Khoai lang, một loại củ rất dân dã và phổ biến ở Việt Nam, đã được các nhà nghiên cứu phòng chống ung thư Nhật Bản xếp vào nhóm đầu trong số 20 loại rau củ có hiệu quả ức chế tế bào ung thư tốt nhất. Trong dân gian, có nơi còn gọi khoai lang là “sâm nam”, “sâm đất” – ý nói đến lợi ích vô giá của loại củ dân dã này đối với sức khỏe.

Trên thực tế nghiên cứu đã chứng tỏ khoai lang, đặc biệt là khoai lang tím, là siêu thực phẩm chống ung thư.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy trong khoai lang tím chứa chất ức chế sự phát triển tế bào ung thư dạ dày, đại tràng, phổi, vú. Ngoài ra chất này còn ức chế tiểu cầu ngưng tụ, có tác dụng chống đông, do vậy giúp dự phòng bệnh tim mạch.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sinh hóa Dinh dưỡng (Journal of Nutritional Biochemistry), các nhà khoa học Mỹ đã kết hợp các chiết xuất lấy từ củ khoai lang tím nướng chín lên các tế bào ung thư, và thấy rằng các tế bào ung thư bị ức chế phát triển. Khi thử nghiệm cho chuột bị ung thư ăn khoai lang chín, họ cũng thu được những kết quả rất khả quan.

Các nhà khoa học khẳng định rằng khoai lang tím rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư cấp độ 1 và 2.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra lời khuyên rằng mọi người nên ăn 1 củ khoai lang tím cỡ vừa vào các bữa trưa hoặc tối, hoặc cũng có thể ăn 1 củ khoai lang tím to mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, chống bệnh ung thư.

Các nhà khoa học khẳng định rằng khoai lang tím rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư cấp độ 1 và 2. (Ảnh: songkhoe.vn)

Một nghiên cứu của Châu Á cũng cho thấy khoai lang giàu vitamin A, giúp phòng ngừa ung thư đại tràng hữu hiệu.

Bên cạnh đó, khoai lang còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác, xứng danh “sâm nam”:

Bảo vệ tim mạch

Khoai lang chứa nhiều vitamin B6 có tác dụng chống xơ vữa thành mạch. Hàm lượng kali cao trong khoai lang còn giúp hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim.

Ổn định đường huyết, chống tiểu đường

Mặc dù chứa tinh bột song khoai lang lại là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Khoai lang còn được dùng làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng có tác dụng ổn định đường huyết.

Tăng cường sức đề kháng, chống viêm

Khoai lang chứa các chất tạo màu có đặc tính chống viêm, cùng với đó là vitamin C, vitamin A, vitamin E hỗ trợ hệ miễn dịch đồng thời là chất chống oxi hóa mạnh mẽ.

(Ảnh: lilyapp.me)

Tăng cường thị lực, tốt cho da và tóc

Vitamin A được biết đến là giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại từ ánh nắng mặt trời cũng như tốt cho mắt. Vitamin C và E có nhiều trong khoai lang giúp làn da sáng bóng và khỏe mạnh.

Hỗ trợ tiêu hóa

Khoai lang chứa nhiều chất xơ có tác dụng nhuận tràng, điều hòa và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nếu bị táo bón thì có thể ăn khoai lang luộc, mà người uống rượu quá nhiều, đường tiêu hóa bị tổn thương dẫn đến tiêu chảy thì có thể ăn khoai lang nướng.

Một số bài thuốc và món ăn bổ dưỡng từ củ khoai lang và lá khoai lang

1.Chữa táo bón

Củ khoai rửa sạch, gọt bỏ vỏ, xay (giã) nhỏ, thêm ít nước sôi, khuấy đều. Uống 1 bát vào buổi sáng. Dùng 3 – 7 ngày đến khi hết táo bón. Hoặc dùng 100 – 150g lá tươi luộc ăn hàng ngày.

2.Chữa đái tháo đường

Lá khoai lang tươi 150g, bí đao 50g. Lá khoai rửa sạch, bí đao gọt vỏ, thái miếng. Nấu canh ăn trong ngày.

3.Phụ nữ băng huyết

Lá khoai lang tươi 100 – 150g, giã nát, cho ít nước sôi, ép nước uống.

4.Trẻ biếng ăn

(Ảnh: khoaimat.com)

Cho ăn dặm bằng bột khoai lang vàng đỏ quấy với bột, sữa.

5.Viêm tuyến vú

Khoai lang trắng gọt vỏ, giã nhuyễn đắp lên vú, có thể phối hợp với tỏi giã nhuyễn để đắp.

6.Thận âm hư, đau lưng mỏi gối

Lá khoai lang tươi non 30g, mai rùa 30g, sắc kỹ lấy nước uống.

7.Thận dương hư, đi tiểu nhiều lần

Hầm thịt chó với khoai lang, cho thêm chút rượu và gia vị.

8.Chữa ngộ độc sắn

Khoai lang gọt vỏ giã nát thêm nước, vắt lấy nước cốt. Uống cách nhau 1/2 giờ.

9.Say tàu xe

Củ khoai lang tươi nhai nuốt cả nước và bã.

10.Vàng da

(Ảnh: eva.vn)

Nấu cháo đặc bằng khoai với gạo hoặc bột ngô.

11.Mụn nhọt

Khoai lang củ 40g, lá bồ công anh 40g, đường hoặc mật mía giã nhuyễn bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt. Để hút mủ nhọt đã vỡ, lấy lá khoai lang non 50g, đậu xanh 12g, thêm chút muối, giã nhuyễn bọc vào vải đắp.

12.Tỳ vị hư nhược

Cháo kê khoai lang: Khoai lang 60g, kê 50g. Khoai lang gọt vỏ, thái lát; kê xay bỏ vỏ; nấu cháo, ăn bữa sáng. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, tỳ vị hư nhược.

13.Quáng gà, thị lực giảm sút

Cháo gạo khoai lang: Khoai lang đỏ (tươi) 200g, gạo tẻ 100g. Khoai rửa sạch, gọt vỏ, thái miếng. Nấu với gạo thành cháo, thêm đường trắng đảo đều. Dùng cho bệnh nhân quáng gà, thị lực giảm.

Khoai lang hầm cá bống (hoặc cá quả): khoai lang 500g, cá quả 1 con (500g), nghệ 1 củ (20g). Khoai rửa sạch, thái miếng, cá đánh vảy, mổ bỏ ruột, nghệ giã nát. Cho vào nồi hầm kỹ. Dùng cho sản phụ bị suy nhược.

Một số lưu ý khi ăn khoai lang

Phải bỏ hết khoai hà (sùng).

Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. Để giải cảm và chữa táo bón, nên dùng khoai vỏ trắng ruột trắng.

Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. (Ảnh: phunutoday.vn)

 

Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men.

Khi ăn khoai có thể ăn cả vỏ để không bị đầy bụng. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.

Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó phải bảo vệ phần vỏ không bị sây sát, không gọt vỏ nếu không cần thiết. Vỏ còn giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy khi luộc khoai nên để cả vỏ (đã rửa sạch). Tuy nhiên vỏ khoai đổi màu, lốm đốm màu đen hoặc nâu chứng tỏ củ đã bị thối không nên ăn.

Đại Hải

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.