Dưỡng nhan là kỹ thuật làm cho dung mạo xinh đẹp, cũng được xem là một môn nghệ thuật. Chỉ dựa vào bảo dưỡng bên ngoài thì không đủ, cơ quan trong cơ thể một khi xuất hiện vấn đề cũng có thể biểu hiện ra ở bề mặt cơ thể. Do đó, nếu dựa vào một số sản phẩm dùng ngoài cho phái đẹp thì chỉ có thể trị ngọn mà không trị được gốc.

Theo các chuyên gia thẩm mỹ nhận định, da bình thường mang tính axit yếu, da mà cân bằng độ dầu và độ ẩm, nhẵn bóng mịn màng, đàn hồi tốt, thì có thể tăng cường nhiệt huyết đối với cuộc sống, làm người ta trở nên yêu đời hơn. Vậy dưỡng nhan thực chất là gì và phương pháp nào hiệu quả cho công việc này? Mời các độc giả theo dõi chi tiết trong bài viết.

1. Dưỡng nhan là như thế nào?

Từ xa xưa, dưỡng nhan đã là một lĩnh vực nghiên cứu của y học cổ truyền. Cổ nhân cho rằng, dưỡng nhan và “bài độc” cơ thể là không tách rời. Trầm kha (bệnh nặng kéo dài) của nội tạng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh biến bên ngoài da. Vì vậy mà có thuyết “ngoại tật nội trị”. Quan điểm này cũng được y học hiện đại thừa nhận.

Đối với Đông y, sắc diện của người tốt hay xấu có quan hệ mật thiết với tạng Tâm. Bởi vì, Tâm chủ huyết quản, thúc đẩy huyết dịch nuôi dưỡng toàn thân, tâm khí vượng thịnh, khí huyết và tân dịch dồi dào, chức năng tạng phủ bình thường, sắc diện ắt sẽ hồng nhuận mà sáng bóng.

Dưỡng nhan và bài độc của cơ thể là không thể tách rời nhau. (Ảnh: Rangsucaocap)

Nếu tâm khí bất túc (không đầy đủ), tâm huyết khuyết hư ắt sắc diện trắng xanh; nếu tâm huyết tắc trở, không thông suốt, thì sắc mặt xanh tím; nếu tâm hỏa quá thịnh, mặt đỏ đồng thời đầu lưỡi còn có thể đỏ hoặc loét… Nếu cơ thể con người khi trong trạng thái bệnh tật, sắc mặt sẽ biểu hiện ra là vàng xạm, xám bụi bặm, nhợt nhạt, có nám ban…

Do đó, Đông y cho rằng trị bệnh và thẩm mỹ, dưỡng sinh và dưỡng nhan có quan hệ mật thiết không thể phân tách. Chỉ có điều chỉnh chức năng nội tạng về bình thường, nhân thể mới có thể thực sự đạt tới dung nhan rạng rỡ. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều người chỉ chú ý tới làm đẹp và bảo dưỡng bên ngoài, mà lại xem nhẹ việc điều chỉnh từ bên trong.

2. Dưỡng nhan từ trong cuộc sống thường nhật

Dưỡng nhan hoàn toàn không phải việc ngày một ngày hai mà là công phu của cả một quá trình lâu dài. Mặc dù đã biết hầu hết các phương thuốc giúp dưỡng nhan tốt, nhưng những thói quen sinh hoạt thường nhật không lành mạnh đã làm hiệu quả của các phương thuốc đó giảm giá trị rất nhiều.

Trước tiên, từ góc độ Đông y mà nhìn nhận, dưỡng nhan thực chất là đang dưỡng khí. Đối với người hiện đại mà nói, “khí” trong y học cổ truyền có thể hiểu là tính khí, cảm xúc. Bảo trì một tâm lý vui vẻ thoải mái, đối với người dưỡng nhan mà nói, đích xác là liều thuốc tốt nhất.

Dưỡng nhan là công phu của một quá trình lâu dài. (Ảnh: Mỹ phẩm Hana)

Thêm nữa, trong quá trình dưỡng nhan, giấc ngủ cũng là một nhân tố rất quan trọng. Bảo đảm chất lượng giấc ngủ, cấp cho dưỡng nhan hoàn cảnh môi trường sinh lý tốt nhất, làm cho chuyển hóa trao đổi chất tiến hành được thông suốt, không tích trữ độc tố, đặc biệt nữ giới đang trong giai đoạn tiền mãn kinh càng cần chú ý điểm này.

Cuối cùng, dưỡng nhan cần kết hợp với vận động. Mỗi ngày kiên trì đi bộ sau bữa cơm, hoặc là luyện tập trong giờ hoàng kim buổi chiều 16h – 18h, đến những nơi thoáng đãng rộng rãi, đồng thời còn tương đối nhiều cây xanh. Vận động thích đáng một chút sẽ điều tiết cơ năng cơ thể, hoạt động các khớp. Kiến nghị học một số bài tập dưỡng sinh, giúp cho bản thân duy trì hoàn cảnh môi trường sinh lý khỏe mạnh.

3. Hộ can dưỡng nhan: Tạng Can và sức khỏe của nữ giới

Hoạt động sinh lý cả đời của nữ giới đều lấy can huyết làm trung tâm, hành kinh hao huyết, mang bầu huyết tụ dưỡng thai, sinh nở xuất huyết… Mà tạng Can có chức năng tạo huyết, tàng trữ huyết, điều tiết kích thích tố… Nữ giới can khí bình hoà, có thể tránh gây ra các loại bệnh phụ khoa như kinh nguyệt không đều, u nang tuyến vú, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, chức năng sinh lý bất thường, hiếm muộn… Can lại là hệ thống bài độc mạnh nhất của cơ thể, là cơ quan tư dưỡng toàn thân của nữ giới. Như vậy, khi làm đẹp cần chú trọng đến những biến hoá của tạng Can. Đông y nhấn mạnh, mỗi người cần thường xuyên thư can khí, thanh can độc, giáng can hỏa, dưỡng can huyết.

Khi làm đẹp cần chú trọng đến sự biến hoá của tạng Can. (Ảnh: Pinterest)

Theo y học cổ truyền, thư can khí có thể làm khí cơ toàn thân sơ tiết thông sướng, trong cơ thể không tắc nghẽn thì trên mặt không có mụn. Thanh can độc có thể hóa giải, tiêu trừ độc tố trong cơ thể, độc tố không còn ắt mặt không có sắc tối. Giáng can hỏa có thể làm âm dương trong cơ thể bình hòa, không có huyết táo da dẻ sẽ tư nhuận mà không khô. Dưỡng can huyết có thể tư dưỡng tạng khí toàn thân, can huyết dồi dào thể hiện ra bên ngoài da tươi sáng, có đàn hồi. Hồi phục tạng Can bị thương tổn, làm khí cơ toàn thân sơ tiết điều đạt, khí huyết vận hành thông thuận, để đạt được mục đích sơ can dưỡng nhan.

a. Thư can khí

Trong không tắc, mặt không mụn.

Hoàng đế nội kinh ví tạng Can như là Tướng quân, tính tình cương liệt, một khi gặp phải thương tổn làm can khí uất kết. Sơ can khí, làm khí cơ toàn thân sơ thông sướng đạt, mạch hoạt có lực, sắc diện sáng bóng, không mọc sẹo mụn.

b. Thanh can độc

Trong không có độc, sắc mặt không tối.

Tạng Can là “xưởng hóa chất” của cơ thể, nạp vào chất độc của thực phẩm, dược phẩm, rượu cồn, khói thuốc… đều dựa vào tạng Can phân giải. Khi những độc tố này dần dần tích lũy ngày càng nhiều, thì sẽ dẫn tới tổn hại Can. Hóa giải đồng thời thanh trừ độc tố trong Can, mới có thể làm da dẻ mịn màng tươi sáng và láng mịn, tính đàn hồi cao.

c. Giáng can hỏa

Bên trong không táo, da dẻ không khô.

Can bệnh bình thường đều là can dương thượng kháng, dẫn tới can hỏa quá vượng có các biểu hiện như loét miệng, nóng mắt, da khô nẻ, nám… Do đó, nám da còn được gọi là nám can. Giáng can hỏa, lập lại thế cân bằng âm dương, mới có thể làm da dẻ nhuận mà không khô, trắng mịn không tì vết.

Giáng Can hoả, lập lại thế cân bằng, mới có thể làm da nhuận và trắng không tỳ vết. (Ảnh: Beauty Journal Sociolla)

d. Dưỡng can huyết

Bên trong dồi dào, bên ngoài tươi mới.

Can tàng huyết, tư dưỡng tạng khí toàn thân. Can huyết hư ắt sắc diện không đẹp, da dẻ khô héo. Can huyết dồi dào, thì mắt sáng long lanh, thân thể vừa vặn mà tinh thần tràn đầy sức sống.

4. Một số loại cháo dưỡng nhan

Rất nhiều phụ nữ sắc mặt nhợt nhạt, trắng xanh hoặc tối xạm, da dẻ thô ráp, nhiều ban nám, thông thường do chức năng ngũ tạng mất cân bằng. Ngay cả chuyên gia trang điểm, cũng khó che đậy được dấu vết tiều tụy này. Do đó, nếu muốn dưỡng nhan, trước tiên nên tăng cường chức năng sinh lý tạng phủ và điều chỉnh đường ruột, như vậy mới có thể làm dung nhan không phai tàn nhanh.

a. Tâm và dung nhan

Tâm khí vượng thịnh, tâm huyết sung túc, ắt gương mặt hồng nhuận, sáng bóng. Nếu tâm khí không lưu lợi, tâm huyết thiếu, huyết không đủ lên mặt, da dẻ không được tư dưỡng, sắc mặt sẽ trắng xanh, tối xạm hoặc vàng bủng.

Cháo Long nhãn hạt sen gạo nếp

Người tâm khí hư, tâm huyết khuyết thiếu có thể lấy Long nhãn, Hạt sen mỗi loại 30g, gạo nếp 100g, thêm nước đun sôi sau đó vặn nhỏ lửa đun từ từ cho tới khi hạt gạo nát nhừ là được. Thường ăn cháo này có thể dưỡng tâm bổ huyết, nhuận da hồng nhan.

Cháo long nhãn hạt sen dưỡng tâm bổ huyết, nhuận da. (Ảnh: Xaluan.com)

b. Can và dung nhan

Can chủ tàng huyết, làm khí huyết bình hòa, mà huyết dịch vận hành sung túc, biểu hiện là sắc mặt hồng nhuận, sáng bóng. Can huyết không đủ, da mặt thiếu huyết dịch tư dưỡng, ắt sắc mặt nhợt nhạt, ảm đạm không sáng, hai mắt khô, nhìn không rõ.

Cháo Ngân Kỷ Cúc hoa

Đối với người tạng Can không điều hòa, Đông y đề xuất dùng “Cháo Ngân Kỷ Cúc hoa”. Cách làm là: Ngân nhĩ (nấm tuyết), Cúc hoa mỗi loại 10g, Kỷ tử 20 hạt, gạo nếp 60g. Cùng cho vào nồi, cho lượng nước thích hợp nấu thành cháo, cháo chín thì cho lượng mật ong thích hợp vào và ăn.

Ngân nhĩ hay còn gọi là mộc nhĩ trắng được dùng để nấu cháo dưỡng nhan. (Ảnh: baomoi.com)

c. Tỳ và dung nhan

Tỳ là hậu thiên chi bản, khí huyết sinh hóa chi nguyên. Tỳ vị nếu có chức năng kiện vận tốt, ắt khí huyết vượng thịnh, biểu hiện sắc mặt hồng nhuận, da đàn hồi tốt. Ngược lại, Tỳ mất kiện vận, khí huyết tân dịch không đủ, không thể dinh dưỡng khuôn mặt, người đó tất tinh thần ủy mị, sắc mặt trắng nhợt, vàng bủng không sáng.

Cháo Hồng táo Phục linh

Người mà có công năng kiện vận của Tỳ bị chướng ngại nên dùng “Cháo Hồng táo Phục linh”. Cách làm: Đại hồng táo 20 quả, Phục linh 30g, gạo tẻ 100g. Hồng táo rửa sạch bổ ra bỏ hạt, Phục linh đập vụn, nấu cùng gạo tẻ thành cháo, dùng thay bữa sáng.

Cháo Hồng táo Phục linh tăng cường chức năng kiện vận của Tỳ. (Ảnh: www.blogphunu.net)

d. Phế và dung nhan

Phế chủ bì mao. Khí cơ của Phế lấy tuyên giáng làm thuận, cơ thể thông qua tuyên phát và túc giáng của phế khí, làm khí huyết tân dịch được phân bố toàn thân. Nếu chức năng Phế thất thường lâu ngày, thì da dẻ khô ráp, mặt mũi tiều tụy mà trắng xanh.

Cháo Bách hợp

Người chức năng Phế bất thường cần thiết bổ phế khí, dưỡng phế âm, có thể dùng “Cháo Bách hợp”. Cách làm: Bách hợp 40g, gạo tẻ 100g, đường phèn lượng vừa phải. Lấy Bách hợp, gạo tẻ thêm lượng nước thích hợp nấu cháo. Cháo nấu xong cho đường phèn vào, nấu thêm vài giây là được, dùng làm bữa sáng.

Cháo Bách hợp bổ phế khí, dưỡng phế âm rất tốt. (Ảnh: meituan.com)

e. Thận và dung nhan

Thận chủ tàng tinh. Khi thận tinh sung túc, thận khí vượng thịnh, chức năng ngũ tạng cũng được vận hành bình thường, khí huyết đủ đầy, dung mạo vì vậy mà không tàn.

Cháo Vừng nấu quả Óc chó

Vừng 30g, nhân Óc chó 30g, Gạo tẻ 100g cùng cho vào nồi, cho thêm lượng nước thích hợp vào nấu cháo.

Theo baike.baidu.com
Liên Hoa