Sự kiện hàng loạt trẻ tại Hưng Yên phải điều trị sùi mào gà khiến nhiều người lo lắng và thêm bức xúc khi cơ quan thanh tra phát hiện ra nguyên nhân lây nhiễm chính là từ dụng cụ không vệ sinh, và cơ sở hành nghề thì “vô phép”. 

Chỉ trong 2 tháng, con số bệnh nhi điều trị sùi mào gà đến từ địa phương này lên tới hơn 80 trẻ. Điều đáng lưu ý, qua khai thác bệnh sử, hầu hết các bé trước đó đều đã được điều trị nong bao quy đầu tại cơ sở y tế tư nhân “chui” của y sĩ Hoàng Thị Hiền. Qua khám sàng lọc, bố mẹ các cháu không ai bị mắc bệnh này.

Phòng khám tại nhà của y sĩ Hiền, không có biển hiệu (Ảnh qua Lao Động)

Ngày 17/07, Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên bắt đầu tiến hành kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của y sĩ Hoàng Thị Hiền (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Theo kết luận thanh tra, cơ sở này không có giấy phép hoạt động, chủ cơ sở cũng không có chuyên môn khám chữa bệnh, mở phòng khám…

Đặc biệt, dù không có chuyên môn làm các thủ thuật liên quan đến nong tách bao quy đầu cho trẻ nhỏ, nhưng bà Hoàng Thị Hiền vẫn thực hiện.

Y sĩ Hiền tiếp xúc với Thanh tra

Với những vi phạm này, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định chính thức xử phạt y sĩ Hoàng Thị Hiền 100 triệu đồng, trong đó bổ sung hình phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của y sĩ Hiền.

Theo phản ánh của các gia đình có con bị sùi mào gà, khi đưa con đến khám ho, mua thuốc, bà Hiền đã tự ý vạch quần các cháu và kiểm tra bộ phận sinh dục, sau đó có hành vi dọa nếu không nong tách con sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như bị vô sinh, ung thư.

Do quá lo sợ, các gia đình đã để bà Hiền làm thủ thuật này cho con mình. Mỗi lần thực hiện nong tách bao quy đầu cho trẻ, bà Hiền không vệ sinh dụng cụ y tế, không thay găng tay mới.

Dụng cụ y tế không vệ sinh, chính là nguyên nhân đã làm lây nhiễm virus sùi mào gà cho hàng loạt trẻ nhỏ. Đây cũng là căn cứ quan trọng để cơ quan điều tra tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

Ngay sau khi cơ quan công an công bố kết quả này, nhiều bố mẹ của trẻ không may bị sùi mào gà vô cùng bức xúc vì vệ sinh tại phòng khám kém dẫn đến con của họ mắc sùi mào gà.

Vụ việc đã khiến cha mẹ các em và dư luận vô cùng bức xúc

Chị Nguyễn Thị H., mẹ của một bệnh nhi bị sùi mào gà ở Khoái Châu, Hưng Yên chua xót khi sau hơn 1 tháng qua gia đình chị luôn thấp thỏm lo sợ sự việc dù đã được cơ quan công an điều tra nhưng không biết kết quả sẽ như thế nào. Đến nay, kết quả ban đầu cho thấy dụng cụ của nhà bà Hiền có chứa HPV, chị H. thở phào vì đã xác định được nguyên nhân và vợ chồng chị cũng đỡ lo hơn.

Con trai chị H. mới hơn 4 tháng tuổi đã bị sùi mào gà và điều trị đến nay đã hơn 2 tháng nhưng vẫn phải theo dõi tiếp. Lúc đầu, chị H nói nghe đến sùi mào gà ai cũng nghĩ điều trị 1 – 2 lần đốt laser là hết nhưng không phải vậy, con chị phải điều trị và theo dõi lâu dài.

Sùi mào gà là do HPV – một loại virus ADN sợi kép, hiện nay đã tìm ra hơn 130 týp. Sùi mào gà ở người lớn thường do HPV type 6 và 11 gây ra, trong khi đó type HPV gây biểu hiện sùi mào gà của trẻ em rất đa dạng. Type HPV hay gây tổn thương hạt cơm ở da (type 1-4, đặc biệt là type 2 và 3) thường được phát hiện ở tổn thương sùi mào gà ở trẻ em. Một nghiên cứu tổng quan năm 2010, cho thấy trên 200 bệnh nhân sùi mào gà ở trẻ em thì có 56% do type 6 hoặc 11; 12% do type 1-4; 4% là type 16 hoặc 18.

Các con đường nhiễm HPV ở trẻ em thường gặp:

– Qua tiếp xúc với người chăm sóc trực tiếp.

– Tự lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc hoặc da.

– Do bị lạm dụng tình dục.

– Truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục trong quá trình sinh nở.

– Từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV (tuy nhiên khả năng này rất ít khi xảy ra).

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.