Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 10/7, Hà Nội đã có 233 trường hợp bệnh nhân mắc sởi, tăng hơn 3 lần với năm 2017 (cả năm 2017 có 60 trường hợp mắc bệnh). Dù chưa có ca tử vong, các chuyên gia y tế lo ngại, sởi có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Số ca mắc sởi tăng gấp 3 lần năm 2017, chủ yếu trẻ dưới 1 tuổi

Cụ thể, Hà Nội đã ghi nhận hơn 230 ca mắc sởi, tăng cao so với năm 2017. Nhóm trẻ em dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, tập trung nhiều ở các quận nội thành.

Gia tăng trẻ em ở Hà Nội mắc sởi, nguy cơ bùng phát thành dịch
Ảnh minh họa.

Bệnh sởi đã xuất hiện ở 139 xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện. Đặc biệt các quận nội thành có số mắc cao hơn như Bắc Từ Liêm (22 trường hợp), Nam Từ Liêm (21 trường hợp), Hà Đông (17 trường hợp), Hoàng Mai (17 trường hợp), Đống Đa (14 trường hợp)…

Trước đó, trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên đã ghi nhận, 47 trường hợp mắc sởi. Trong đó, tập trung chủ yếu tại xã Keo Lôm (41 ca), lứa tuổi mắc chủ yếu từ 1-4 tuổi.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho TTXVN biết, nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao mắc bệnh sởi. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi.

Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn. Cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc đi tiêm không đúng lịch nên chưa có đủ miễn dịch.

Ông Cảm cho biết thêm, mùa hè thời tiết nóng, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus sởi sinh sôi, phát triển và lây lan bệnh tật. Các chuyên gia cũng lo ngại, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, sởi có thể bùng phát thành dịch.

Tăng cường phòng dịch

– Đối với trẻ 6 – 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

– Phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi – rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho cả mẹ và con.

– Các bệnh viện trong và ngoài công lập tăng cường công tác khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc sởi. Chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để đảm bảo cho công tác điều trị bệnh sởi.

– Để phòng lây nhiễm chéo, các bệnh viện phải có phòng khám phân loại riêng ngay tại khu vực phòng khám và biển chỉ dẫn ngay tại cổng bệnh viện.

– Khu điều trị cách ly theo quy định, đảm bảo chuyển tuyến an toàn với những bệnh nhân quá khả năng điều trị và tránh lây nhiễm trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, có tính lây truyền và dễ trở thành dịch bệnh. Bệnh sởi dễ dàng lây từ người nay sang người khác qua đường hô hấp, qua nước bọt của người bị bệnh. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh sởi.

Dấu hiệu

Ban xuất hiện ở sau tai, lan khắp mặt, dần xuống ngực bụng và toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.

Trẻ mắc sởi thường sốt 38-39 độ C và sốt liên tục. Ngoài ra còn một số triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy…

Bệnh sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, viêm não, viêm loét giác mạc gây mù lòa, suy dinh dưỡng…

Phương Nam