Được biết đến từ thời cổ đại, quế được người Trung Quốc phát hiện sử dụng đầu tiên sau đó du nhập vào Châu Âu theo con đường tơ lụa. Xung quanh nguồn gốc về hoa của thảo dược này còn một câu chuyện tuyệt đẹp.

Đông y xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: Sâm, nhung, quế, phụ. Trong y học cổ truyền phương Đông, quế được sử dụng trong các bài thuốc, thức ăn chữa cảm lạnh, chướng bụng đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng kinh. Tác dụng tiếp thêm năng lượng, sức sống cũng làm cho thảo mộc này trở nên nổi tiếng. Tất cả các bộ phận của cây như hoa, rễ, vỏ rễ và quả đểu có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. 

Hoa Quế còn có tên gọi khác là hoa Mộc, Mộc Hương, Đan Quế. Đây là loại cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, thường xanh, có thể cao 3 – 12m, lá dài 7 – 15cm và rộng 2,6 – 5cm. Hoa có thể có các màu bao gồm màu trắng, vàng nhạt, vàng hoặc vàng cam, dài khoảng 1cm và có mùi rất thơm. Xung quanh nguồn gốc xuất xứ của loại cây này còn có một câu chuyện rất thú vị.

Câu chuyện nguồn gốc của hoa quế

Tương truyền vào thời cổ đại ở chân núi Lưỡng Anh có một người phụ nữ hiền lành tốt bụng sống bằng nghề bán rượu bồ đào. Rượu mà bà cất ra mùi vị rất thơm ngon nên được mọi người gọi bằng tên thân mật Tiên tửu nương tử.

Vào một sáng sớm mùa đông lạnh giá, tuyết rơi đầy trời, khi Tiên tửu nương tử mở cửa chuẩn bị mở hàng bỗng nhìn thấy một chàng thanh niên gầy như que củi, ăn mặc rách rưới như người ăn mày đang nằm ngoài cửa. Động lòng thương xót kẻ nghèo khó, nàng vội chạy lại gọi và sờ thử vào mũi xem còn thở hay không. Thấy người thanh niên hơi thở thoi thóp yếu ớt, liền đưa vào trong nhà cho uống canh nóng và nửa bát rượu.

Một lát sau, anh ta dần dần tỉnh lại, xúc động nhìn Tiên tửu nương tử mà nói: “Cảm ơn nàng đã cứu mạng. Tôi vốn là người tàn tật không nơi nương tựa, nay đây mai đó xin ăn. Thời tiết lạnh giá thế này nếu đi ra ngoài không bị chết vì lạnh cũng bị chết vì đói, xin hãy rủ lòng thương cho tôi ở lại đây thêm vài ngày có được không?”. Tiên tửu nương tử thấy thật khó xử, sợ mọi người sẽ lời ra tiếng vào, nhưng lại cũng không thể thấy chết mà không cứu nên cuối cùng gật đầu cho anh ta ở lại.

Ngô Cương tu tiên mắc lỗi nên bị sư phụ phạt lên cung trăng chặt quế (Ảnh: 230189.com)

Đúng như nàng dự đoán, những lời đồn thổi mạo phạm nói xấu nàng nhanh chóng truyền khắp vùng, mọi người đều tìm cách lánh xa, người tới mua rượu cũng ngày một ít. Tuy nhiên, Tiên tửu nương tử nhẫn chịu những đau khổ trong lòng, vẫn tận tâm tận lực chăm sóc người thanh niên nọ. Sau cùng, không một ai tới mua rượu của nàng, không còn kế sinh nhai nàng đành nói thật tình hình với anh ta. Người thanh niên thấy vậy thì cũng bỏ đi không lời từ biệt. Không yên tâm khi người tàn tật nọ rời đi, nàng đi khắp nơi tìm kiếm.

Tại sườn núi, nàng gặp một ông lão tóc bạc phơ, gánh một gánh củi khô, bước đi một cách cực nhọc mệt mỏi. Đang định chạy tới giúp đỡ thì nàng thấy ông lão ngã lăn ra đất, gánh củi cũng rơi xuống. Ông lão cực nhọc nhắm nghiền đôi mắt, môi run run, cất giọng một cách yếu ớt mệt mỏi: “Nước, nước, cho tôi xin chút nước”. Tiên tửu nương tử thở dài thương cảm mà nghĩ thầm: “Ở nơi vùng sườn núi hoang sơ này lấy đâu ra nước cho ông lão bây giờ?”. Không chút do dự, nàng cắn vào ngón giữa cho máu tươi bật ra rồi đưa vào miệng ông lão. Đột nhiên ông lão biến mất.

Một cơn gió mát thổi vụt qua, trên trời bỗng có một túi vải to màu vàng rời xuống, bên trong là rất nhiều túi giấy màu vàng nhỏ và một tờ giấy màu vàng, bên trên viết: “Nguyệt cung ban quế tử, ban thưởng người thiện lương. Phúc cao như quế bích, thọ cao như quế hoa. Hái hoa cất rượu quế, đem tặng mẹ và cha. Ngô Cương giúp người hiền lành, giáng tai họa cho người gian dối”. Lúc này, Tiên tửu nương tử mới hiểu, hóa ra người đàn ông tàn tật và ông lão gánh củi đều là Ngô Cương biến hóa.

Sau khi biết chuyện, những người dân quanh vùng đều tới xin cây quế về trồng. Những người lương thiện khi trồng cây xuống đất, sẽ đâm chồi nảy lộc nở hoa thơm ngát khắp sân. Những người tâm bất chính, trồng cây không đâm chồi từ đó mà tự biết xấu hổ thay tâm đổi tính hướng thiện. Mọi người đều vô cùng biết ơn Tiên tửu nương tử, chính nhờ tấm lòng thiện lương, hiền lành đã cảm động tới người trông coi cây quế ở nguyệt cung là Ngô Cương đại tiên (*), nhân gian mới có được hoa quế và rượu quế. Hoa quế không những mang tới hương thơm và vẻ đẹp thanh khiết có giá trị thưởng thức cao, các bộ phận của cây như hoa, rễ, vỏ rễ và quả đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

Các bài thuốc từ hoa quế

Theo Đông y, hoa quế có vị đắng, tính ôn, đi vào kinh mạch Tâm, Can; tác dụng làm tan vết bầm tím, máu tụ, tiêu đờm, bổ thận, tỳ, vị, giãn nở gân cốt, hoạt huyết, trị đau lưng, mộng tinh, xuất tinh sớm, di tinh, thần kinh suy nhược, loét dạ dày, ruột, sa dạ dày, đi kiết ra máu, ho hen…; chữa bệnh dị ứng, hôi miệng (khi mệt mỏi), thị giác kém.

Hoa quế có thể làm thành thuốc, là dược thảo chữa hôi miệng hiệu quả. (Ảnh: kplant.biodiv.tw)

Quả của cây quế chính sau khi thu hoạch, ngâm nước nóng phơi khô và cho vào làm thuốc có tác dụng làm ấm Vị, bình Can, ích Thận, tán hàn, cầm ho. Hoa quế có thể làm thành rượu ‘hoa quế lộ’ có tác dụng sơ can lý khí, kiện Tỳ khai Vị, hóa đờm. Rễ và vỏ rễ sao và sắc nước uống, có thể trị đau dạ dày, đau răng, tê bì phong thấp, giảm đau nhức gân cốt.

1. Pha hạt hoa quế và hoa hồng theo tỉ lệ 3:1 vào nước sôi uống thay trà hằng ngày có tác dụng bổ tim, dạ dày, trị bệnh đau dạ dày.

2. Rễ hoa quế nấu canh, uống cùng một lượng vừa phải rượu vàng (rượu Thiệu Hưng) có thể trị đau lưng.

3. Rễ hoa quế nấu với thịt lợn theo tỉ lệ 1:2 giúp tinh thần tỉnh táo, có lợi cho những người bị bệnh động kinh.

(*): Ngô Cương là người Tây Hà thời Hán, khi tu đạo phạm lỗi nên bị sư phụ phạt đưa tới cung trăng. Trên cung Quảng Hàn có một cây quế cao 500 trượng rất to, Ngô Cương chỉ được rời khỏi đây nếu có thể hạ được một cây gỗ mọc ở đó. Vấn đề là mỗi lần chàng chặt cây thì thân cây lại liền ngay lại, điều này làm cho chàng vĩnh viễn phải ở lại cung trăng.

Theo zhengjian
Kiên Định biên dịch