Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gần đây đã tiếp nhận không dưới 3 trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật do uống oresol sai cách.

Mới đây, bệnh viện Bạch Mai, đã cấp cứu bé 11 tháng tuổi trong tình trạng sốt cao, co giật, mệt lả, theo Dân Trí.

Trước đó, ngày 14/5, hai mẹ con chị đều bị tiêu chảy có ra hiệu thuốc mua men và nước điện giải để bù nước. Hai mẹ con uống hết 1 chai và 4-5 gói pha với 200 ml nước trong gần 3 ngày thì thấy con lả đi, môi nhạt.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó hạ, mất nước ở mức độ 3. Các bác sĩ đã chỉ định chọc dịch não tủy để loại trừ bị viêm não. Kết quả sau kiểm tra, bé bị tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, bù nước và điện giải tại nhà không đủ.

Bác sĩ Dũng cũng cho biết thêm, đây là trường hợp bệnh nhi thứ 3 nhập viện có độ tuổi từ 6 tháng đến một tuổi rưỡi, bị tiêu chảy vì mất nước rất nặng do uống oresol. Trước đó, một bé đã không thể qua khỏi.

Liên tiếp trẻ nhập viện, lên cơn co giật do uống oresol sai cách
Ảnh minh họa.

Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Dũng cho biết, oresol có tác dụng bù nước rất tốt, vì ngoài nước cất, còn cung cấp một lượng muối khoáng rất quan trọng. Oresol được khuyên dùng trong trường hợp người bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, nôn, sốt cao… Tuy nhiên, điều quan trọng là sử dụng phải đúng cách, pha đúng nồng độ quy định.

Khi dùng dung dịch oresol để bù nước và muối cho trẻ tiêu chảy, sốt, nếu thấy các dấu hiệu như khát dữ dội, môi khô, mắt trũng, ngủ gà hoặc sốt, co giật… cần ngừng không cho trẻ uống thêm dung dịch oresol và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để cấp cứu.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh chỉ nên cho trẻ uống oresol khi có hướng dẫn của bác sĩ. Tránh tình trạng, tự ý mua oresol về chữa bệnh cho con tại nhà.

Cách sử dụng oresol an toàn cho trẻ

– Chỉ dùng dung dịch đã pha trong 24 tiếng, bảo quản kỹ, tránh nhiễm khuẩn.

– Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng sẽ khiến các thành phần không đồng nhất và gây nhầm lẫn thể tích khi pha.

– Không đun sôi dung dịch đã pha, có thể làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi, tăng độ thẩm thấu.

– Không pha với nước khoáng, làm sai lệch nồng độ, chỉ nên dùng nước lọc đun sôi, để nguội.

– Trẻ em dưới 2 tuổi uống từ 50-100 ml. Trẻ em từ 2-10 tuổi uống từ 100-200 ml. Đối với trẻ nhỏ, cho uống liên tục nhiều ngụm nhỏ bằng thìa hoặc cốc nhỏ. Trường hợp, trẻ nôn, chờ khoảng 10 phút rồi tiếp tục cho uống nhưng phải uống chậm hơn.

Lan Phương