Thời tiết lạnh rất dễ khiến trẻ nhỏ bị ngạt mũi, chảy nước mũi. Gần đây nhiều bà mẹ đã chia sẻ rộng rãi phương pháp rửa mũi, thông mũi cho con bằng bơm xi-lanh. Đúng là biện pháp này có hiệu quả nhưng cũng dễ để lại những nguy hại khôn lường.

Theo đó bà mẹ mua một xi-lanh thường, một lọ nước muối sinh lý. Sau em bé được dùng xi-lanh xịt mạnh nước muối vào một bên lỗ mũi, cùng lúc này ở phía mũi bên kia, nước muối sinh lý đi kèm dịch nhầy, đờm dãi tắc trong khoang mũi sẽ trào ra.

Mặc dù biện pháp này có hiệu quả rõ rệt, nhưng không ít bà mẹ cũng nhận thấy rằng cách làm như trên có phần thô bạo, thậm chí còn gây ám ảnh cho trẻ.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Trẻ bị sổ mũi, viêm mũi, rửa mũi cho trẻ là điều rất cần thiết giúp cho trẻ thông thoáng đường thở. Dịch nhầy tồn tại trong mũi lâu có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm tai”.

Dùng xi-lanh xịt rửa mũi có nguy cơ khiến trẻ viêm tai (Ảnh minh họa: qua giadinhmoi)

Tuy nhiên, cũng theo bác sỹ Thường, bơm bằng xi-lanh sẽ tạo nên tia nước có áp lực lớn, khiến trẻ khó chịu, đồng thời dễ làm tổn thương niêm mạc mũi vốn rất mỏng của trẻ.

Khi rửa bằng xi-lanh trẻ sẽ rất sợ, giãy giụa làm nước trào vào đường hô hấp, gây sặc rất nguy hiểm đối với trẻ. Bên cạnh đó áp lực nước mạnh có thể khiến dịch mũi trào ngược lên tai thông qua vòi nhĩ – ống thông giữa tai và mũi, dễ dẫn đến viêm tai giữa.

Nếu dùng biện pháp này, cha mẹ nên dùng dụng cụ chuẩn. Hiện các bộ dụng cụ thường có cấu tạo bình rửa thông mũi với áp suất chuẩn, vừa đảm bảo dòng chảy để rửa sạch khoang mũi, vừa không bị áp lực cao gây tổn thương niêm mạc. Đây là một thiết bị được bán khá nhiều tại các bệnh viện, hiệu thuốc uy tín, thường khoảng 200 – 300 nghìn đồng.

Một số biện pháp vệ sinh mũi an toàn cho trẻ nhỏ

1. Dùng bóng hút

Image result for bóng hút mũi
Một loại bóng hút dùng để rửa mũi cho bé

Phương pháp này thích hợp cho sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặt trẻ nằm ngửa, lần lượt làm từng bên.

  • Nhỏ 2 – 6 giọt nước muối sinh lý vào một bên lỗ mũi, chờ một lát để làm loãng dịch mũi
  • Bóp xẹp quả bóng đẩy không khí ra rồi nhẹ nhàng đưa đầu hút của quả bóng vào mũi trẻ. Thả tay để dịch nhầy và mũi bị hút vào trong bóng.
  • Bóp đẩy khí và dịch trong bóng vào giấy vệ sinh.

Lặp lại cho đến khi nào sạch mũi (chỉ thấy nước trong). Cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ và bàn tay người làm trước và sau khi vệ sinh mũi cho trẻ.

2. Dùng dây hút mũi

Cách này tương tự như dùng bóng hút, chỉ khác là người lớn dùng miệng hút mũi của trẻ thông qua hệ thống dây một chiều. Tuyệt đối không được thổi hơi vào dây khi vệ sinh mũi vì sẽ làm vi khuẩn đi ngược vào mũi trẻ.

3. Dùng chai xịt phun sương và bấc sâu kèn

Cách làm bấc sâu kèn:

Trước hết cần lấy bớt nhầy mũi cho trẻ: Nếu trẻ lớn hãy bày cho trẻ xì mũi. Trẻ nhỏ dùng giấy ăn loại sạch mịn, cuộn thành bấc sâu kèn, nhẹ nhàng đưa vào mũi trẻ để thấm hút bớt nước và kéo nhầy ra theo.

Sau đó xịt mỗi bên 1- 2 lần, chú ý để đầu chai xịt hướng ra phía ngoài má. Nên chọn loại chai xịt mà lực bắn tia nhẹ nhàng cho trẻ đỡ sợ và không gây đau mũi. Ngày làm 4 – 6 lần, tùy theo tình trạng tiết nhầy mũi.

Đại Hải