Vào thế kỷ 19, việc sinh nở trong bệnh viện thời đó vẫn là một thứ gì đó cực kỳ rủi ro, một số bà mẹ sau khi sinh xong sẽ lên cơn sốt. Và cứ 10 người thì lại có một người tử vong. Điều đó chỉ giảm đi khi có một vị bác sỹ đề xuất rửa tay trước khi đỡ đẻ, cũng là cách đề phòng COVID-19 hữu hiệu đang được nhấn mạnh.

Sinh tại vùng Buda (hiện thuộc thủ đô Budapest), Hungary vào ngày 1/7/1818, Ignaz Semmelweis tốt nghiệp bằng thạc sĩ ngành hộ lý và đạt được học vị tiến sĩ tại Đại học Vienna. Khi ông bắt đầu công tác tại Bệnh viện Đa khoa Vienna vào giữa thế kỷ 19, một căn bệnh lây nhiễm hiểm nghèo và bí ẩn được gọi là “sốt hậu sản” đã dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở sản phụ đang ở cữ trên khắp Châu Âu.

Không một bác sĩ nào biết nguyên nhân thực sự của căn bệnh bí ẩn này là gì, mặc cho các cuộc điều tra đã được tiến hành cẩn thận. Họ vẽ ra tới 30 giả thuyết gây sốt bao gồm sai sót trong quá trình mang thai, mất cân bằng ure trong máu, áp lực tử cung tác động lên các cơ quan nội tạng… Một số nam bác sĩ còn tin rằng việc họ khám cho các sản phụ khiến họ ngại và bị sốt.

Tại bệnh viện, gần như ngày nào cũng có một sản phụ qua đời. Mỗi buổi sáng bắt đầu ngày làm việc của mình, Semmelweis đều phải làm một công việc không thể tồi tệ hơn, khám nghiệm tử thi cho những sản phụ tử vong ngày hôm trước.

Ông quen thuộc với những xác chết này đến nỗi vừa nhìn vào đã nhận ra ai chết vì sốt hậu sản. “Công việc khiến tôi cảm thấy đau khổ đến nỗi cuộc sống không còn có ý nghĩa gì”, Semmelweis từng phải thốt lên. Ông từ bỏ công việc của mình tại bệnh viện tháng 10 năm 1846.

Theo quy trình chuẩn, 1 bác sĩ cần rửa tay 100 lần mỗi ngày. Nhưng họ sẽ chỉ mất 15-25 giây cho mỗi lần rửa tay, tổng cộng 25 phút mỗi ngày. Bù lại, khoảng 5 triệu sinh mạng sẽ được bảo vệ mỗi năm chỉ từ việc rửa tay.

Có thứ gì đó trên tay các bác sĩ

Tháng 3 năm 1847, trách nhiệm thôi thúc Semmelweis trở lại bệnh viện, điều đầu tiên ông nhận được là một hung tin: Giáo sư Jakob Kollerschka, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y và cũng là bạn tốt của ông đã qua đời.

Giữa cảm giác đau đớn ấy, điều khiến Semmelweis sửng sốt hơn cả là khi khám nghiệm cho Kollerschka, thi thể ông ấy có những đặc điểm giống hệt những người phụ nữ chết do sốt hậu sản. Bác sĩ Semmelweis kết luận Kollerschka cũng đã chết vì bị sốt… nhưng vì ông ấy là một người đàn ông, không thể gọi đó là bệnh sốt hậu sản được.

Ông đã truy xét những ngày làm việc trước đó của người bạn Kollerschka, khi đang hướng dẫn một sinh viên khám nghiệm tử thi. Người sinh viên này trong lúc hậu đậu đã vô tình đưa dao mổ cắt phải ngón tay của Kollerschka. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu, bác sĩ Semmelweis nghĩ đó chính là nguyên nhân gây bệnh cho người bạn của mình.

Khi nhân loại chưa biết rằng những con vi khuẩn tí hon có thể gây bệnh, bác sĩ Semmelweis chỉ có thể đoán một loại “hạt” nhỏ bé nào đó từ tử thi đã chui qua vết dao cắt vào máu của Kollerschka, sau đó khiến ông bị sốt dẫn tới tử vong.

Ngay sau khi bác sĩ Semmelweis yêu cầu các y bác sĩ trong khoa phải thường xuyên làm vệ sinh tay, tỷ lệ tử vong của các sản phụ đã giảm từ 18,27% xuống còn 1,27%, và trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 8 năm 1848, không có sản phụ nào qua đời trong khi lưu lại khoa sản do bác sĩ Semmelweis đứng đầu.

Tượng đài tưởng niệm Semmelweis tại quê nhà Budapest, Hungary

Người đàn ông cứu sống nhiều sinh mạng nhất lịch sử nhân loại chết trong bi thảm

Mặc dù có những thành tựu như vậy, nhưng nhiều đồng nghiệp của bác sĩ Semmelweis trong giới y khoa vẫn phủ nhận ý tưởng của ông, không coi đó là nghiêm túc. Một số nói rằng việc yêu cầu các bác sĩ rửa tay khiến họ bị xúc phạm, rằng địa vị của các bác sĩ trong xã hội rất cao quý, bàn tay của họ không thể bị ô uế như vậy. Bao trùm lên tất cả những lý do là tư duy cố hữu của cộng đồng y tế ở Châu Âu thời kỳ đó, cho ông là kẻ điên rồ.

Bác sĩ Semmelweis dần cảm thấy “tuyệt vọng” vì những người đồng nghiệp của mình, những người mà ông không thể nào thuyết phục họ thực sự tin tưởng vào tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong lĩnh vực y tế, cuối cùng, ông rơi vào bất ổn tâm lý và bị lừa đưa vào bệnh viện tâm thần, rồi qua đời tại đây.

Sau khi chết, thi thể của Semmelweis được chôn cất tại Vienna vào tháng 8 năm 1865. Đám tang chỉ có một vài người đến tham dự. Thông báo ngắn gọn về cái chết của ông xuất hiện trong một số tạp chí y tế ở Vienna và Budapest. Mặc dù Hiệp hội Bác sĩ và nhà khoa học Hungary có thông lệ rằng khi một thành viên qua đời, họ phải được vinh danh bằng một điếu văn, riêng lần ấy, không có điếu văn nào cho Semmelweis cả. Cái chết của ông thậm chí không bao giờ được đề cập đến.

Phải đến nhiều thập kỷ sau đó, khuyến nghị giữ vệ sinh của ông mới được công nhận nhờ vào “Thuyết mầm bệnh” của Louis Pasteur được chấp nhận rộng rãi, đưa ra những chứng cứ thuyết phục chứng minh những “hạt” mang bệnh từ tử thi mà Semmelweis tiên đoán chính là những vi khuẩn.

Hôm nay, Semmelweis được tưởng nhớ như “cha đẻ của phương pháp kiểm soát lây nhiễm”, được ghi nhận vì đã tạo nên một cuộc cách mạng không chỉ ở lĩnh vực sản khoa mà còn cả ngành y tế, giúp các thế hệ sau biết rằng rửa tay là một trong những cách thức hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh.

Hoàng Kỳ tổng hợp