Người ta đa phần biết đến cây nhót với một công dụng là cho quả để ăn. Quả nhót được liệt kê vào danh sách một trong những thức quà ưa chuộng nhất của giới trẻ. Tuy nhiên, loài cây này còn có rất nhiều tác dụng đáng quý khác mà bạn nên lưu lại.

Cây nhót (có nơi gọi là lót) là một loại cây bụi, vừa là cây ưa sáng vừa có thể sinh sống dưới tán cây khác. Có thể cao từ 2 – 3m. Là loài cây rất thích đất tơi xốp, ẩm nhưng cũng có thể phát triển trên đất khô, nghèo dinh dưỡng. Bộ rễ của cây có các nốt sần chứa các vi khuẩn cộng sinh cố định đạm, do đó được xem như một nhà máy sản xuất phân đạm sinh học nhằm cải tạo đất. Cây có thể chịu đựng được cái lạnh khắc nghiệt -20ºC, gốc cây có thể chịu đựng được nhiệt độ tới -30ºC.

Cây nhót có thể tồn tại trong giá lạnh. (Ảnh: kiwiforum.cz)

Hoa nhót trắng nhỏ, lưỡng tính, không có cánh chỉ có 4 lá đài, mùi thơm ngan ngát, dễ chịu. Quả để ăn, nấu canh chua, thu hái khi chín để làm thuốc. Lá và rễ thân thu hái quanh năm, rửa sạch, chặt đoạn nhỏ, dùng tươi hoặc dùng khô.

Các nghiên cứu về dược liệu cho thấy quả nhót chín có acid hữu cơ, vitamin (A,C,E) khoáng chất, chứa acid béo cần thiết (cho rằng có thể hạ cholesterol), flavonoid… Thân và lá chứa methanol – một chất kháng khuẩn mạnh.

Lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn gram dương và gram âm; đặc biệt đối với các chủng trực khuẩn lỵ: Shigella dysenteria, Shigella shiga, Shigella flexneri, Shigella sonnei.

Theo y học cổ truyền, nhót có vị chua chát, tính bình. Tác dụng chung ngừng hen suyễn, cầm tiêu chảy, cầm máu trong trường hợp ho ra máu, nôn ra máu hay chảy máu cam. Sau đây là một số bài thuốc dễ dùng cho một số bệnh thường gặp.

Bài 1: Lá nhót tươi hay khô dùng liều từ 6 – 10g mỗi ngày sắc uống

Chữa lỵ, cảm sốt, hen suyễn, ho, nhiều đờm.

Trong sách “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân đã viết: Ngay cả đối với người bị hen suyễn rất nặng cũng công hiệu.

Lá nhót giúp kiểm soát hen suyễn rất hữu hiệu. (Ảnh: ydvn.net)

Bài 2: Dùng từ 5 – 7 quả nhót sắc uống trong ngày.

Có tác dụng chữa lỵ, tiêu chảy.

Bài 3: Lấy từ 5 – 7 hạt sắc lấy nước uống trong ngày.

Nhân hạt có tác dụng trị giun sán, sát trùng.

Bài 4: Dùng rễ cây nhót sắc lên không kể liều lượng , lấy nước để tắm rửa trị lở ngứa, mụn nhọt.

Ngoài ra, nhờ vào hương thơm từ bông hoa mà có thể dùng để ướp trà nhằm tăng hương vị. Ở Ấn Độ, người ta dùng hoa như thuốc bổ tâm và làm săn da.

Hoa nhót để ướp trà. (Ảnh: treeflower.la.coocan.jp)

Lưu ý

  • Không ăn nhót khi đang đói vì có thể gây kích ứng dạ dày, chỉ nên ăn sau bữa cơm 30 phút.
  • Không dùng rễ và lá để làm thuốc uống cho phụ nữ có thai. Do tác dụng gây tăng co bóp tử cung. Chưa có khuyến cáo về việc sản phụ không nên ăn quả, tuy nhiên cũng nên cẩn thận khi sử dụng.

Yến Dương