Quả mướp có vị ngọt, tính mát, mướp giúp thanh nhiệt hóa đàm, lương huyết giải độc, an thai thông sữa, chữa sốt cao, ho suyễn nhiều đờm, viêm đường tiết niệu, mụn nhọt, sản phụ tắc sữa, táo bón…

Mướp là thực phẩm dân dã quen thuộc của các gia đình Việt vào mùa hè nóng nực. Các bộ phận của cây mướp từ quả, lá, xơ… đều có giá trị làm thuốc chữa bệnh hiệu quả.

Không lo đau nửa đầu, ho đờm nhờ trái mướp rẻ tiền
Không lo đau nửa đầu, ho đờm nhờ trái mướp rẻ tiền

Theo Y học cổ truyền, quả mướp có vị ngọt, tính bình, không độc. Công dụng chữa bệnh của quả mướp gồm thanh nhiệt, hóa đàm, trừ thấp, tiêu viêm, cầm máu, chữa táo bón, nóng nhiệt, viêm họng, ho đàm, mụn nhọt, đau răng, đau lưng, lợi sữa…

Dây mướp có tác dụng ức chế khuẩn cầu. Xơ mướp giúp thanh nhiệt, mát huyết, thông kinh, giải độc, giảm đau, cầm máu. Nước trong cây mướp và lá mướp làm cho da thêm mịn màng, bớt nếp nhăn.

Theo Tây y, quả mướp chứa protein, gluxit, canxi, phosphor, beta-caroten và vitamin C, ngoài ra còn có chất nhầy và kalinirat… đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Nhân hạt mướp chứa dầu, mùi vị thơm ngon, ăn bổ béo.

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ cây mướp mọi người có thể tham khảo:

– Đau nửa đầu: Dùng 15-30g rễ mướp sắc uống mỗi ngày. Tác dụng của quả mướp sẽ giúp thông lạc, chữa viêm mũi, viêm xoang, ho và đau lưng.

– Viêm họng: Lá mướp hương rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, gạn uống làm một lần.

– Ho hen kéo dài: Lá mướp hương 15g nấu nước uống hoặc chế biến dưới dạng cao lỏng 1/1, mỗi lần uống 0,5ml.

– Tăng huyết áp: Mướp tươi 300g, táo ta 200g, chanh 50g, đường phèn lượng vừa đủ. Mướp và táo gọt vỏ, rửa sạch, thái vụn, ép lấy nước, hòa với nước chanh và đường phèn, dùng làm nước giải khát trong ngày. Mỗi liệu trình 10 ngày.

– Lợi sữa: Tác dụng của quả mướp đặc biệt hiệu quả trong việc lợi sữa cho phụ nữ sau sinh. Chỉ cần dùng 1 quả mướp tươi, 10g muối ăn, nấu sôi với 1 lít nước, cho sản phụ uống đến khi sữa ra nhiều. Có thể nấu mướp với chân giò lợn để ăn với cơm hàng ngày. Ăn liền 5 ngày.

– Tắc tia sữa: Xơ mướp 1 cái, gai bồ kết 10 cái, hành tươi hoặc hành khô 1 củ. Tất cả băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng trong 2 – 3 ngày. Kết hợp xoa nắn bầu vú cho thông tia sữa.

– Viêm đường tiết niệu: Mướp 200g, rửa sạch, cho 350ml nước nấu nhừ cho ít mật ong mà ăn, ngày ăn 2 lần. 10 ngày một liệu trình.

– Giải nhiệt ngày hè: Mướp 500g rửa thật sạch, cắt nhỏ, ép lấy nước (dùng máy ép là tốt nhất) rồi hòa với đường trắng, dùng làm nước giải khát trong ngày sẽ giúp thanh nhiệt hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khát.

– Sốt cao, đau đầu: Hoa mướp 20g, hạt đậu xanh 100g. Đậu xanh để cả vỏ, ninh nhừ rồi lấy khoảng 400ml nước cốt. Vớt xác đậu xanh ra, cho hoa mướp đã thái nhỏ vào, đun sôi trong 5-10 phút. Để nguội. Chắt lấy nước uống làm 2-3 lần trong ngày.

– Nổi mề đay: Lá mướp tươi 1 nắm, nghiền nát thành nước, thêm vào một chút băng phiến, bôi lên vết lở, nổi.

– Mồ hôi chân: Lấy mướp già đốt thành tro, tản rắc ở trong giày, chân trần không tất đi vào giày liên tục 15 ngày.

– Trị đại tiện ra máu do trĩ: Hoa mướp 30g, nấu nước uống, mỗi ngày 1 lần. Hoặc mướp tươi 250g cắt khúc, thịt lợn nạc 200g cắt miếng, thêm lượng nước thích hợp nấu canh ăn.

– Viêm xoang: Lấy quả mướp đem phơi khô, bỏ vào nồi rang cho mướp teo lại và đem nghiền thành bột mịn. Mỗi lần người bị viêm xoang nên uống 6g, 1 lần/ngày vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, bụng chưa ăn gì. Kiên trì thực hiện trong 8 ngày, công dụng chữa bệnh của quả mướp sẽ khiến chứng viêm xoang sẽ biến mất.

Hoặc mọi người có thể lấy thân cây mướp lấy từ mặt đất trở lên độ 1m, chặt nhỏ, đốt tồn tính, tán mịn, uống mỗi lần 10g với ít rượu.

– Mụn nhọt, vết thương bị nhiễm trùng: Lá mướp khô đốt lấy tro xức vào thì rất hiệu quả (nhiều người dùng có công hiệu).

– Thấp khớp: Xơ mướp 50g, rễ mướp 50g, mộc thông 10g, tỳ giải 8g, sắc lấy nước uống ngày 3 lần.

– Đau lưng, đau hông do thấp nhiệt: Thân cây mướp 30g, phối hợp với xa tiền tử 30g, hổ trượng 15g, hoàng bá 10g, sắc nước uống ngày 1 thang.

Lưu ý:

Những người tỳ vị hư yếu, hay đau bụng, đại tiện lỏng nát không nên dùng.

Phương Nam