Nhiều người có tâm lý thấy nhiệt độ cơ thể tăng lên, có cảm giác sốt là hạ sốt. Đây là một sai lầm lớn khiến bệnh có thể âm ỉ kéo dài vì đi ngược lại với cơ chế tự nhiên của cơ thể.

Hạ sốt khiến virus phát triển phi mã

Một thí nghiệm trên thỏ đã được tiến hành. Khi người ta lấy các con thỏ khỏe mạnh và thả chúng trong một môi trường ở 20 °C, nhiệt độ của chúng là 39 °C. Khi được thả trong môi trường ở 36 °C, nhiệt độ sẽ là 40 °C. Vào lúc đó, nếu tiêm các con thỏ với virus gây bệnh myxomatosis (có triệu chứng là nổi khối u dưới da, trên cổ hoặc vùng kín…), thì 63% thỏ trong nhóm ở nhiệt độ thấp chết, so với chỉ 30% chết ở nhóm có nhiệt độ cao.

Bằng cách tiêm vào các con thỏ đang bệnh một loại thuốc trị sốt (như aspirin hoặc paracetamol), số thỏ chết sẽ nhiều gấp hai lần. Thí nghiệm nổi tiếng này đã được biết đến từ 50 năm trước!

Trường hợp một bệnh nhân bị nhiễm virus bại liệt, một sự chênh lệch nhỏ về nhiệt độ cơ thể (cao hơn 0,5 °C) có thể làm giảm đáng kể tốc độ sinh sản của virus. Sự khác biệt này là ranh giới giữa khỏe mạnh và bệnh tật, và trong một số trường hợp, là giữa sự sống và cái chết!

Khi bạn tìm cách cắt đi cơn sốt, điều này có thể làm tăng tốc độ sao chép của virus và áp đảo hệ thống miễn dịch.

Sốt là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể

Đa số trường hợp bị sốt là do virus xâm nhập vào cơ thể. Thông thường, virus đi vào cơ thể qua đường miệng hoặc thông qua mũi. Chúng vào trong một tế bào và nhân bản bên trong đó cho đến khi tế bào căng đầy như một quả trứng, với hàng triệu virus. Vào lúc này, nếu bạn soi tế bào qua kính hiển vi điện tử, bạn có cảm giác như thấy các ngăn của tổ ong được lấp đầy: đó toàn là virus được lèn chặt trong từng ngăn như mật ong trong tổ. Hoàn toàn bị xâm chiếm bởi virus, tế bào sẽ chết, vỡ. Các virus thoát ra và phân tán. Mỗi con lại đi vào một tế bào khỏe mạnh. Và vòng sinh trưởng lại bắt đầu.

Tốc độ lây lan của virus cực nhanh (Ảnh: Internet)

Như vậy, virus lây lan rất nhanh chóng. Hàng triệu hoặc tỷ tế bào có thể bị nhiễm sau một vài giờ. Rất nhiều tế bào nhanh chóng bị chết. Bạn sẽ sớm thấy cảm giác đau vì các cơ quan bị thương tổn. Đau khớp, đau đầu, cơ bắp, dạ dày, tai, hoặc là nơi nào khác tùy từng trường hợp.

May mắn thay, cơ thể chúng ta không ở đó mà không phản ứng gì trước một cuộc xâm chiếm của virus.

Ngay khi một virus thâm nhập vào một tế bào, tế bào liền “thả” ra những hợp chất làm các mạch máu gần đó phồng lên. Máu chảy chậm lại, tập trung tại các khu vực bị nhiễm trùng. Việc này làm cho bạch cầu, vốn có trong máu, đi qua thành các mạch máu và tìm đến tế bào bị nhiễm virus. Các huyết cầu trắng, còn gọi là bạch cầu bị thu hút bởi các chất do tế bào giải phóng ra.

Còn về phía bề mặt, bạn sẽ thấy có biểu hiện là viêm do máu tích tụ ở nơi bị nhiễm trùng. Nó trở nên đỏ, nóng và đau. Nhưng đây là một dấu hiệu tốt.

Điều này có nghĩa rằng hiện tượng viêm đang xảy ra. Đây là một cơ chế ra lệnh cho cơ thể tự bảo vệ. Tế bào đã bị nhiễm sẽ được vây quanh bởi hàng triệu bạch cầu, nhiều đến mức chặn luôn cả đường cấp oxy. Khi không thể “thở” được nữa, tế bào bắt đầu lên men và sản xuất carbon dioxide (CO2) và acid lactic. Điều này tạo ra một lượng acid trong các tế bào và ngăn không cho virus nhân lên nữa. Ngoài ra, quá trình lên men tạo ra rất nhiều nhiệt, giết chết virus.

Tế bào bạch cầu sẵn có trong máu để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh (Ảnh: Internet)

Tất nhiên, tế bào cũng chết. Nhưng sự lây lan của virus bị chặn lại, đây là điều quan trọng nhất. Khi tế bào chết, các huyết cầu chết theo và giải phóng một số chất làm tăng nhiệt độ cơ thể. Điều này làm tăng nhiệt độ và tạo ra cơn sốt. Nhiệt độ tăng cao sẽ diệt virus ở những nơi khác trong cơ thể.

Như vậy có 2 phản ứng chiến thuật của cơ thể: làm tăng nhiệt độ khu vực tế bào bị nhiễm, và tăng nhiệt độ chung của cơ thể, đó là cơn sốt. Hai phản ứng này góp phần ngăn chặn sự lây nhiễm virus.

Viêm, sốt là tốt cho cơ thể

Khi hiện tượng viêm chỉ tạm thời và cơn sốt không vượt quá 40 °C, là những phản ứng rất tốt và cần thiết của cơ thể để chống lại virus. Nếu cơ thể không phát viêm, các con virus sẽ giết chúng ta mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào. Nhiệt độ cao giúp kìm hãm tốc độ sinh sản của virus, tiêu diệt chúng.

Trong quá khứ người ta đã luôn biết: khi một bệnh nhân bị nhiễm trùng, họ đặt người này dưới chăn mền, cho uống nhiều nước lá thảo mộc để làm đổ mồ hôi và tăng nhiệt độ của thân.

Một virus nguy hiểm như loại gây bệnh bại liệt, dẫn đến tàn tật suốt đời, có tốc độ sinh sản giảm 99% khi nhiệt độ tăng từ 38,5 °C đến 39 °C!

Tuy nhiên, nếu không may có ai đó đưa cho các bệnh nhân vào đúng thời điểm này một viên aspirin để “hạ sốt”, đó lại thành một thảm họa: virus tấn công tủy sống, gây liệt hai chân.

Một số thuốc hạ sốt có tác dụng phụ nguy hiểm, cần tìm hiểu kỹ trước khi dùng (Ảnh minh họa: Internet)

Do đó đưa cho ai chỉ một gói aspirin hoặc doliprane cho người bị nhiễm virus có thể đem lại hậu quả tai hại. Bằng cách giảm viêm và hạ nhiệt độ, một “cú” lớn đã được tặng cho virus. Cơ thể bạn đang bị tước đi khỏi cơ chế bảo vệ tự nhiên của nó, và không có cách nào để ngăn chặn sự gia tăng của virus và dẫn đến bệnh.

Việc hạ sốt cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia y tế thừa nhận rằng cơn sốt không nguy hiểm ở dưới 41 °C và điều trị sốt chỉ cốt mang lại sự thoải mái. Tất nhiên là bạn cần để ý tới tiền sử của bệnh nhân và một số triệu chứng khác như co giật… Một số thuốc hạ sốt cũng có những tác dụng phụ không mong muốn, do đó lại càng nên cân nhắc khi nào thì nên dùng.

Minh Thành