Cây tầm xuân cho hoa đẹp mỏng manh, thơm mát nhưng ẩn chứa nhiều tác dụng chữa bệnh tuyệt vời mà có thể mọi người chưa biết đến…

Cây tầm xuân có nhiều loại với các nguồn gốc khác nhau: Châu Âu, Tây Bắc Phi, Tây Á… Bài viết này sẽ đề cập đến tầm xuân Đông Á (còn gọi là tường vi), thuộc họ hoa hồng Rosaceae, mang tên khoa học là Rosa multiflora Thunb. Người ta còn gọi loại cây này với những tên khác như: dã tường vi, thập tỉ muội, thất tỉ muội… Là loài cây bụi, lá kép lông chim, thân nhiều gai. Hoa nhỏ đẹp, thơm dịu, nhiều màu khác nhau: vàng, đỏ, hồng, trắng… có năm cánh hoa.

Cây cho nhiều hoa, được trồng như một loại cây cảnh. Người ta cũng lấy gốc cây để ghép giống với nhiều loại hoa hồng trang trí khác. Do đây là loài cây mọc hoang dại nên có sức sống rất mạnh mẽ, xuất hiện nhiều nơi như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…

Hoa tầm xuân có nhiều màu khác nhau. (Ảnh: dbiodbs.units.it)

Dân gian thu hái hoa, quả, rễ làm thuốc; dùng tươi hoặc phơi sấy khô. Theo y học cổ truyền, tầm xuân có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết để chỉ huyết, giải độc, giảm đau. Thường được dùng để điều trị các chứng bệnh như tiêu chảy, người già tiểu đêm nhiều, đái dầm ở trẻ em, chảy máu cam… Tùy theo từng bộ phận của tầm xuân mà tác dụng điều trị bệnh cũng có những đặc điểm khác nhau.

Rễ tầm xuân

Rễ có vị hơi đắng, chát, tính mát, công dụng thanh nhiệt lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết chỉ huyết. Một số cách sử dụng:

  • Trẻ em đái dầm, người già tiểu đêm: lấy 30g rễ hầm với thịt lợn làm món ăn.
  • Bệnh nhân liệt mặt ngoại biên do lạnh: lấy 15 – 30g rễ sắc uống hàng ngày, kết hợp liệu pháp y học cổ truyền sẽ cải thiện tình trạng bệnh đáng kể.
  • Chảy máu cam mạn không rõ nguyên nhân: Lấy 60g vỏ rễ hầm với thịt vịt già ăn tuần 2 – 3 lần.
  • Chữa kiết lỵ: Rễ tầm xuân sao vàng, hạ thổ, dùng riêng hoặc phối hợp với vỏ quả lựu, vỏ quả chuối hột, búp ổi, mỗi vị 20g. Sắc lấy nước đặc, uống trong ngày. Dùng liền 3-5 ngày.
  • Đau răng, viêm loét miệng: dùng 30g rễ tầm xuân sắc uống hoặc ngậm.

Lá tầm xuân

Lá chứa tinh dầu, tanin có tác dụng làm se vết thương nhỏ, có công dụng thanh nhiệt giải độc.

  • Mụn nhọt độc, sưng: lá và cành non bỏ gai trộn một ít muối, giã nát, đắp vào.
  • Viêm ngoài da, vết nhỏ: lá lấy số lượng tùy ý, nấu nước rửa.
Lá tầm xuân có tác dụng làm se vết thương. (Ảnh: Go Botany – New England Wild Flower Society)

Hoa tầm xuân

Hoa được thu hái vào mùa xuân hạ, khi mới nở, chứa chất chống oxy hóa, vitamin B1, B2, K. Vị đắng, chát, tính hàn.

Chữa cảm nóng mùa hạ với triệu chứng: tức ngực, buồn nôn, nôn, môi khô, miệng khát. Dùng 3 – 9g hoa khô hoặc tươi, hoặc lấy 10g hoa tầm xuân cùng 10g đậu ván trắng hãm như trà uống thêm chút đường.

Quả tầm xuân

Vị chua, tính ấm, thu hái lúc chín, chứa nhiều vitamin C, đem phơi hoặc sấy khô, công dụng thanh nhiệt lợi thấp, giảm đau

Quả tầm xuân có thể làm trà. (Ảnh: R Devine Organic Skin Care)
  • Chữa đau bụng kinh: 120g quả sắc uống trong ngày, cho thêm chút đường, uống ấm.
  • Chữa táo bón do nhiệt tích: 10g quả + 3g đại hoàng, sắc uống, chia 3 lần trong ngày.

Ngày nay, quả và hoa tầm xuân còn được thu hái khi mới nở hoặc chưa bung nở hết, để phơi sấy khô làm trà giải nhiệt mùa hè, chống lão hóa.

Tầm xuân sống gần như hoang dã, có họ với hoa hồng nhưng không mang cùng hương thơm nức như hồng. Chỉ cần vài nhánh cắm xuống đất, tầm xuân sẽ nhanh chóng vươn lên thành bụi xanh tốt, bất chấp nắng mưa sương gió vẫn khoe hoa tươi đủ sắc màu. Vị thuốc từ tầm xuân cũng nhờ cái sức hoang dại ấy mà công hiệu tuyệt vời.

Yến Dương