín, từ thực phẩm chưa sạch sang thực phẩm sạch.

Nên cho thực phẩm vào các hộp nhựa có nắp đậy kín, rồi mới xếp vào các ngăn trong tủ lạnh theo thứ tự thực phẩm chín ở ngăn trên và thực phẩm sống ở ngăn dưới, thực phẩm tươi sống cần giữ lâu ngày thì để ở ngăn lạnh đông.

Không nên cất, trữ quá nhiều thực phẩm trong ngăn tủ lạnh vì có thể vượt quá công suất, dẫn tới nhiệt độ lạnh không đều, thực phẩm ở giữa khối không đủ độ lạnh do nhiệt độ khu vực này cao hơn từ đó dẫn đến hư hỏng trước.

Không nên bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất trung gian gây hại cho sức khỏe người dùng.

Quá trình cấp đông và rã đông làm mất khoảng 1/3 chất béo hòa tan trong thịt, một số chất dinh dưỡng gần như mất hết.

Một số thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá và những món ăn chế biến sẵn như dăm bông, thịt hun khói, patê, xúc xích để bảo quản lâu ngày trong tủ lạnh có thể sinh ra hàm lượng Nitrite. Chất này khi kết hợp với acid amine trong thực phẩm sẽ tạo ra Nitroamine – chất gây hại đối với sức khỏe người dùng.

Tùy vào khả năng chịu nhiệt của từng loại thực phẩm chỉ nên dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh với một thời gian nhất định rồi đem chế biến. Các thực phẩm sống nếu muốn bảo quản lâu hơn thì nên để ở ngăn đá và khi cần sử dụng thì chuyển qua ngăn mát và chỉ nên để trong ít ngày.

Mẹo bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh an toàn ngày Tết
Mẹo bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh an toàn ngày Tết

Sơ chế thực phẩm trước khi lưu trữ

Nhiều người có thói quen bảo quản thịt sống và một số loại hoa quả tươi trong tủ lạnh ngay sau khi mua về mà không sơ chế hay vệ sinh sạch. Điều này khiến các loại vi khuẩn và mầm bệnh từ thực phẩm có điều kiện phát triển.

Việc làm sạch rau và bảo quản trong tủ lạnh là cần thiết, tuy nhiên, chị em cần lưu ý để ráo nước trước khi cất vào tủ, tránh tình trạng rau bị đọng nước, nẫu và ủng.

Với thịt, cá sống, chị em cũng cần sơ chế sạch trước khi bảo quản. Dù cất thịt sống vào ngăn mát hay ngăn đá trong tủ lạnh đều phải bọc thịt thật kỹ để giữ được độ tươi ngon và tránh lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Nếu cho thịt vào ngăn đá, bạn cần bọc kín thịt nhiều lớp để ngăn cho chúng không bị đông cứng quá mức, mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị.

Ngoài ra, các bà nội trợ nên chia lượng thực phẩm thành nhiều phần nhỏ, dễ dàng lấy ra một lượng phù hợp khi chế biến.

Bảo quản thực phẩm sống

Thực phẩm tươi sống cần bảo quản cẩn thận và tránh để chung với các loại thực phẩm khác để đề phòng lây nhiễm vi khuẩn. Đối với các loại thịt sống thì cần được giữ đông ở ngăn đá của tủ lạnh để bảo quản lâu hơn, đồng thời cũng phòng tránh việc có thể lây nhiễm vi khuẩn sang thực phẩm khác.

Nên làm sạch thực phẩm, sau đó chia nhỏ thành từng phần phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, cho vào túi nilon hoặc hộp đựng thực phẩm, bọc thật kỹ và mang giữ trong ngăn đá tủ lạnh. Khi cần sử dụng, bạn mang rã đông, thực phẩm vẫn đảm bảo tươi ngon và hợp vệ sinh.

Thực phẩm chín

Các loại thực phẩm chín hoặc các món ăn chuẩn bị sẵn, bạn nên để thức ăn nguội hẳn mới cho vào hộp đựng thực phẩm và giữ lạnh trong tủ. Nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn.

Nên bảo quản thực phẩm chín bằng các hộp đựng thực phẩm chuyên dụng, tránh để thực phẩm chín tiếp xúc với các loại thực phẩm khác, trước khi ăn nên nấu lại để bảo đảm vệ sinh.

Rã đông thực phẩm đúng cách

Việc rã đông phải được tiến hành một cách bài bản, từng bước, trước tiên từ ngăn tủ đông sang tủ mát rồi tới nhiệt độ môi trường. Việc rã đông từ từ giup từ đó hạn chế được việc mất dinh dưỡng do màng bảo vệ tế bào bị rách vỡ, dinh dưỡng theo nước đi ra ngoài.

Thực phẩm rã đông xong cần sơ chế biến ngay, không nên để quá lâu sẽ hao hụt chất dinh dưỡng.

Bảo quản rau củ, trái cây tươi sống

Rửa sạch rau, củ, quả đúng cách; để ráo nước rồi cho vào bao kín trước khi cho vào ngăn bảo quản trong tủ lạnh.

Tránh sự ẩm ướt, để chung lẫn lộn các loại rau củ, trái cây với nhau vì dễ làm phát sinh các loại nấm mốc; phân hủy và thối rữa nhanh hơn.

Thức ăn thừa cần phải bọc kín

Không nên trữ lạnh thức ăn thừa quá 4 ngày và không cần đợi đến khi thức ăn nguội mới cất vào tủ vì những loại tủ lạnh hiện đại có khả năng xử lý nhiệt, tránh để nguội ở môi trường sẽ dễ nhiễm khuẩn.

Thức ăn lưu trữ trong tủ lạnh, lấy ra để nguội và hâm nóng trước khi ăn.

Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh

Thường xuyên lau chùi vệ sinh cẩn thận bên trong và ngoài tủ lạnh; định kỳ xả, rã ngăn đông lạnh để làm vệ sinh; khử mùi tủ lạnh; dọn dẹp thức ăn cũ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp trong tủ…

Đặt tủ lạnh ở nơi hợp lý về khoảng cách, không gian tỏa nhiệt, không làm nóng tủ lạnh… để không ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của tủ lạnh.

Phương Nam